Với nhiều du khách phương Tây, mùa Giáng sinh gắn liền với thời tiết lạnh buốt, tuyết phủ trắng đường. Vì thế, không khí ấm áp ở TP.HCM trong mùa lễ hội khiến nhiều khách du lịch nước ngoài thấy thú vị.
Giáng sinh 30 độ C
Mortiz, Áo
Tôi đang là sinh viên đại học ở Singapore. Tranh thủ kỳ nghỉ cuối năm, tôi cùng bạn tận hưởng 3 tuần du lịch ở Việt Nam.
Đây là lần đầu tôi đến TP.HCM vào đúng mùa Giáng sinh. Thời tiết ở đây không khác gì so với Singapore, luôn luôn có nắng ấm. Khác với quê hương tôi ở Áo, thời điểm này tuyết bắt đầu rơi dày. Tuyết rơi, trời lạnh cũng là dấu hiệu báo mùa Giáng sinh đến. Vì thế, tận hưởng mùa lễ hội trong thời tiết 30 độ C, không phải quấn khăn len, mặc áo choàng dày sụ là một trải nghiệm đầy thú vị với tôi.
Nếu không có những trung tâm thương mại trang trí màu sắc sặc sỡ, treo đèn neon xanh đỏ vàng, có lẽ tôi sẽ không cảm nhận được không khí Giáng sinh trong thời tiết nắng ấm ở đây. Mới đầu tháng 12, hầu như tuyến đường trung tâm nào cũng có dấu hiệu nhận biết Giáng sinh đến, hàng quán đều đặt cây thông, treo vòng nguyệt quế ngoài cửa.
Ở Singapore cũng tương tự, các trung tâm thương mại được trang hoàng chủ đề Giáng sinh từ rất sớm. Mùa lễ hội cuối năm ở đảo quốc sư tử cũng tràn ngập ánh sáng như TP.HCM.
Không khác ngày thường
Elisa, Pháp
Không khí Giáng sinh ở TP.HCM dường như không khác những ngày thường.
Khi ở Pháp, chúng tôi có cả một kỳ nghỉ để chuẩn bị cho dịp lễ này. Giáng sinh là dịp lễ quan trọng với người Pháp, tương tự người Việt đón Tết Nguyên đán.
Trước Giáng sinh khoảng một tháng, tôi cũng như nhiều người Pháp khác sẽ trang trí nhà cửa từ trong ra ngoài. Khắp nơi được trang trí 3 màu Giáng sinh chủ đạo xanh, đỏ, vàng. Vào ngày 24-25/12, chúng tôi sẽ quây quần bên gia đình, tổ chức tiệc, mọi người sẽ thức cùng nhau vào đêm 24/12, trao quà và uống rượu vang. Buổi trưa 25/12, gia đình sẽ dùng bữa trưa thịnh soạn chào đón Giáng sinh.
Năm nay khác với mọi năm, tôi không đón mùa Giáng sinh truyền thống nữa. Tôi ở TP.HCM 1-2 tuần nữa và sẽ bay đến Thái Lan để đón ngày Chúa ra đời. Tận hưởng không khí mùa lễ hội tại các nước nhiệt đới cho tôi nhiều kỷ niệm và trải nghiệm thú vị.
Không khí ít náo nhiệt
Lisa, Đức
Quê hương chúng tôi nổi tiếng với những khu chợ Giáng sinh quy mô lớn, nhộn nhịp và đầy sắc màu. Có lẽ vì thế mà tôi thấy không khí mùa lễ hội cuối năm ở TP.HCM bình lặng hơn so với ở Đức. Ngoài ra, một sự khác biệt thấy rõ nữa là thời tiết ở thành phố này nắng ấm và không có tuyết như ở quê hương tôi.
Như thông lệ, chúng tôi có một kỳ nghỉ dài trong tháng 12 để đón Giáng sinh và năm mới. Trong tháng này, người Đức tiệc tùng liên miên, đường sá nhộn nhịp, các khu chợ Giáng sinh phủ màu đỏ của đồ trang trí, màu trắng của tuyết và màu vàng của những dây đèn.
Tận dụng kỳ nghỉ dài, tôi không ở nhà như mọi năm mà dành thời gian đó để du lịch các nước Đông Nam Á. Sau TP.HCM, điểm đến tiếp theo của tôi là ở Bali (Indonesia). Tôi đến hòn đảo du lịch này vào đúng ngày Giáng sinh. Tôi chọn Bali vì tò mò về không khí lễ hội cuối năm ở hòn đảo xa xôi này có gì đặc biệt.
Thời tiết cuối năm nóng nực
Tiago, Bồ Đào Nha
Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và có mặt ở TP.HCM vào đúng dịp Giáng sinh đang tới. Mới đầu tháng 12, không khí ở thành phố này đã rất náo nhiệt, thấy rõ nhất là ở các nhà thờ, trung tâm thương mại và quán cà phê. Khắp nơi đều trang trí chủ đề Giáng sinh.
Vì mới đến nên tôi chưa quen với khí hậu ở TP.HCM lắm, trời khá nóng vào ban ngày. Tháng 12 ở Bồ Đào Nha thời tiết dễ chịu hơn. Tuy nhiên, đây là trải nghiệm hay ho khi đón Giáng sinh xứ nhiệt đới.
Theo truyền thống người Bồ Đào Nha, Giáng sinh, năm mới là hai dịp gần nhau, đều có ý nghĩa quan trọng. Những ngày này vào các năm trước, tôi thường quây quần bên gia đình, tổ chức tiệc, khui rượu và tặng quà nhau. Vì thế, tôi sẽ không đón Giáng sinh ở TP.HCM. Tôi chỉ ở đây vài ngày nữa và bay về Bồ Đào Nha để trang trí nhà cửa, chuẩn bị cho các bữa tiệc vào những ngày cuối cùng của năm 2022.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch