Chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, các ông lớn công nghệ như Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, Amazon và IBM đã sa thải tổng cộng gần 44 nghìn nhân sự.
Các số liệu thống kê cho thấy, tháng 1/2023 là tháng có số lượng nhân sự công nghệ bị sa thải nhiều nhất kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Làn sóng sa thải nhân sự công nghệ
Các công ty công nghệ lớn đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ chi tiêu trực tuyến và làm việc từ xa, bắt đầu trong thời gian phong tỏa do đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
Nhưng năm 2023, nhiều doanh nghiệp trong số này báo cáo tốc độ tăng trưởng đáng thất vọng, giá cổ phiếu sụt giảm khi người tiêu dùng quay trở lại cuộc sống bình thường. Lãnh đạo của các công ty công nghệ cho rằng, họ đã mở rộng quá nhanh và đang phải tìm cách cắt giảm chi phí, trong bối cảnh tình hình kinh tế nhiều rủi ro.
Chỉ trong vài tuần đầu năm 2023, ít nhất 175 công ty công nghệ đã cắt giảm khoảng hơn 60 nghìn việc làm.
Làn sóng sa thải đang phủ bóng lên ngành công nghệ (Ảnh: Marketwatch)
Mới nhất, tuần trước, Yahoo thông báo từ nay tới cuối năm sẽ cắt giảm 20% số lượng nhân viên, trong đó quyết định nghỉ việc sẽ áp dụng ngay lập tức với 1.000 nhân viên.
Zoom, công ty với ứng dụng hội đàm video rất được ưa chuộng trong thời kỳ đại dịch bùng phát, cũng vừa thông báo sa thải 1.300 nhân sự, tương đương 15% lực lượng lao động của công ty.
CEO của Zoom cho biết, quy mô của công ty đã mở rộng gấp 3 lần trong 2 năm đại dịch. Tuy nhiên, quyết định sa thải nhân viên buộc phải đưa ra để công ty có thể thích ứng với môi trường kinh tế nhiều bất định hiện nay.
SAP - công ty phần mềm lớn nhất châu Âu - cũng là một trong những cái tên thông báo việc cắt giảm nhân sự đầu năm 2023 này, gọi đó là hoạt động tái cấu trúc có mục tiêu.
Hàng loạt tập đoàn lớn có trụ sở ở nhiều quốc gia như IBM, Alphabet, Microsoft, Amazon hay Spotify cũng lần lượt đưa ra các thông báo sa thải vài nghìn nhân viên mỗi công ty.
Thực tế, đây là sự tiếp nối của xu hướng sa thải đáng lo ngại đã bắt đầu từ năm 2022. Và không chỉ những gã khổng lồ công nghệ đang tiến hành sa thải nhân viên. Các công ty công nghệ nhỏ hơn, vốn bị cuốn vào xu thế tuyển dụng quá mức do đại dịch, hiện cũng đang phải gánh chịu hậu quả.
Việc sa thải bất ngờ và sa thải số lượng lớn đã gây ra cú sốc với nhiều người. Tuy nhiên, lý giải của một số chuyên gia không cho rằng, làn sóng sa thải này là điều quá bất ngờ.
Lý giải làn sóng sa thải nhân sự công nghệ[]
Ông Alex Zukin từ Công ty nghiên cứu Wolfe, Mỹ cho rằng: "Tôi nghĩ chuyện này phần lớn đã được dự đoán trước. Tôi nghĩ rằng, nhiều công ty đang cắt giảm nhân sự để đáp ứng nhu cầu từ nền kinh tế vĩ mô trong giai đoạn có nhiều thách thức hơn so với hai năm trước. Nhiều công ty cũng coi đây là cơ hội để làm việc hiệu quả hơn và điều chỉnh cấu trúc chi phí của công ty phù hợp với doanh thu".
Ông Joseph Bonner từ Công ty nghiên cứu Argus, Mỹ nhận định: "Việc tuyển dụng quá mức trong đại dịch là một lý do. Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn đang đối mặt với nền kinh tế vĩ mô không chắc chắn. Vì thế, họ phải hành động để cắt giảm chi phí, điều chỉnh để phù hợp với một giai đoạn dự kiến là khó khăn trong vài quý tới đây".
Ông Aaron Terrazas - Nhà kinh tế trưởng tại Công ty Glassdoor - cho biết: "Rất nhiều công ty công nghệ đang phải giải quyết hệ quả của việc gia tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn cũng có nghĩa chi phí rủi ro cao hơn. Trong khi công nghệ là ngành kinh doanh nhiều rủi ro. Họ đặt cược vào tương lai, vào các sáng kiến, hy vọng rằng ý tưởng đó sẽ mang lại lợi nhuận vào thời điểm nào đó. Nhưng chi phí chờ đợi đã gia tăng rất nhiều trong 1 năm qua và họ phải đánh giá lại các khoản đầu tư và chi phí lao động".
Ông Alex Zukin từ Công ty nghiên cứu Wolfe, Mỹ cho rằng: "Chúng tôi rất lạc quan về dài hạn cho cả Microsoft và các công ty phần mềm công nghệ khác. Có thể nhìn thấy cách họ đang phát triển OpenAI và ChatGPT. Chúng tôi cho rằng, bây giờ là buổi bình minh của một thời đại mới. Có thể trong ngắn và trung hạn, trong một vài quý tới, tăng trưởng của các công ty công nghệ giảm từ mức rất cao thời COVID-19 xuống mức bình thường trước COVID-19 nhưng khi đã ổn định lại thì tương lai sẽ tươi sáng".
Những cơ hội mới
Đối với rất nhiều lao động, việc sa thải bất ngờ không đơn giản chỉ là mất việc làm mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác, nhất là với các lao động người nước ngoài.
Như tại Mỹ, nơi mà kế hoạch sa thải của nhiều công ty có hiệu lực ngay lập tức, lao động người nước ngoài chịu áp lực tìm kiếm việc làm mới trong thời gian ngắn, nếu họ muốn giữ được thị thực H-1B.
Tuy nhiên, khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra, luôn có cơ hội mới đối với các nhân sự giỏi trong lĩnh vực công nghệ.
ABC News dẫn lời các chuyên gia cho rằng, cơ hội ở những nơi khác còn rất nhiều. Nhiều đơn vị đang nỗ lực để tuyển dụng các tài năng công nghệ hàng đầu.
ABC News trích dẫn thông tin từ Cơ quan quản lý nhân sự Mỹ cho biết, dù là an ninh mạng, quốc phòng, năng lượng hay chăm sóc sức khoẻ, có hàng nghìn vị trí có sẵn trong mảng công nghệ ở các cơ quan của chính phủ liên bang. Do đó, làm việc cho Google, Ford hay chính phủ, một kỹ sư phần mềm vẫn là một kỹ sư phần mềm. Nếu có kỹ năng tốt, bạn mới là người lựa chọn nơi làm việc chứ không cần đợi bất kỳ ai lựa chọn.
Trong lúc này, Đức - quốc gia có dân số đang già hoá - đang coi làn sóng sa thải này là thời điểm thích hợp để tuyển dụng nhân tài.
Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra
Theo Channel News Asia, có rất nhiều cơ hội cho nhân tài công nghệ trong các lĩnh vực "phi công nghệ". Bài viết cho rằng, việc làm trong lĩnh vực công nghệ không chỉ dành cho những gã khổng lồ công nghệ mà nó ngày càng trở nên quan trọng đối với tất cả ngành nghề trong nền kinh tế.
Việc ứng dụng nhanh chóng các nền tảng kỹ thuật số, các công cụ số trong các lĩnh vực "phi công nghệ" đã mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Các ngân hàng lớn nhất của Singapore sẽ tiếp tục tuyển dụng hàng nghìn nhân sự công nghệ trong năm nay.
Các ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ du lịch, chăm sóc sức khoẻ, nhà hàng muốn tăng cường tuyển dụng nhân sự công nghệ để nâng cấp thương mại điện tử, phân tích dữ liệu, phát triển điện toán đám mây.
Có thể trong thập kỷ tới, sẽ không còn truyền thống là tăng trưởng tuyển dụng nhân sự công nghệ chỉ ở các công ty công nghệ.
Cùng chung quan điểm, trang Thời báo Kinh tế dẫn số liệu thống kê gần đây cho thấy, có tới gần 80% nhân sự công nghệ bị sa thải đã tìm được công việc mới chỉ trong vòng 3 tháng sau đó. Không chỉ có các công ty công nghệ, những doanh nghiệp khác như là hãng xe GM của Mỹ gần đây cũng đăng tin tuyển nhân sự về mảng công nghệ.
Điều đó cho thấy, công nghệ vẫn đang giữ được sức nóng của mình và các lao động trong lĩnh vực này, vẫn có thể nhìn thấy rất nhiều cơ hội cho mình trong tương lai khi đã thích ứng với điều kiện mới.