Michelin mở ra cơ hội vàng cho du lịch Việt

Michelin Guide tạo cú hích cho du lịch ẩm thực Việt Nam phát triển nhưng chúng ta cần đầu tư bài bản để có chỗ đứng trên bản đồ ẩm thực thế giới

Danh sách 70 nhà hàng/quán ăn Michelin Selected (do Michelin Guide đề xuất), 3 cá nhân đoạt giải Michelin Guide Special Awards (giải thưởng đặc biệt của Michelin), 29 nhà hàng Bib Gourmand (có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng), 4 nhà hàng gắn sao Michelin tại Hà Nội và TP HCM là dấu mốc mang tính bước ngoặt cho ngành du lịch ẩm thực Việt Nam.

Thêm trải nghiệm cho du khách

Lãnh đạo Sở Du lịch TP Hà Nội nhấn mạnh 3 nhà hàng được gắn sao Michelin sẽ nâng tầm ẩm thực Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trên bản đồ du lịch ẩm thực thế giới. Đây là cơ hội để Hà Nội quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch qua nền ẩm thực giàu truyền thống; là động lực để các nhà hàng, quán ăn chấn chỉnh lại phong cách phục vụ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sáng tạo trong cách chế biến và tạo được không gian đặc trưng.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá Michelin đến với Việt Nam sẽ có sức ảnh hưởng lớn tới du khách quốc tế khi tìm hiểu thông tin du lịch nước ta và lựa chọn đi du lịch trong thời gian tới. Đây là tiền đề rất quan trọng. Tiếp đó, cần tăng cường đầu tư, bảo đảm chất lượng, cung cách dịch vụ cũng như xây dựng thực đơn. Ngoài ra, cần tăng cường quảng bá để thu hút khách du lịch cũng như người dân địa phương trải nghiệm, thưởng thức.

"Việc các nhà hàng Việt Nam được công bố sao Michelin sẽ là bước tiến lớn, quan trọng trong việc tiếp cận chất lượng phục vụ thế giới. Michelin đến Việt Nam sẽ tạo ra xu hướng mới cho khách du lịch đến nước ta" - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định.

Michelin mở ra cơ hội vàng cho du lịch Việt - Ảnh 1.

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel (bìa trái) thưởng thức ẩm thực Việt tại quán Ngon Ảnh: PHƯƠNG ANH

Là người duy nhất có 2 nhà hàng cùng vào danh sách của Michelin, bà Phạm Bích Hạnh, chủ quán ăn Ngon và Ngon Garden, khẳng định không thấy áp lực, mà điều này chính là động lực để nhà hàng hoàn thiện hơn. "Chúng tôi không lấy mục tiêu phục vụ người nước ngoài mà trước hết phải là khách Việt đến ăn. Tôi quan niệm người địa phương ăn nhiều chính là cách để thu hút khách nước ngoài" - bà bày tỏ.

Bà Hạnh tin rằng đây sẽ là cú hích để thúc đẩy du lịch phát triển. Khách đến có thể chỉ ở một khách sạn nhưng mỗi ngày phải ăn 3 bữa và nền ẩm thực phong phú của Việt Nam chính là động lực khiến họ chi tiêu nhiều hơn. Rất nhiều khách du lịch quay lại một điểm đến nào đó chỉ vì quá mê ẩm thực địa phương.

Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá quốc tế

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trong định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch văn hóa là một trong 4 dòng sản phẩm chính. Việt Nam thời gian qua đã được nhiều tổ chức uy tín thế giới công nhận, vinh danh và 3 năm liên tiếp là điểm đến văn hóa ẩm thực hàng đầu châu Á.

Đọc thêm
Anan Saigon: Bí quyết đặc biệt trong bát phở nổi tiếng Việt Nam

"Chúng ta đang hướng đến danh hiệu cao hơn nữa để khẳng định giá trị thương hiệu ẩm thực Việt Nam. Việc Michelin đến Việt Nam thẩm định các quán ăn/nhà hàng thật sự là điều rất tốt để xúc tiến quảng bá thời gian tới" - ông Khánh nhấn mạnh.

Dựa trên danh sách các nhà hàng/quán ăn gắn nhãn Michelin được công bố, Tổng cục Du lịch sẽ đưa vào kế hoạch xúc tiến quảng bá, đặc biệt là ở roadshow, các hội chợ quốc tế, chương trình chuyên đề quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng Thư ký Hội Đầu bếp Việt Nam, nhiều năm trước đã khát khao ngôi sao Michelin xuất hiện tại Việt Nam. Ông cho rằng sự tín nhiệm của Michelin tại Việt Nam sẽ tạo tiền đề lớn đối với các đầu bếp, nhà hàng, người yêu ẩm thực. Tuy nhiên, đây mới là bước đi đầu tiên cho một chuỗi nhà hàng/quán ăn sau này sẽ được Michelin công nhận.

"Món ăn Việt Nam tại châu Á đã được đánh giá thuộc tốp 3, đồng thời là tốp 10 thế giới. Thế nhưng, làm sao để mọi người đến Việt Nam vì đây là đất nước của ẩm thực, đất nước của gia vị và khi người ta nhắc đến Việt Nam sẽ nhắc ngay tới điều đó mới quan trọng. Nên có sự đầu tư một cách bài bản từ trên xuống dưới. Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải xác định đâu là điểm mạnh, đồng thời cần đồng hành cũng như có nguồn tài chính mạnh để hỗ trợ du lịch nước nhà" - ông Nguyễn Xuân Quỳnh nhìn nhận.

Cùng chung quan điểm này, bà Phạm Bích Hạnh cho rằng để thu hút khách quốc tế, cần phát huy nội lực chính mình. "Cơ quan quản lý nhà nước phải xác định làm sao để hỗ trợ, thúc đẩy quảng bá ẩm thực Việt Nam hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng phải phát triển bền vững nhờ chất lượng dịch vụ" - bà Hạnh gợi ý. 

Xây dựng bản đồ food tour

Sở Du lịch TP Hà Nội cho hay thời gian tới sẽ đẩy mạnh quảng bá hệ thống nhà hàng được gắn sao Michelin bên cạnh những nhà hàng, quán ăn uy tín khác của địa phương. Hà Nội cũng sẽ xây dựng bản đồ food tour để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực địa phương.

Michelin mở ra cơ hội vàng cho du lịch Việt - Ảnh 4.