Mỗi hành trình - một trải nghiệm, mỗi chuyến tàu thành điểm “check-in”

TP - Từ chỗ phương tiện lạc hậu, mất dần thị phần, sau một thời gian “chuyển mình”, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nâng cao chất lượng phục vụ, mang đến những sản phẩm mới, chất lượng cao, ngành đường sắt từ lỗ chuyển sang có doanh thu dương. Các chuyến tàu trở thành phương thức vận tải không chỉ đưa hành khách từ điểm A đến điểm B mà còn là sự trải nghiệm hấp dẫn, thú vị.

Mỗi hành trình - một trải nghiệm, mỗi chuyến tàu thành điểm “check-in” ảnh 1
Các chuyến tàu giờ không chỉ đưa hành khách từ điểm A đến điểm B mà còn là sự trải nghiệm hấp dẫn, thú vị. Ảnh: PV

Kết nối hành khách với “hành trình di sản”

“Chúng tôi xác định phải thay đổi để tồn tại và không ai cứu mình khi mình không tự cứu. Thay vì ngồi trông chờ vào việc phải có nguồn lực để đầu tư, làm mới kết cấu hạ tầng thì chúng tôi bắt tay vào tự hoàn thiện những gì đang có để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về chất lượng dịch vụ”, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.

Với tư duy và quan điểm đó, ngành đường sắt Việt Nam trong thời gian qua đã chủ động không ngừng nỗ lực đổi mới chính mình, nâng cao chất lượng phục vụ, mang đến những sản phẩm mới chất lượng cao, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của khách hàng. Trong năm 2023, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phát động phong trào với phương châm “Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến”. Đến tháng 6/2024, toàn ngành đã trồng được hơn 100 km cây, hoa các loại; thu dọn hàng nghìn tấn rác thải; môi trường khu ga và cảnh quan của người dân sống dọc 2 bên đường sắt đã được cải thiện rõ rệt. Ngành cũng chính thức khai trương “Cà phê Hoả xa” tại ga Long Biên, được đưa vào danh sách những điểm tham quan “check in” trên bản đồ du lịch Hà Nội.

Tháng 11/2023, Tổng Công ty cùng Hà Nội tổ chức thành công lễ hội thiết kế, sáng tạo “Dòng chảy” tại nhiều địa điểm như tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên, ga Gia Lâm, nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Đây là lần đầu tiên những “di sản sống” được giới thiệu tới người dân Thủ đô và du khách, thu hút được sự quan tâm đặc biệt. Với chuyến tàu đặc biệt mang tên “Hành trình Di sản” và nhiều hoạt động âm nhạc trải nghiệm trên tàu, trong 10 ngày diễn ra sự kiện đã có hơn 200.000 lượt du khách.

Đặc biệt, ngành đã đưa ra nhiều sản phẩm tàu du lịch mới như: Tàu chất lượng cao SE19/20 chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng; tàu HĐ1/2, HĐ3/4 chạy Huế - Đà Nẵng, khai trương tàu đêm Đà Lạt - Trại Mát và SE21/22 chạy tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng. Các đoàn tàu này ngoài việc được trang bị nội thất hiện đại thì còn có nhiều tiện ích và dịch vụ lần đầu tiên được đưa vào phục vụ hành khách. Cụ thể: tháng 3/2024, ngành đường sắt khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” nhằm kết nối đi lại giao thông của người dân giữa hai thành phố Huế và Đà Nẵng và quảng bá du lịch. Trên thành phần đoàn tàu, chúng tôi bố trí toa cộng đồng với thiết kế đặc trưng để trở thành không gian sinh hoạt văn hoá chung cho hành khách. Tại toa cộng đồng, du khách có thể trải nghiệm thưởng thức ẩm thực, sản vật, âm nhạc, văn hoá địa phương và giao lưu với nhau.

Tháng 4/2024, ngành đường sắt đưa vào hoạt động chuyến tàu đêm Đà Lạt - Trại Mát với tên gọi “Hành trình đêm Đà Lạt”. Đây là một sản phẩm du lịch mà ngành đường sắt đưa vào khai thác nhằm tiếp tục mang đến cho hành khách những trải nghiệm mới, cảm nhận vẻ đẹp của Đà Lạt về đêm, góp phần đa dạng dịch vụ, phát triển du lịch và kinh tế đêm của địa phương. Điểm khác biệt trên “Hành trình đêm Đà Lạt” là ngoài việc được thưởng thức âm nhạc và sử dụng wifi miễn phí, trên hành trình, du khách còn có thể thưởng thức tiệc tối theo yêu cầu (chưa có trong giá vé).

Với những nỗ lực, đổi mới không ngừng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành đường sắt ngày càng tăng trưởng mạnh. Tháng 7/2024 hoạt động vận tải tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và vượt so với cùng kỳ, doanh thu vận tải hành khách tăng 34,4% so với cùng kỳ; sản lượng vận tải hàng hóa tăng 27,8%; doanh thu tăng 23,9%. Tính trung bình 7 tháng, tăng trưởng của toàn ngành đạt hai con số, trong đó doanh thu đạt 5.419,3 tỷ đồng, sản lượng đạt 5.392,9 tỷ đồng.

“Chuyển mình” để có những sản phẩm mới

Dù hạ tầng vẫn còn lâu năm, lạc hậu, nhưng ngành đường sắt luôn tìm tòi, đổi mới để cải tạo, đưa vào khai thác đoàn tàu chất lượng cao, trong đó nổi bật là đoàn tàu SE21/22 chạy tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng với nhiều tính năng hiện đại. Trong đó, Tổng công ty ĐSVN thực hiện việc nâng cấp, cải tạo mở rộng nhà vệ sinh (từ 1m lên 1,4m). Nội thất toa xe được thay mới hoàn toàn. Ngoài các toa xe 4 giường, trên tàu còn bố trí 1 số khoang 2 giường phục vụ hành khách muốn có không gian riêng tư. Các ghế trong toa xe ghế ngồi có thể xoay 180 độ nên hành khách có thể thoải mái tự điều chỉnh hướng ngồi cho phù hợp.

Đầu tháng 8 vừa qua, ngành đường sắt đã tổ chức lễ ký kết hợp tác và chạy thử thương mại đoàn tàu SNT6/SNT3 tuyến Sài Gòn - Nha Trang. Đây là sản phẩm thử nghiệm đầu tiên hợp tác, xã hội hóa giữa ngành đường sắt Việt Nam và đối tác tư nhân và do Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm, Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An lắp ráp... Nội thất và tiện ích của đoàn tàu này được trang bị như máy bay, đem lại những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cho hành khách.

Cùng với đó, ngành đường sắt cũng đã thực hiện việc nâng cấp, chỉnh trang và bố trí phòng đợi tàu VIP tại một số ga lớn để đưa vào phục vụ hành khách như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang Sài Gòn.

Với mong muốn đường sắt không chỉ là một dịch vụ kết nối mà còn tạo ra các sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội các vùng miền, các địa phương, ngành đường sắt đã và đang phát triển các sản phẩm vận tải không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân mà hướng tới mục tiêu mỗi hành trình là một trải nghiệm, con tàu có thể thành điểm “check-in” di động; nhà ga là điểm đến của văn hoá, nghệ thuật, lịch sử và di sản. Theo đó, ngành Đường sắt đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm du lịch - đường sắt hấp dẫn, kết nối các điểm đến văn hóa, di sản, bao gồm các cơ sở công nghiệp, công trình hạ tầng, công trình kiến trúc nhà ga như: Ga Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt...

Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng chủ động phối hợp với chính quyền 34 tỉnh, th

Mỗi hành trình - một trải nghiệm, mỗi chuyến tàu thành điểm “check-in” ảnh 2
Ngành đường sắt đổi mới với những chuyến tàu về với hành trình di sản

ành có đường sắt đi qua và các đối tác lớn, chiến lược … nhằm gia tăng các dịch vụ tiện ích và cung cấp đến khách hàng những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. “Đây cũng là cơ hội để ngành Đường sắt chúng tôi góp phần quảng bá văn hoá, vẻ đẹp Việt Nam đất nước, con người ra với thế giới”, lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam thông tin.