Gần 9.400 trường hợp bị lừa đảo trực tuyến liên quan đến giả mạo
Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, có 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Trong đó, có đến gần 9.400 trường hợp bị lừa đảo trực tuyến là liên quan đến giả mạo thương hiệu. Đó là giả mạo số điện thoại của cơ quan chức năng, giả mạo website các cơ quan chính thống, từ giao diện đến địa chỉ.. Ví dụ như website của ngân hàng, hay công ty chứng khoán, và không ít người đã bị mất tiền vì chính tự tay mình đưa cả tên truy cập và mật khẩu cho các đối tượng lừa đảo.
Hàng trăm người đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền với thủ đoạn dựng lên cả quy trình, ban bệ như một ngân hàng rồi gọi điện thoại cho vay tiền với thủ tục đơn giản.
Không chỉ các cuộc gọi của ngân hàng, mà cả các cuộc gọi giả mạo cơ quan điều tra, tòa án để yêu cầu nộp tiền hay là phải liên hệ ngay nếu không bị cắt chiều gọi đi của điện thoại.
Video call xác minh danh tính nhưng vẫn bị lừa vay tiền
Trong số gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến, có hơn 11% là chiếm tài khoản online, tài khoản thông dụng là facebook, zalo. Và rất nhiều người tự tin cho mình là không thể sập bẫy vì đã quá quen và cảnh giác rất cao, thậm chí còn trêu đùa qua lại khi nhận được tin nhắn vay tiền từ Facebook rồi gọi điện cả video để kiểm tra trước khi chuyển tiền nhưng vẫn bị lừa.
Hình ảnh minh họa
Một người phụ nữ kể lại, mới đây qua facebook chị nhận được tin nhắn hỏi vay 20 triệu đồng từ một người bạn. Do số tiền lớn, chị đã cẩn thận gọi video call để xác minh danh tính người vay. Đầu dây bên kia bắt máy, có hiện hình ảnh chủ tài khoản. Nhưng chỉ vài giây là cuộc gọi bị gián đoạn.. Nghĩ rằng đúng là bạn mình hỏi vay tiền, chị đã không ngần ngại chuyển tiền ngay vào 1 tài khoản ngân hàng mà người hỏi vay tiền cũng cấp.
Theo nhận định của cơ quan công an, sau khi chiếm quyền truy cập tài khoản của người dùng mạng xã hội, đối tượng lừa đảo chuẩn bị sẵn 1 đoạn video được cắt ghép từ những hình ảnh đã được chủ tài khoản đăng tải trước đó. Quá trình thực hiện màn kịch giả cuộc gọi video call để vay tiền, kẻ xấu đưa đoạn video này lên trước camera điện thoại để chiếm được lòng tin của nạn nhân.
Để không bị lộ, các cuộc gọi video call thường rất ngắn, chất lượng âm thanh và hình ảnh thường là rất kém. Khi nạn nhân thắc mắc, lý do được các đối tượng đưa ra để chống chế thường là "đang đi đường", "mạng kém", "đường truyền mạng không ổn định".
Cách đây không lâu, công an quận Long Biên, Hà Nội vừa tiếp nhận trình báo của 1 phụ nữ trên địa bàn quận vừa bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng do sập bẫy chiêu trò lừa đảo… đăng tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online. Chỉ cần nộp tiền thanh toán trước là hưởng chiết khấu 10-15% và hàng loạt "việc nhẹ, lương cao" khác nữa.
Tự trang bị kiến thức, kỹ năng để không mắc bẫy kẻ gian
Theo Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động nâng cao nhận thức đã được triển khai như:
- Phát triển trang thông tin, xử lý tin nhắn rác, lừa đảo.
- Phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam để người dân phản ánh các vấn đề về an toàn thông tin.
Địa chỉ trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam
- Cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến.
- Công bố danh sách đen các trang điện tử vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo... thông qua Cổng thông tin của hệ sinh thái tín nhiệm mạng.
- Triển khai các chiến dịch phòng chống mã độc, làm sạch không gian mạng định kỳ hàng năm trên toàn quốc.
Trên đời này vốn không có "nếu như", "giá mà", "biết vậy". Chính vì thế, trước hết mỗi cá nhân cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để không mắc phải bẫy của kẻ gian. Luôn cẩn trọng, kiểm tra lại khi gặp tình huống khả nghi. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân khi gặp phải số điện thoại lạ hoặc người lạ gọi đến.
Song song với với những cảnh báo, việc có những chế tài xử phạt rõ ràng nghiêm khắc đối với các hành vi lừa đảo trục lợi qua không gian mạng. Sẽ là những răn đe cần thiết đối với những kẻ ăn trên mồ hôi nước mắt của đồng bào.