Năm nay, các công ty khởi nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp sản xuất trò chơi trực tuyến của Việt Nam đã nhận được số vốn khoảng 416 triệu USD. Nhưng đáng nói, chỉ khoảng 20% trong số đó có trụ sở ở Việt Nam, còn lại đều ở nước ngoài. Thông tin vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
Doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm, nhưng phần lớn các cá nhân, tổ chức làm game... sẽ đóng thuế cho nước ngoài. Nhiều công ty khởi nghiệp do người Việt sáng lập, kinh doanh tại thị trường Việt Nam... nhưng lập công ty ở nước ngoài, dẫn đến truy thu thuế khó khăn.
Theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành kinh doanh trò chơi tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Tại Việt Nam, ước tính khoảng gần 28.5 triệu người chơi. Doanh thu ngành này tại Việt Nam năm ngoái đạt khoảng 665 triệu USD, xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á .
Doanh thu các trò chơi sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu lên đến 200 triệu USD/năm. 50% tựa trò chơi di động được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam, 5/10 công ty trò chơi hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và Australia là của Việt Nam. Tuy nhiên, số tiền đóng thuế cho Nhà nước chỉ chiếm một nửa, còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài, chủ yếu là ở Singapore.
Hiện chỉ có khoảng 15% những sản phẩm trò chơi trực tuyến có độ khó rất cao tại Việt Nam có nguồn gốc trong nước, phần còn lại chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là những nơi mà ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến (game online) là một trong những "đầu tàu", thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ ngành công nghệ thông tin. Do đó, chính phủ các nước này đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nền công nghiệp game trong nước, trong đó có các chính sách thuế.
Từ cuối những năm 90 của thế kỷ 20, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư mạnh cho ngành game online, đồng thời tạo nhiều thuận lợi trên các phương diện như chính sách hay thu thuế…
Ngành game nước này cũng không ngần ngại đầu tư để ngày một hoàn thiện hệ sinh thái của mình, với các bước đi nhằm chuyên nghiệp hóa lĩnh vực thể thao điện tử (Esports). Nhờ đó, ngành công nghiệp này của Hàn Quốc đến nay đã trở thành một vòng tròn sinh thái hoàn chỉnh, từ khâu sản xuất ban đầu cho tới khâu bảo hộ bản quyền sản phẩm đều có những chính sách quy định chặt chẽ.
Tại Nhật Bản, các sản phẩm game online không phải là sản phẩm hạn chế tiêu dùng và do đó không phải chịu một sắc thuế đặc biệt nào. Nhật Bản cũng không yêu cầu các công ty kinh doanh game online phải có giấy phép khi phát hành game… mà chỉ tuân theo các quy định chung của ngành giải trí truyền thông.
Còn tại Trung Quốc, Chính phủ nước này cũng cực kỳ chú trọng việc phát triển ngành công nghệ thông tin nội địa nói chung và ngành công nghiệp game nói riêng. Từ giữa những năm 2000, nước này đã có các chính sách nhằm phát triển chất lượng nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp game online cũng như chất lượng các công ty phát triển game. Ngành game online của Trung Quốc được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi về thuế hay trợ cấp như các ngành dịch vụ phần mềm khác. Đó là nền tảng thuận lợi để ngành công nghiệp game của nước này phát huy thế mạnh, vươn lên dẫn đầu ngành công nghiệp game toàn cầu về doanh thu từ năm 2016.
Trong thời gian gần đây, tài sản số đã trở thành mối quan tâm của giới đầu tư và công nghệ trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, làn sóng này cũng bắt đầu lan rộng. Kéo theo đó, những loại hình trò chơi trực tuyến tạo ra tài sản số (gọi là game NFT) cũng nở rộ. Năm ngoái, Việt Nam còn được vinh danh ở top đầu thị trường game NFT thế giới khi có một game thương hiệu Việt đạt hơn 1,5 triệu người chơi trên toàn cầu, vừa giải trí vừa kiếm thu nhập.
Tuy nhiên, khung pháp lý vẫn chưa được xác lập, khiến loại hình này rơi vào "khoảng trống" pháp lý.
Có gần 10 năm kinh nghiệm phát triển trò chơi di động, anh Đinh Trọng Dũng và Studio game của mình là một trong các nhà phát hành tham gia sớm vào việc phát triển game metaverse và phát hành NFT tại Việt Nam. Nhiều dự án của Dũng được các nhà đầutư quốc tế quan tâm, sẵn sàng bỏ vào hàng trăm nghìn USD. Tuy nhiên, việc thiếu những khung pháp lý cơ bản liên quan đến tài sản số khiến Dũng chưa thể nhận đầu tư.
Anh Đinh Trọng Dũng, nhà sáng lập Metal Game Studio, nói: "Khi thiếu các khung pháp lý thì nhà đầu tư không được bảo đảm, khiến họ ngần ngại tham gia vào dự án, làm chúng tôi cũng có thể vuột mất cơ hội của mình. Tôi biết có một số dự án muốn nhận đầu tư thì phải đưa sang Singapore chứ không đứng tên người Việt nữa".
Anh Đặng Vương Anh, cố vấn blockchain Công ty cổ phần công nghệ NTQ Solution, cho biết: "Chỉ xét riêng về lĩnh vực NFT thì khối lượng giao dịch của thị trường năm 2021 đã đạt 25 tỷ USD trong khi năm 2020 nó mới chỉ đạt 100 triệu USD. Như vậy, lĩnh vực này đã tăng trưởng mức hơn 100 lần chỉ trong vòng 1 năm. Nếu xét về thuế đối với một nước chưa có Luật quy định cụ thể như Việt Nam thì sự thất thoát thuế là rất lớn".
Chính sách thuế rõ ràng là cần thiết, song đây chưa phải là điều kiện duy nhất để quyết định chất lượng phát triển của ngành công nghiệp game tại Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp game tại Việt Nam vẫn đang sản xuất, phát hành trò chơi điện tử trên cơ sở hoạt động độc lập, chưa có sự gắn kết với nhau, để cùng thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển, đồng thời, Bộ Thông tin và Ttruyền thông sẽ xem xét giới hạn game nước ngoài; thí điểm chính sách quản lý trên công nghệ blockchain... để ngành công nghiệp này đi đúng hướng, loại bỏ nguy cơ xấu từ game lậu và thất thu ngân sách.