Tú Nguyên thích du lịch tại khu vực Tây Nguyên. Mùa hè này, cô và bạn bè dành nhiều ngày khám phá Măng Đen (Kon Tum). Ảnh: Nguyễn Ngọc Tú Nguyên. |
Sáu tuần trước chuyến du lịch đến Măng Đen, Nguyễn Ngọc Tú Nguyên (22 tuổi, sống tại TP.HCM) bắt tay lựa chọn địa điểm vui chơi, chỗ ở và phương tiện. Cô cũng nhanh chóng đặt mua 5-6 bộ quần áo, dự định 3 ngày trước khi đi sẽ mang ra phối thử, nếu chưa ổn sẽ mua thêm.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, nhân viên văn phòng này cho biết công việc của mình khá bận rộn, vì vậy phải tranh thủ lên kế hoạch cho chuyến du lịch từ sớm để tránh thiếu sót. Không những vậy, cô cũng phải nộp đơn xin nghỉ trước một tuần và liên tục thức khuya để hoàn thành sớm các nhiệm vụ được giao.
"Để yên tâm tận hưởng chuyến du lịch, tôi cố gắng sắp xếp công việc từ sớm. Tôi tạo nhóm chat cùng vài người bạn thân, bàn bạc thật kĩ về số ngày đi để xin lịch nghỉ cùng nhau. Cả nhóm thống nhất đi vào ngày 5/5, nối liền với thứ 7 và chủ nhật để tiết kiệm phép năm", cô nói.
Lên kế hoạch từ sớm
Theo báo cáo "Cất cánh cùng ngành du lịch 2024" từ mạng quảng cáo trực tuyến Cốc Cốc vào cuối tháng 4, hơn 60% người Việt đã lên kế hoạch rõ ràng về thời gian du lịch trong năm 2024. Trong đó, 25% đáp viên nói rằng họ cần 2 tháng để chuẩn bị cho chuyến du lịch nước ngoài.
Kết quả này dựa trên nghiên cứu dữ liệu từ 30 triệu người dùng và khảo sát trực tuyến trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, kết quả khảo sát Travel Pulse về xu hướng du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng 1 của nền tảng du lịch Klook cũng chỉ ra rằng 91% người Việt dùng mạng xã hội để lên kế hoạch du lịch. Họ đặt các dịch vụ dựa trên đề xuất và đánh giá từ các nhà sáng tạo nội dung.
Minh Anh có sở thích chụp ảnh và chia sẻ lên mạng xã hội khi đặt chân đến các điểm đến đẹp. Trong ảnh, cô du lịch tại Măng Đen. Ảnh: Nguyễn Hà Minh Anh. |
Như nhóm của Tú Nguyên, từng thành viên chia nhau tìm gợi ý về khách sạn, điểm vui chơi và ăn uống trên mạng xã hội, sau đó gửi vào nhóm chat để hội ý. Nếu nhận được sự tán thành của 3/5 thành viên, cả nhóm sẽ thêm địa điểm đó vào lịch trình.
"Mỗi ngày, tin nhắn đều rôm rả trong nhóm chat. Chúng tôi xem kĩ đánh giá của từng điểm đến và quán ăn, cả trong phần bình luận lẫn trên Google, khi nào tìm ra địa điểm ưng ý mới thôi", cô nói.
Tương tự, dù có nhiều kinh nghiệm du lịch, Nguyễn Hà Minh Anh (24 tuổi, sống tại Hà Nội) vẫn dành trọn một tháng để lên kế hoạch cho chuyến đi châu Âu cùng bạn bè vào giữa tháng 6.
"Tôi lập file (tập tin) trên Excel để lưu lại các hoạt động trong chuyến đi. Cả nhóm tìm điểm check-in, ăn uống trên TikTok hoặc Instagram, sau đó chọn ra những nơi phù hợp với sở thích của nhau, sắp xếp thời gian dựa trên tình hình sức khoẻ. File kế hoạch đến giờ cũng khá chi tiết, tôi cảm giác mình như travel planner (người thiết kế lịch trình du lịch) chuyên nghiệp", cô bộc bạch.
