Trong chương trình kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 6/12, các đại biểu HĐND tiến hành thảo luận tổ.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, với 25/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Điểm sáng trong phát triển kinh tế năm 2023 là thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Hai năm liên tiếp nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, với số vốn đăng ký và tăng thêm năm 2023 là 1.298 triệu USD.
Điều đáng ghi nhận là các hoạt động xúc tiến đầu tư được đổi mới, lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến các nước có nền kinh tế phát triển, xây dựng, giới thiệu các ấn phẩm xúc tiến đầu tư... vì vậy số lượng dự án FDI tăng mạnh, vốn đầu tư vượt mục tiêu đề ra. Địa bàn thu hút đầu tư chuyển dịch mạnh sang sản xuất công nghiệp; địa bàn thu hút đầu tư tập trung vào khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp là động lực tăng trưởng của tỉnh... Đây cũng là tiền để cho tăng trưởng trong những năm sau khi các dự án trên địa bàn đi vào hoạt động.
Theo báo cáo, tính đến ngày 20/11/2023, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 6.004,592 tỷ đồng, đạt 66,47%. Trong đó, nguồn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 3.160,078 tỷ đồng, đạt 56,59%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn ngân sách Trung ương đã giải ngân 2.096,605 tỷ đồng, đạt 52,93%.
Nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 1.063,473 tỷ đồng, đạt 65,53%. Cụ thể: Nguồn cân đối ngân sách địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí tính điểm đã giải ngân 911,543 tỷ đồng, đạt 67,92%; nguồn thu sử dụng đất đã giải ngân 132,56 tỷ đồng, đạt 51,98%; nguồn thu xổ số kiến thiết đã giải ngân 19,37 tỷ đồng, đạt 74,5%. Về nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023, tính đến ngày 20/11/2023, toàn tỉnh đã giải ngân 830,555 tỷ đồng/KH 1.569,828 tỷ đồng, đạt 52,91%.
Trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần rà soát, đánh giá nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để có kết quả khả thi hơn trong năm 2024. Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát đánh giá từng chương trình, dự án xem xét rõ đâu là nguyên nhân, đâu là khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm thuộc về cá nhân, đơn vị, địa phương nào để có biện pháp chỉ đạo, thực hiện.
Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng có những chính sách của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, thủ tục hành chính thực hiện còn khá rườm ra, đề nghị trong năm tới nên có sự rà soát tính hiệu quả của các chủ trương, Nghị quyết. Nếu không còn hiệu quả có thể bãi bỏ.
Liên quan đến vấn đề giải vốn đầu tư công ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, tỉnh rất chủ động trong thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và kết quả đến nay cao hơn so với mức trung bình cả nước, tuy nhiên vẫn còn chậm. Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm là do thực hiện các chương trình MTQG. Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giao vốn chậm, đến tháng 10/2022 mới giao vốn. Đối với 2 chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, giao vốn chậm, trong đó phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới cho nên các văn bản hướng dẫn, các quy định thường xuyên thay đổi nên việc triển khai còn lúng túng, đến thời điểm này vẫn còn rất khó khăn. Quốc hội cũng nhìn nhận được vấn đề này, nên đã cho kéo dài nguồn vốn 2022, 2023 đến 31/12/2024.
Tuy nhiên, về nội dung này, tỉnh cũng đã chủ động, quyết tâm chỉ đạo, quyết liệt điều hành từ sớm, kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Dự kiến, đến ngày 31/1/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh sẽ đạt khoảng trên 95,5%.
Ông Phạm Hồng Quang cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp để thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 39-NQ-TW và Quy hoạch tỉnh. Tỉnh sẽ thành lập Tổ công tác về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; đồng thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành quyết liệt trong xây dựng cơ chế, chính sách trên cơ sở của Nghị quyết 39 và các Chương trình hành động để thực hiện.