Nhưng các đợt sa thải hàng loạt gần đây của nhiều tập đoàn công nghệ đã khiến điều này dường như không đúng nữa.
Theo tạp chí Time hôm 23-12, chỉ riêng trong tháng 11-2022, các công ty Doordash, Lyft, Meta và Amazon đã sa thải hơn 20.000 nhân viên. Trang Layoffs.fyi cho biết hơn 150.000 nhân viên công nghệ đã bị sa thải trong năm 2022. Trong đó, hàng trăm người có thị thực H-1B cũng đã mất việc.
"Giấc mơ Mỹ" gặp khó
Chị Neha, nhân viên một start-up tại Seattle đã sống ở Mỹ hơn 10 năm, nằm trong số này. Hiện chị chỉ còn chưa đầy 60 ngày để tìm công việc mới, nếu không sẽ mất thị thực cư trú tại Mỹ và chồng chị cũng thế.
"Mức độ sa thải nhân viên công nghệ lớn như thế này là điều tôi chưa từng thấy trước đây. Thật hỗn loạn và bối rối. Có khả năng sẽ rất ít công việc thay thế cho người lao động nhập cư", bà Tahmina Watson, luật sư nhập cư ở Seattle, bình luận với báo New York Times.
Các hãng công nghệ Mỹ đặc biệt phụ thuộc vào lao động nước ngoài, chủ yếu từ Ấn Độ và Trung Quốc, trong các chuyên môn về kỹ thuật, công nghệ sinh học và khoa học máy tính. Năm 2022, Amazon được chấp thuận hơn 2.500 thị thực H-1B, còn Meta là 1.300.
Người phát ngôn của Amazon nói với Time là công ty này có "các kênh và nguồn hỗ trợ dành riêng cho bất cứ nhân viên nào xin thị thực và có thể bị ảnh hưởng do cắt giảm".
Các công ty trên chưa công bố số người lao động có thị thực H-1B bị ảnh hưởng trong những đợt sa thải, nhưng theo Hãng tin Bloomberg, chỉ riêng đợt sa thải mới nhất tại Meta và Twitter đã ảnh hưởng đến khoảng 350 người có thị thực H-1B.
Các đợt sa thải ảnh hưởng lớn hơn cả đến người Ấn Độ, vốn chiếm nhiều nhất trong các nhóm người nước ngoài được cấp thị thực H-1B.
Như trường hợp ông Abhishikt Jain - kỹ sư phần mềm Ấn Độ, đã được Tập đoàn Microsoft đưa đến Mỹ 14 năm trước - đang có cuộc sống đủ đầy ở Mỹ cùng gia đình.
"Bạn có thể nói tôi đã đạt được giấc mơ Mỹ", ông nói nhưng tháng 10 vừa qua, đột nhiên tương lai gia đình ông rơi vào bấp bênh.
Ông Jain phải đối mặt với viễn cảnh thu dọn đồ đạc và rời khỏi Mỹ nếu không nhanh chóng tìm được công việc khác hoặc nhận được thẻ xanh sau nhiều năm chờ đợi.
Giải pháp nào cho vấn đề?
Một số công ty đã hứa sẽ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng về thị thực. Giám đốc điều hành Meta, ông Mark Zuckerberg, đã cung cấp "các chuyên gia nhập cư" để hỗ trợ nhân viên xin thị thực.
Còn Công ty Doordash ấn định ngày chấm dứt hợp đồng đối với các nhân viên nước ngoài bị sa thải đến tháng 3-2023 để họ có thêm thời gian tìm việc.
Các mạng lưới không chính thức cũng nở rộ, giúp kết nối những người mất việc với các công ty đang cần tuyển người.
Go Zeno, trang web hỗ trợ thông qua quá trình nhập cư, đã tạo ra cơ sở dữ liệu về những người đang gấp rút tìm việc mới. Hơn 90% trong số hơn 200 người trong danh sách của họ thuộc diện có thị thực H-1B.
Chị Vidhi Agrawal, nhân viên Công ty phần mềm Databricks theo thị thực H-1B, đã tạo biểu mẫu Google cùng với người bạn là Shruti Anand để kết nối những người có thị thực H-1B bị sa thải với các nhà tuyển dụng trên trang LinkedIn.
Dự án này ban đầu ra đời nhằm hỗ trợ khoảng 50 bạn bè và đồng nghiệp nhưng sau đã mở rộng quy mô. Danh sách hiện có khoảng 600 người có thị thực H-1B và F-1 (thị thực cấp cho sinh viên quốc tế cho phép họ làm việc tại Mỹ tới 12 tháng) đang tìm việc mới trước khi thị thực hết hạn.
Ông Todd Schulte, chủ tịch của FWD.us (nhóm ủng hộ nhập cư do các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và công nghệ thành lập), cho biết những khó khăn với người có thị thực bị sa thải chỉ là một phần vấn đề. Nhiều thiếu sót đã lộ ra trong thời điểm căng thẳng hiện nay.
Ngoài thời gian gia hạn 60 ngày, chương trình thị thực H-1B còn bị các nhà kinh tế chỉ trích vì quy trình phân bổ không hiệu quả.
Họ kêu gọi cần có những cải cách lớn hơn kể từ khi chương trình này được tạo ra nhiều thập niên trước để giải quyết tình trạng thiếu lao động và không được cập nhật đáng kể. "Bản cập nhật quy mô lớn gần nhất là vào năm 1990", ông Schulte nói.
Những người được trả lương cao nhất
Chương trình thị thực H-1B cho phép người sử dụng lao động Mỹ tuyển dụng lao động nước ngoài có bằng đại học trong các lĩnh vực kỹ thuật thiếu nhân lực với giới hạn mỗi năm 85.000 người. Thị thực được cấp trong ba năm và có thể gia hạn.
Theo báo Economic Times, những người có thị thực H-1B nằm trong số các lao động được trả lương cao nhất ở Mỹ. Mức lương trung bình cho một nhân viên theo diện H-1B là 106.000 USD một năm, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ trong quý 3-2022.
Nhưng tại các hãng công nghệ lớn như Meta, Salesforce và Twitter, thu nhập trung bình của họ là khoảng 175.000 USD một năm, chưa kể các khoản tiền thưởng.