Minh Anh tìm kiếm thông tin từ mạng xã hội để lên kế hoạch cho những chuyến du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Hà Minh Anh. |
Minh Anh cho biết thêm cô sắp xếp hành lý khá sớm, ngay khi cả nhóm "chốt" lịch trình. Cô mang theo 4-5 bộ quần áo, mỹ phẩm, đồ makeup, khăn tắm, các loại thuốc giảm đau và băng cá nhân, không quên ổ cắm chuyển đổi nguồn điện.
"Sau nhiều chuyến du lịch, tôi cẩn thận hơn. Thực phẩm chức năng tôi chia vào hộp nhỏ, mỹ phẩm cũng chiết vào lọ để giảm trọng lượng hành lý. Còn quần áo tôi cuộn tròn lại để hạn chế nếp nhăn, tiết kiệm diện tích vali. Các bộ đã phối sẵn, tôi xếp cạnh nhau cho dễ tìm", Minh Anh nói.
Đầu tư để "sống ảo"
Ngoài chi phí đi lại và ăn uống, nhiều du khách trẻ sẵn sàng chi thêm các khoản cho quần áo và phụ kiện. Thậm chí, họ tìm tòi những góc ảnh đẹp, chọn trang phục tương ứng với từng điểm đến ngay từ khi ở nhà. Với họ, việc đầu tư cho những bức ảnh "sống ảo" là hoàn toàn xứng đáng, giúp chuyến đi đáng nhớ hơn.
Minh Anh cũng không ngoại lệ. Cô chấp nhận bỏ ra vài triệu đồng để mua sắm quần áo mới cho chuyến du lịch hè, miễn sao có ảnh đẹp đăng lên mạng xã hội.
"Việc lựa chọn quần áo, phụ kiện là một điều thú vị khi du lịch. Tôi đặt đơn quần áo và vật dụng cá nhân cần thiết trên sàn thương mại điện tử trước vài tuần để kịp thời gian khởi hành. Vì khí hậu châu Âu phần nào khác biệt so với Việt Nam nên tôi chi mạnh tay hơn, mua thêm mũ, áo dạ, boots... ", Minh Anh chia sẻ.
Tương tự, Hồng Điệp (27 tuổi, sống tại Đà Nẵng) cũng chi 1,5 triệu đồng mua sắm quần áo, giày dép và trang sức cho chuyến đi Cao Bằng vào ngày 10/6. Đây gần như là thói quen của cô trước mỗi lần du lịch.
"Tôi thích cảm giác háo hức chuẩn bị hành lý đi chơi, chứ không phải mua sắm vì thiếu đồ. Sau khi du lịch về, nếu không có ảnh với những bộ quần áo đẹp, tôi sẽ rất buồn. Nhân chuyến đi này, quần áo mới tôi để dành mặc dần đến hết năm", cô cho biết.
Vừa trở về từ chuyến du lịch Phú Yên vào dịp 30/4, Hồng Điệp bắt tay sắp xếp hành lý trước cả tháng cho chuyến du lịch Cao Bằng sắp tới. Ảnh: Hồng Điệp. |
Theo tìm hiểu của Hồng Điệp, khí hậu Cao Bằng trời nắng nhẹ, thỉnh thoảng có mưa dông nên cô mua cả quần áo mang không khí mùa hè và các vật dụng giúp tránh mưa, giữ ấm như ô, găng tay, vớ…
Ngoài ra, Hồng Điệp cũng chia sẻ bản thân khá chăm chút về mặt hình ảnh, từ việc chọn điểm đến, cách tạo dáng đến phối đồ đều được cô nghiên cứu kỹ lưỡng. Khi có trong tay những bộ quần áo đẹp, cô mới tự tin "xách balo lên và đi".
"Chuyến đi này, tôi lên kế hoạch trước 2 tháng. Ghi chú rõ trang phục nào mặc ở địa điểm nào. Nghe hơi khó tin, nhưng tôi soạn hành lý xong xuôi từ đầu tháng 5. Đương nhiên, việc bỏ ra số tiền gần bằng với tiền du lịch để mua sắm cũng hơi xót ví. Nhưng những vật dụng mang theo đều cần thiết cho cả mục đích cá nhân lẫn sở thích nên tôi sẵn sàng chi trả", Điệp bày tỏ.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch