Văn phòng của Microsoft ở Chevy Chase, Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thời gian gần đây, liên tục có thông tin liên quan đến các công ty công nghệ lớn của Mỹ sa thải số lượng lớn. Thời kỳ thịnh vượng do phong tỏa vì COVID-19 đã qua đi, khi cuộc sống quay trở lại bình thường, người dân cũng không còn dành hầu hết thời gian nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính.
Trong giai đoạn phong tỏa vì dịch COVID-19, các doanh nghiệp công nghệ lớn như Microsoft, Google, Amazon và công ty mẹ của Facebook là Meta đã tuyển dụng số lượng lớn lao động bởi nhu cầu đối với sản phẩm và dịch vụ của họ tăng mạnh. Với tình trạng lạm phát tăng và chi phí vận hành gia tăng, các công ty công nghệ không còn lựa chọn nào ngoài việc giảm số lượng nhân viên.
Trong vòng 12 tháng qua, các công ty công nghệ đã cắt giảm hơn 330.000 lao động trong đó có 90.000 trường hợp tính từ đầu năm 2023 đến nay. Với lạm phát vẫn ở mức cao, lãi suất gia tăng và tăng trưởng chậm, có ý kiến cho rằng khó khăn của lĩnh vực công nghệ sẽ nhanh chóng lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế Mỹ. Nhưng một số nhà kinh tế học lại có quan điểm khác.
Lĩnh vực công nghệ “quá tải” tuyển dụng
Ông Olu Sonola tại Fitch Ratings (Mỹ) nhận định lĩnh vực công nghệ đã tuyển dụng quá nhiều trong năm 2021 và 2022 tăng khoảng 200.000 - 300.000 việc làm.
Nhưng mỗi ngày tại Mỹ có số lượng người lao động thay đổi lĩnh vực rất lớn bởi nước này sở hữu một trong những thị trường việc làm linh hoạt nhất thế giới.
Ông Karen Dynan tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định: “Số lượng lao động nghỉ việc mỗi tháng trong nền kinh tế Mỹ là khoảng 1,5 triệu người”. Trong khi đó, con số này ở lĩnh vực công nghệ là 30.000 trường hợp mỗi tháng.
Ông Dynan nói: “Số lượng nghỉ việc trong lĩnh vực công nghệ gây chú ý, tuy nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường việc làm tại Mỹ là hạn chế”.
Ngay cả với lượng sa thải lớn, hầu hết các công ty công nghệ vẫn “phình” hơn so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Kể từ năm 2018, Alphabet - công ty mẹ của Google - đã tuyển trên 100.000 nhân viên. Trong khi vào tuần trước, công ty này tuyên bố sa thải 12.000 lao động. Amazon quyết định sa thải 18.000 lao động trong khi có lực lượng hùng hậu 1,5 triệu nhân viên trên toàn cầu.
Nhiều công ty vẫn tuyển dụng
Mặc dù một số công ty công nghệ đã sa thải nhân viên với số lượng lớn, vẫn có nhiều công ty khác tích cực tuyển dụng trong bối cảnh nhiều nhà tuyển dụng trong nhiều lĩnh vực vẫn chưa lấp được chỗ trống trong khi người lao động yêu cầu mức lương cao hơn.
Trên trang web tìm việc TrueUp ngày 27/1, có trên 179.000 vị trí trống đang tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp. Một nghiên cứu do ZipRecruit thực hiện trong tháng 12/2022 cho thấy 4/5 lao động trong lĩnh vực công nghệ bị sa thải sẽ tìm được công việc mới trong vòng 3 tháng.
Bất chấp lạm phát, người Mỹ vẫn tiêu dùng mạnh
Các nhà kinh tế học vẫn chia rẽ về việc liệu Mỹ có rơi vào suy thoái trong năm 2023 bởi chi tiêu tiêu dùng vẫn khá mạnh. Theo Bộ Thương mại Mỹ, tiêu dùng giảm nhẹ trong tháng 11 và 12/2022. Nợ thẻ tín dụng cũng tăng, đây là bằng chứng cho thấy người Mỹ vay nhiều hơn để duy trì mức chi tiêu.
Dấu hiệu rõ ràng của suy thoái là tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12/2022 là 3,5%. Chính phủ Mỹ trong tháng 1 cho biết vào tháng 12/2022, nền kinh tế nước này tạo 223.000 việc làm, gấp đôi mức 100.000 việc làm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho là dấu hiệu lạm phát đã lắng dịu.
Nhiều công ty trong các lĩnh vực khác, như giáo dục, chăm sóc y tế, bán lẻ… đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân viên mới. Để thu hút thêm nhân viên mới, tập đoàn bán lẻ Walmart trong tháng 1 đã tuyên bố sẽ tăng lương lên mức 17,5 USD/giờ cho người lao động. Các đối thủ của Walmart là Target và Costco cũng có động thái tương tự.