Tăng tốc triển khai các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2024

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình triển khai dự án, khó khăn ở đâu phải tập trung giải quyết ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Thông báo nêu: Nhiệm vụ giải ngân năm 2024 của ngành giao thông vận tải trên 422.000 tỷ đồng là rất lớn. Việc hoàn thành nhiệm vụ này góp phần quan trọng thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế đất nước; tạo công ăn việc làm cho người dân cũng như tạo các không gian phát triển mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong quá trình tổ chức triển khai, các bộ, ngành, địa phương quán triệt đến các đơn vị liên quan (nhà thầu, tư vấn, giám sát…), đến từng cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động xác định rõ năm 2024 là năm tăng tốc triển khai các dự án.

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan:

Thứ nhất, trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, chủ đầu tư, các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm, hiệp lực, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm để vượt qua mọi thách thức, đưa công trình về đích đúng kế hoạch.

Thứ hai, các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành địa phương, Ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn, cán bộ, công chức, công nhân trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động tích cực thực hiện nhiệm vụ, triển khai hoàn thành đúng cam kết, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kỹ - mỹ thuật, đặc biệt lưu ý đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Thứ ba, các công việc liên quan trong quá trình triển khai dự án được giải quyết theo tinh thần khó khăn ở đâu phải tập trung giải quyết ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ.

Sự kiện - Tăng tốc triển khai các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2024

Nhiệm vụ giải ngân năm 2024 của ngành giao thông vận tải là trên 422.000 tỷ đồng.

Thứ tư, các chủ đầu tư, các chủ thể có liên quan chủ động, phối hợp với nhau giải quyết vướng mắc về thủ tục; đề cao trách nhiệm và theo đúng thẩm quyền của mình; tránh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc ấy, không kéo dài.

Thứ năm, phải quan tâm đặc biệt đến công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân đã nhường đất ở cho dự án; xây dựng các khu tái định cư bảo đảm đầy đủ hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, theo nguyên tắc nơi ở mới có điều kiện ít nhất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Thứ sáu, nghiêm cấm tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chủ động kiểm tra, phòng ngừa từ sớm, chống tiêu cực, không để phát sinh các vấn đề phức tạp; các địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả, chống "găm hàng", "đội giá", kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những chủ mỏ, tổ chức, cá nhân "găm hàng", "đội giá", "ép giá" vật liệu đắp phục vụ thi công xây dựng.

Thứ bảy, kịp thời khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai các nhiệm vụ.

Thi công 3 ca, 4 kíp để các dự án "về đích" đúng tiến độ 

Trong đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát tiến độ các dự án, xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua, phấn đấu rút ngắn tiến độ hoàn thành một số công trình, hạng mục công trình lớn chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm sử dụng cát biển, Bộ GTVT thông báo kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường ô tô, đường cao tốc; phối hợp các địa phương triển khai thí điểm mở rộng tùy thuộc vào điều kiện thực tế và nhu cầu sử dụng cát biển trong xây dựng công trình giao thông; tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng cát biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GTVT tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương (cơ quan chủ quản), các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" các dự án, nhất là 02 DATP đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành đúng tiến độ được giao, ngày 30 tháng 4 năm 2024; đôn đốc triển khai các DATP thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu bảo đảm đúng tiến độ hoàn thành.

Đồng thời, Bộ GTVT chủ trì xây dựng hệ thống thông tin, số hóa dữ liệu theo dõi tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải, bảo đảm thể hiện trực quan trên các bản đồ quy hoạch, thể hiện các chỉ tiêu báo cáo, tiến độ thực hiện cũng như những vướng mắc, khó khăn; hoàn thành trong tháng 4/2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, nhà thầu thi công việc thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đặc biệt các mỏ cát biển tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng) theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội, hoàn thành trong tháng 2/2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát khả năng cung ứng cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long để phân bổ, bảo đảm đủ nguồn cung và công suất phù hợp với tiến độ các dự án trong khu vực phía Nam. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát để sửa đổi, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ nhiễm mặn của đất nông nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản… làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp. Trường hợp không cần ban hành phải có văn bản nêu rõ lý do để các bộ, cơ quan, địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt; phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống định mức, nhất là định mức khai thác, vận chuyển và thi công cát biển cho công trình giao thông.

Sự kiện - Tăng tốc triển khai các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2024 (Hình 2).

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm đưa dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải về đích đúng kế hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan Thường trực của Hội đồng thẩm định) khẩn trương hoàn thành Báo cáo thẩm định các dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài trong tháng 2 năm 2024.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, có ý kiến về đề nghị phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo theo nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao tại văn bản số 934/VPCP-QHQT ngày 7/2/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ chuyên ngành để giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các đơn vị không trực thuộc Bộ chuyên ngành thực hiện các dự án do Bộ chuyên ngành làm cơ quan chủ quản, hoàn thành trong tháng 2/2024.

Bộ Tài chính hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, gia hạn các khoản vay ODA của các Nhà tài trợ cho dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; khẩn trương kiểm tra phân bổ, phê duyệt dự toán (tabmis) và giải ngân ngay kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các dự án để thực hiện.

Bộ Công Thương thành lập Đoàn công tác của Bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến các địa phương trực tiếp làm việc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh thủ tục liên quan di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án; chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc thẩm quyền.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo ACV, VEC kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các dự án cảng hàng không, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sớm bàn giao mặt bằng tại dự án Biên Hòa - Vũng Tàu.