Kế hoạch để Venice không chìm

Nhiều biện pháp đã được thực hiện để ngăn nguy cơ Venice (Italy) bị nhấn chìm. Tuy nhiên, các biện pháp đều sẽ kéo theo kinh phí khổng lồ.

Venice đang chìm dần. Ảnh: NPR.

Venice là thành phố nổi tiếng với hệ thống kênh đào dày đặc. Xung quanh thành phố có 391 cây cầu và nơi này không khác gì một "mê cung nước". Tuy nhiên, theo dự đoán, vào đầu năm 2100, Venice sẽ chìm xuống biển. Thực tế, nhiều tòa nhà ở đây đang bị chìm và chịu ảnh hưởng nặng nề do sóng biển.

Vấn đề của Venice

Tháng 11/2019, Venice hứng chịu trận lụt tồi tệ nhất sau 100 năm. Sự việc trở thành tâm điểm của giới truyền thông.

Người dân thế giới choáng váng trước những hình ảnh ở quảng trường Saint Mark - một trong những khu vực biểu tượng của thành phố và có vị trí thấp nhất Venice. Quảng trường bị bao phủ trong nước. Thủy triều đạt đỉnh 1,87 m so với mực nước biển, khiến 80% thành phố rơi vào cảnh ngập nặng.

Ước tính, Venice đã thiệt hại khoảng một tỷ USD vì trận lụt này. Trước đó, vào năm 1966, trận lũ lụt tồi tệ nhất ghi nhận mực nước dâng tới 1,94 m, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ít nhất 3/4 cửa hàng, doanh nghiệp của thành phố.

Hơn 50 năm là khoảng cách giữa 2 sự kiện. Tuy nhiên, tình hình mới cho thấy sẽ không mất tới 50 năm nữa để một trận lụt tương tự xảy ra. Vào năm 1923, mực nước ở Venice chính thức được ghi nhận. Thống kê chỉ ra có 10 lần mực nước đạt khoảng 1,5 m. Đáng chú ý, 5 lần trong số này đã diễn ra chỉ trong 3 năm qua.

"Biến đổi khí hậu gây ra sự dâng lên của mực nước biển. Bất kỳ thành phố nào được xây dựng ở mực nước biển đều dễ bị tổn hại", Sally Stone, chuyên gia về kiến trúc tại Trường Kiến trúc Manchester, cho biết.

venice bi chim anh 1

Trận lụt năm 2019 được xem là tồi tệ nhất sau 100 năm ở Venice. Ảnh: CNN.

Venice nằm trong thế bắt buộc phải chiến đấu với biển cả. Xuyên suốt lịch sử, không ít lần thành phố bị ngập lụt tạm thời. Dù vậy, những đợt triều cường gần đây đang ở một cấp độ khác.

Natasha Barlow, Phó giáo sư về thay đổi môi trường tại Đại học Leeds (Anh), lưu ý sự gia tăng nhỏ của mực nước biển cũng có thể khiến cường độ, tần suất lũ lụt vùng ven biển ngày một nhiều. Bởi mực nước biển cao lên sẽ làm tăng mực nước cơ bản của bão, thủy triều và sóng.

Bản thân Venice đang chìm dần. Nền móng các tòa nhà ở Venice được xây bằng cách sử dụng một hệ thống cọc. Các đoạn gỗ dài được dựng thẳng đứng xuống lớp bùn và đất sét của những đầm phá bên dưới.

Trong nhiều thế kỷ qua, nhiều tòa nhà được xây trên nền móng thiếu ổn định này đã bị dịch chuyển so với vị trí ban đầu. Số khác bắt đầu chìm xuống bùn. Việc khai thác nước ngầm xuyên suốt lịch sử đã tăng cường tác động này. Và trong thế kỷ qua, Venice đã chìm khoảng 15 cm.

Bà Stone nói: "Việc bơm lượng lớn bê tông vào nền móng có thể gây ra thiệt hại nhiều hơn so với việc không làm gì. Mặt khác, mọi thứ cũng cần bảo đảm tính toàn vẹn thẩm mỹ cho các tòa nhà ở Venice. Nếu có sự thay đổi lớn, rất khó để bảo toàn tính thẩm mỹ của chúng".

Giải pháp

Với sự nổi tiếng của Venice, những người đứng đầu không chấp nhận để nó chìm xuống biển như thế. Nhiều giải pháp được đưa ra và hiện dự án Mose được xem là cứu tinh cho thành phố.

Dự án Mose bao gồm việc lắp đặt các hàng rào phòng thủ trên biển. Tổng cộng 78 cổng di động (có thể tiếp nhận tàu thuyền), rộng 20 m/cổng và được đặt tại các vị trí chiến lược. Qua đó, Mose tạo ra một "dây thừng ven biển" để giảm thiểu các trận lũ lớn.

Theo Consorzio Venezia Nuova, công ty xây dựng hệ thống Mose, các rào chắn nằm chìm trong nước nhưng chúng sẽ dâng lên để chặn thủy triều khi nước dâng tới 1,1 m.

venice bi chim anh 2

Mose vẫn chưa chính thức được sử dụng. Ảnh: Atlas of the future.

Ý tưởng về Mose đã xuất hiện từ năm 1992 nhưng tốc độ triển khai chậm trễ do chi phí tăng cao. Tới năm 2003, việc xây dựng mới được tiến hành và dự kiến hoàn thành năm 2011. Tuy nhiên, Mose chỉ được kích hoạt lần đầu vào năm 2020 và chưa hoạt động hoàn toàn cho đến nay. Dự kiến, vào cuối năm 2023, Mose sẽ chính thức hoàn thành.

Tổng chi phí có thể rơi vào khoảng 8 tỷ USD - so với 4,7 tỷ USD ngân sách ban đầu. Và khi đưa vào sử dụng, nó cũng sẽ tốn thêm kha khá tiền của. Công ty xây dựng cho biết sẽ tốn khoảng 323.000 USD cho mỗi lần sử dụng hệ thống.

Vấn đề ở chỗ Mose chưa phải giải pháp hoàn chỉnh. Nó không thể ngăn lũ lụt ở những khu vực vùng trũng như thánh đường Saint Mark. Các rào chắn của Mose chỉ nâng lên khi mực nước đạt 1,1 m nhưng để ngập Saint Mark chỉ cần khoảng 90 cm.

Fabio Carrera, Giáo sư tại Học viện Bách khoa Worcester ở Massachusetts, nhận định: "Nếu rào chắn được nâng lên thường xuyên, nước thải có thể bị mắc kẹt trong đầm phá. Điều này có thể phá hủy hệ sinh thái. Mose sẽ hoạt động trong một thời gian - có thể là 100 năm hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có một giải pháp kiểu Hà Lan".

venice bi chim anh 3

Bên cạnh chống lũ lụt, các giải pháp cũng cần đảm bảo tính thẩm mỹ của Venice. Ảnh: Time.

Giải pháp kiểu Hà Lan được nhắc tới sẽ dựa trên các bản thiết kế do "Dự án Delta" đề ra. Đây là hệ thống quản lý lũ lụt khổng lồ với 13 đập và hàng loạt đê, rào chắn, cống đã hoạt động ở Hà Lan từ năm 1997. Delta hiệu quả đến mức nó có thể bảo vệ khu vực được chỉ định chống lại ngập lụt tới 4.000 năm.

Dù vậy, ở Venice, chống lũ không phải thứ duy nhất được quan tâm. Các biện pháp đưa ra cần được đặt chung vào tầm nhìn của thành phố. Người ta vẫn muốn duy trì vẻ đẹp của Venice sau 10, 20 hay 50 năm nữa nhưng vẫn đảm bảo thành phố không bị nhấn chìm. Đó là một vấn đề nan giải nữa.