Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ

(NLĐO) - Các địa phương cần đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và cách thức xúc tiến, quảng bá du lịch. Bên cạnh các hình thức trực tiếp, cần kết hợp quảng bá trực tuyến trên các nền tảng số và mạng xã hội.

Chiều 29-11, tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước diễn ra Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai việc thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Thỏa thuận).

Qua thống kê, trong giai đoạn 2020-2022, tổng lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ đạt trên 73,53 triệu lượt khách với doanh thu 260.160 tỉ đồng, trong đó có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế.

Kết quả ấn tượng nói trên là nhờ vào sự chủ động của các địa phương sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó các công ty du lịch tại TP HCM đã đẩy mạnh phát triển bán các sản phẩm du lịch theo các tuyến kết nối TP HCM đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, nổi bật như: tuyến du lịch TP HCM – Tây Ninh – Cáp treo Núi Bà; tuyến du lịch về nguồn TP HCM - Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam; tuyến du lịch TP HCM – Vũng Tàu; tuyến du lịch "Tình đất đỏ miền Đông" TP HCM - Bình Dương - Bình Phước…

Cũng trong giai đoạn này, các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ đã tổ chức được 18 sự kiện du lịch tiêu biểu cũng như triển khai đề án du lịch thông minh trong quảng bá du lịch.

Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Tỉnh Bình Phước bàn giao tổ chức hội nghị sơ kết luân phiên cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2023

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng đề nghị cần xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp "6 địa phương – 1 điểm đến", làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương nhằm tăng sức hút của điểm đến Đông Nam Bộ. Cùng với đó là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng nhân sự tại các điểm du lịch và khách sạn cũng như chất lượng hướng dẫn viên du lịch…

Trong khi đó, ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng phát triển sản phẩm và liên kết kích cầu du lịch là bước cụ thể hóa Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư lớn; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch thế mạnh của từng địa phương; xóa bỏ hình thức làm du lịch manh mún.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt khẳng định trong 7 vùng du lịch của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, do đó đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần triển khai có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương. Tích cực khai thác, trao đổi khách du lịch giữa các địa phương trong vùng; làm rõ nét hơn nữa những đặc sắc của vùng, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn.