Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới

Thương mại điện tử xuyên biên giới giờ đây không còn là sân chơi riêng của các doanh nghiệp lớn, mà đã trở thành mảnh đất tiềm năng cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước đây tại Việt Nam, xuất khẩu đi nước ngoài là câu chuyện của chỉ riêng các doanh nghiệp lớn bởi yêu cầu cao về nhân lực cũng như nguồn lực. Với sự phát triển của chuyển đổi số, giờ đây các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã có thể dần bước chân vào mảnh đất nhiều tiềm năng này.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt, khi cung cấp giải pháp tối ưu hóa chi phí, cũng như rút ngắn phần lớn quy trình, thủ tục so với những hình thức thương mại truyền thống.

Theo đại diện của Alibaba.com, sản phẩm Việt thường nhận được phản hồi tích cực từ các khách hàng trên sàn thương mại điện tử này. Hơn 70% gian hàng Việt Nam được đánh giá từ 2 sao trở lên. Trên 800.000 sản phẩm được niêm yết trên sàn và hơn 70.000 tin nhắn quan tâm mua hàng mỗi tháng trên toàn thế giới.

Ông Roger Lou - Giám đốc Quốc gia, sàn thương mại điện tử Alibaba.com cho biết: "Sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu và dịch vụ khách hàng. Khi có mặt trên sàn thương mại điện tử cũng giống như doanh nghiệp tham gia một triển lãm trực tuyến kéo dài cả năm sẽ có một loạt các cơ hội để gặp gỡ những người mua mới, để giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao nhất của họ".

Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới - Ảnh 1.

"Hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc khá sôi động, việc gỡ bỏ hạn chế sẽ khiến việc luân chuyển hàng hóa giữa 2 nước nhanh chóng và kịp thời gian, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nói.

Amazon Global Selling Việt Nam cũng vừa công bố gần 10 triệu sản phẩm hàng Việt bán trên sàn thương mại điện tử này năm 2022, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương mại điện tử xuyên biên giới giờ đây không còn là sân chơi riêng của các doanh nghiệp lớn, mà đã trở thành mảnh đất tiềm năng cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ ưu điểm dễ tiếp cận, tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian.