Đây được coi là những cá nhân nộp thuế cao nhất trên địa bàn Hà Nội năm 2020. Điểm chung giữa họ đều là làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, hay được gọi là IT.
Trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2022 mới là 6,7 triệu đồng/tháng thì một nhân viên IT (Information Technology) có thể nhận về mức thu nhập từ 10 đến 70 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn.
Để hiểu rõ hơn về tính chất công việc, cơ hội và những đánh đổi đằng sau mức thu nhập mơ ước của nghề IT, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với 3 nhân vật, là những người đã làm nhiều năm trong ngành công nghệ thông tin.
Theo báo cáo công việc trong ngành CNTT của ITViec, mức lương của một nhân viên IT dao động khoảng từ 10 triệu đến 70 triệu đồng.
Mặc dù gọi chung là IT nhưng thực chất vị trí công việc trong lĩnh vực này rất rộng, dải lương dao động theo các yếu tố như số năm kinh nghiệm, ngôn ngữ lập trình, vị trí công việc, ngành.
Số năm kinh nghiệm nhiều hơn, mức lương cao hơn.
Ngôn ngữ lập trình phù hợp làm được nhiều dự án hoặc các lĩnh vực “hot” như Go, TypeScript, Python mức lương cao hơn. Bên cạnh đó, ngôn ngữ lập trình đã có từ lâu, được dạy nhiều trong các trường đại học, phổ biến như HTML/CSS lương thấp hơn.
Một số ngành phù hợp với xu thế như Blockchain, AI, ML (Machine Learning).. có mức lương cao hơn
Theo anh Nguyễn Tuấn Hưng, một kỹ sư lập trình có thể có mức thu nhập cao hơn, không giới hạn ở 70 triệu đồng/tháng, do độ khó những công việc mà người này có thể làm được.
Trên thực tế, anh Hưng cho biết có kỹ sư lập trình làm tự do mức thu nhập thường xuyên 100 triệu đồng/tháng. “Có thể còn những người giỏi và thu nhập cao hơn”, anh Hưng tiết lộ.
Là trưởng phòng hạ tầng của một công ty công nghệ lớn, anh Nguyễn Văn Thi cho rằng, chính năng lực chuyên môn chứ không phải số năm kinh nghiệm mới là điều quyết định mức lương.
“Năng lực chuyên môn khác với số năm kinh nghiệm. Chưa chắc người có nhiều năm kinh nghiệm hơn đã có lương cao hơn sinh viên mới ra trường ở cùng một vị trí công việc”, anh Thi giải thích. Điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là giá trị mà nhân sự mang lại, thể hiện ở khả năng nắm bắt công việc và chất lượng hoàn thành công việc, hơn là số năm kinh nghiệm.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Đức Trung cho rằng, khi có kinh nghiệm IT sẽ làm tốt đến mức độ nhất định, chẳng hạn trong thang điểm 10, sẽ làm được chuẩn đến 5, nhưng để tiến xa cần đến tư duy và khả năng tự học, tự cập nhật kiến thức liên tục cùng sự đam mê với nghề.
Nói như vậy, trong ngành CNTT kinh nghiệm có quan trọng không?
Trong mảng hạ tầng, anh Thi đánh giá kinh nghiệm rất quan trọng. Người làm hạ tầng giỏi phải định hướng được khả năng mở rộng của hệ thống sau này, phải có tầm nhìn để lên kế hoạch và xây dựng hệ thống linh hoạt trong việc tích hợp trong tương lai.
“Làm hạ tầng giống như xây nhà vậy, bạn không thể dễ dàng phá đi để làm lại, phải tính toán và xây khung nhà làm sao để khi cần ngăn phòng hay phát sinh những nhu cầu cần thiết khác trong trong tương lai thì móng nhà vẫn phải vững chắc và cho phép cơi nới được”, anh Thi so sánh.
Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hạ tầng công nghệ, anh Thi chia sẻ thị trường Việt Nam hiện tại đang thiếu nhiều vị trí có chuyên môn về thiết kế hạ tầng, tích hợp hệ thống, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến Fintech và ngân hàng. Đây là một gợi ý về cơ hội công việc cho các bạn quan tâm đến lĩnh vực CNTT.
Trong công việc lập trình, theo anh Nguyễn Tuấn Hưng, kinh nghiệm cũng rất giá trị. Vì với lập trình viên, vấn đề có thể xử lý bằng nhiều cách Code khác nhau nhưng phải viết làm sao để người khác dễ đọc, đồng thời có thể lường trước những vấn đề sẽ xảy ra trong tương lai để phòng tránh. Hơn nữa, tất cả các công nghệ mới ra vẫn phải dựa trên những nền tảng đã có, công nghệ lõi nên người có kinh nghiệm sẽ có lợi thế hơn về hướng tiếp cận.
Bên cạnh năng lực chuyên môn, anh Nguyễn Văn Thi còn chỉ ra một yếu tố tác động đến mức lương, đó là sự phù hợp của công việc với định hướng phát triển của công ty, nói nôm na, giống như “đúng người đúng thời điểm”.
Anh Thi lấy ví dụ vị trí gần đây đang “trend” trong ngành CNTT là DevOps, có công ty chỉ trả lương 10 – 20 triệu đồng, nhưng có những công ty sẵn sàng trả đến 80 – 90 triệu đồng cho cùng vị trí này.
Tất nhiên, năng lực chuyên môn, khối lượng và độ khó của công việc sẽ quyết định mức lương, nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, một công ty sẵn sàng mở hầu bao trả lương cao cho một vị trí có nghĩa là trong đặc thù kinh doanh và vận hành của công ty đang CẦN đến vị trí đó.
“Đặc thù một số công ty phải cải tiến tính năng liên tục, cập nhật phiên bản mới liên tục. Điển hình như những công ty làm về Fintech, họ thường xuyên phải thay đổi/bổ sung tính năng để chạy “campaign”, khuyến mại hay thu hút người dùng,... Sự thay đổi này được cập nhật hàng tuần, hàng ngày, thậm chí hàng giờ,...vì vậy rất cần đến vai trò của vị trí DevOps, dẫn đến doanh nghiệp sẵn sàng trả lương khá cao cho vị trí này”, anh Thi phân tích.
Với các chức danh quản lý trong ngành CNTT, thu nhập ngoài dựa trên khả năng chuyên môn còn cần dựa vào khả năng lãnh đạo với dải lương từ 60-70 triệu đến hơn 100 triệu đồng.
Trong một diễn biến khác, từ quý IV/2022, thế giới đang chứng kiến làn sóng sa thải trong ngành công nghệ tại hàng chục công ty lớn của Mỹ. Cho đến nay, làn sóng này chưa có dấu hiệu ngừng lại. Mới đây, "gã khổng lồ" Amazon đưa ra thông báo sẽ sa thải tổng cộng 18.000 công nhân với lý do "kinh tế khó khăn".
Amazon không phải là công ty công nghệ đầu tiên cắt giảm trong năm mới này. Salesforce và Vimeo cũng đã tuyên bố sa thải hàng nghìn nhân viên trong bối cảnh kinh tế tiếp tục suy thoái và doanh số bán hàng đình trệ. Việc thu hẹp quy mô cũng giống như các đợt cắt giảm đáng kể cũng diễn ra tại Twitter và Meta vào cuối năm ngoái.
Theo Wall Street Journal, tình trạng cắt giảm nhân sự hiện tại phần lớn diễn ra ở lĩnh vực công nghệ, sau khi lĩnh vực này phát triển quá nhanh trong thời kỳ đại dịch bùng nổ. Dữ liệu từ Layoffs.fyi cho biết, các công ty công nghệ đã cắt giảm hơn 150.000 nhân sự chỉ riêng trong năm 2022, tăng gấp 10 lần so với con số 15.000 vào năm 2021.
Với PiraGo Việt Nam, công ty “Outsource” phần mềm cho thị trường Nhật, đối mặt với tác động của khủng hoảng kinh tế, năm vừa qua họ có rất ít khách hàng mới, 90% doanh thu đến từ khách hàng cũ.
Anh Nguyễn Đức Trung, COO của PiraGo cho biết, quý IV vừa qua tình hình kinh doanh vẫn nằm trong bức tranh khả quan của năm 2022, nhưng dự kiến năm 2023 sẽ khó khăn hơn. Bởi lẽ, trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, đầu tư cho công nghệ không phải là thiết yếu nên khách hàng sẽ cân nhắc chi tiêu.
Ở Việt Nam, theo quan sát của anh Trung, một số công ty outsourcing đã cắt giảm đến 50% nhân sự. Có công ty quy mô 300 nhân viên giảm xuống còn 150 – 170 nhân viên, nhiều công ty trên 200 nhân viên cũng giảm xuống chỉ còn 150 nhân viên. Đây là những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ nên ảnh hưởng của họ tức thời hơn so với PiraGo, vốn sản xuất phần mềm cho thị trường Nhật
“Thị trường Nhật với dân số già, thiếu lao động, để duy trì việc phát triển, họ vẫn cần sử dụng nhân lực nước ngoài lớn, nên có thể ảnh hưởng không lớn như thị trường Mỹ, theo góc nhìn của tôi” anh Trung bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, chính sự “lao dốc” của đồng Yên trong năm 2022 khiến doanh thu của những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật như PiraGo bị ảnh hưởng lớn. Anh Trung thừa nhận, doanh nghiệp đã bị “mất” 25% doanh thu trong năm qua vì lý do tỷ giá.
Nói đến thu nhập trong ngành CNTT, đứng trên góc nhìn của doanh nghiệp, anh Trung nhấn mạnh về quan hệ cung – cầu giữa các nhà tuyển dụng và nhân sự.
“Vài năm vừa rồi nhân sự ngành IT phát triển quá nóng, các bạn sinh viên mới ra trường, chưa làm được nhiều việc nhưng đã đòi hỏi mức lương cao vì cho rằng ngành của mình đang “hot”. Chính điều này đã góp phần đẩy chi phí của các công ty công nghệ lên. Cần phải biết rằng, cạnh tranh trong ngành CNTT chủ yếu là cạnh tranh về nhân sự.”
Bản thân PiraGo trong hai năm qua tuyển dụng rất khó khăn và điều này có thể sẽ thay đổi trong năm 2023, khi làn sóng suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến ngành IT.
“Tới đây, khi kinh tế khó khăn và xuất hiện làn sóng sa thải từ những công ty công nghệ sẽ làm cân bằng thị trường lao động IT”, anh Trung dự đoán.
Còn nhớ, năm 2022, Chủ tịch Tập đoàn FPT Telecom - ông Hoàng Nam Tiến trong một chương trình về kinh doanh đã có ý kiến sau đó khiến cộng đồng mạng dậy sóng tranh luận. Cụ thể, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến nói:
"Nơi tôi đang làm việc có 29% cán bộ, chuyên gia, quản lý, giám đốc có trình độ Cao đẳng. Như vậy, bằng cấp không quan trọng, quan trọng là năng lực của bạn và khả năng tự học đến đâu".
Trên thực tế, có nhiều người đồng ý rằng CNTT không phải là một ngành có rào cản bằng cấp. Không cần sở hữu một tấm bằng đại học đúng chuyên ngành vẫn có thể làm IT.
“Công ty tôi có tuyển một số bạn học trái ngành, sau khi vào thì thấy các bạn rất nỗ lực, ham học hỏi. Hiện tại các bạn đều từ vị trí thực tập lên làm chính. Tôi đánh giá cao tố chất tự học của một người làm IT” anh Trung cho biết.
Anh Nguyễn Tuấn Hưng là một minh chứng cho việc học trái ngành. Xuất phát điểm, anh Hưng học khoa điện tử truyền thông nhưng đã rẽ ngang sau khi thi được bổng của Samsung vào năm cuối đại học. Anh Hưng chia sẻ thêm, hiện nay những người yêu thích công việc IT đều có thể theo học các khoá viết Code ở bên ngoài từ 6 tháng đến một năm trước khi ứng tuyển vào một công ty công nghệ “Các bạn học trái ngành vẫn làm rất tốt nếu chăm chỉ và cố gắng”, anh Hưng nói.
Trong ngành CNTT cũng không tồn tại những rào cản về tuổi tác, mối quan hệ, điều kiện,... chỉ cần có năng lực sẽ được ghi nhận và đánh giá khách quan.
Những người đi trước và hiện đang làm quản lý như anh Thi hay anh Trung đều thừa nhận, các bạn trẻ, thế hệ GenZ ngày nay có những ưu thế riêng của họ.
“Các bạn trẻ bây giờ có tư duy nhanh nhạy, sáng tạo, bắt nhịp nhanh hơn rất nhiều. Giống như một bài toán có nhiều cách giải, có người phải cần 3-4 bước, có người chỉ cần 1-2 bước đã ra đáp án”, anh Nguyễn Văn Thi nhận xét.
“Sóng sau đè sóng trước. Giới trẻ giờ có khả năng học hỏi rất tốt. Nhìn chung, các bạn trẻ có môi trường tốt hơn, tiếp xúc với CNTT sớm hơn, khả năng tiếp thu kiến thức mới tốt hơn thế hệ chúng tôi”, anh Nguyễn Đức Trung đánh giá.
“5 năm trước tôi hứa với vợ, sau này công việc giảm sẽ dành thời gian đi chơi nhưng thực tế công việc chưa bao giờ giảm. Việc luôn dồn đến, giống như cơn sóng sau dồn cơn sóng trước. Và lời hứa với vợ đến nay vẫn chưa thực hiện được”, anh Thi kể.
Gần 5 năm trước cũng là thời điểm anh Nguyễn Văn Thi bắt đầu làm quản lý, công việc bận rộn gắn chặt với màn hình máy tính khiến người đàn ông này luôn cảm thấy áy náy vì không có thời gian dành cho gia đình, bạn bè.
Trên thực tế, trong lĩnh vực hạ tầng, một người không làm được mà cần phải có cả đội nhóm. Nếu nhóm đồng thuận và phối hợp với nhau tốt thì công việc sẽ tương đối đơn giản vì đã “setup” được toàn bộ hệ thống ổn định, có khả năng tự phục hồi và sửa lỗi.
Nhưng do công ty đang trong quá trình chuyển đổi, cải tiến hệ thống để đáp ứng lượng khách hàng truy cập ngày càng tăng cùng tham vọng mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á, nên “365 năm ngày vừa qua tôi chỉ ngồi chuyển đổi hệ thống chứ không có thời gian đi đâu”, anh Thi cười.
Với kỹ sư phần mềm Nguyễn Tuấn Hưng, đặc thù của công việc là bám sát từng giai đoạn của dự án nên sẽ bận theo từng đợt “Lúc bận thì rất bận, sau khi sản phẩm ổn định sẽ có thời gian hơn. Những lúc không quá căng thẳng về deadline, tôi có thể chủ động sắp xếp thời gian, cũng có thể linh động làm việc tại nhà” anh Hưng chia sẻ.
Nhắc đến deadline, anh Hưng nhíu mày: “Nếu sát deadline, tôi có thể phải làm đến 18 tiếng/ngày, kéo dài cả tháng trời. Đi làm về nghỉ ngơi, ăn cơm một chút rồi tiếp tục ngồi máy tính, làm việc đến 2–3h sáng”.
Không có gì khó hiểu khi với một lịch làm việc bận rộn, cần sự tập trung cao và thường xuyên thiếu ngủ, thức uống phổ biến nhất ở văn phòng anh Hưng là nước ngọt và cà phê. Trung bình một ngày anh Hưng uống 2 cốc cà phê để giữ được sự tỉnh táo và tập trung cho công việc.
Như CEO Tesla - Elon Musk đã nói “Bạn phải làm việc 80-100 giờ mỗi tuần (11-14 giờ/ngày). Khi đó, bạn chỉ mất 4 tháng để đạt được điều mà người khác mất một năm mới có được". Mọi công thức thành công trên đời này, tựu chung đều cùng một “nguyên liệu gốc”, đó là sự chăm chỉ. Đằng sau con số lương “khủng” mà nhiều bạn trẻ mơ ước là những giờ lao động miệt mài, đánh đổi thời gian dành cho bản thân, gia đình và phải đối diện những nguy cơ về sức khỏe do ngồi quá lâu như đau lưng, thoái hoá đốt sống cổ, ảnh hưởng thị lực,...
Có chăng, với ngành CNTT mọi người đều đồng tình rằng, giá trị sức lao động và chất xám được định giá sát hơn so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội.