Để chuyển đổi số phát huy hết tiện ích

Thời gian qua, nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều lĩnh vực đã có những nỗ lực chuyển đổi số đáng khích lệ. Tuy nhiên, chuyển đổi số toàn diện quốc gia đòi hỏi phải có sự kết nối, liên thông thành một hệ thống liền lạc.

Ngày 5-1-2023, nghĩa là 5 ngày sau khi sổ hộ khẩu chính thức hết giá trị sử dụng sau khoảng 70 năm tồn tại, bà L. (ngụ quận 5, TP HCM) theo tin nhắn SMS nhắc nhở của bưu điện đã đến một bưu cục tại một quận trung tâm của TP để mua gia hạn bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cho năm 2023. Bà mang theo bản photocopy của các thẻ bảo hiểm y tế và căn cước công dân (CCCD) gắn chip của các người mua bảo hiểm. Bà L. phải khai thông tin theo mẫu chung của BHXH Việt Nam với nhiều chi tiết, mà lẽ ra chỉ cần nhân viên giao dịch nhập số CCCD vào máy là lập tức các thông tin cần thiết sẽ được trích xuất từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Sau đó, bà lại được nhân viên giao dịch thông báo phải nộp bổ sung bản sao sổ hộ khẩu thì bên bảo hiểm mới có thể giảm trừ gia cảnh theo chế độ hộ gia đình. Bà L. thắc mắc vì sổ hộ khẩu nay không cần dùng nữa. Nhưng nhân viên giao dịch yêu cầu phải có theo quy định (!?). Trong khi, mã hộ khẩu của gia đình đã có sẵn trên cơ sở dữ liệu quốc gia.

Còn anh T. ở TP HCM trong một chuyến về huyện Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An, ghé một bưu cục để hỏi mua bảo hiểm y tế tự nguyện cho mẹ mình có địa chỉ thường trú tại thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An). Tại đây, nhân viên giao dịch yêu cầu anh T. phải về thị xã Kiến Tường mua vì không thể có kết nối để có thông tin về các bệnh viện ở thị xã Kiến Tường chấp nhận cho đăng ký khám bệnh ban đầu.

Vì thế, quả là một tin vui cho người dân TP HCM khi tại Hội nghị Tổng kết công tác tư pháp - phong trào thi đua yêu nước năm 2022 và triển khai chương trình công tác năm 2023 ngày 10-1-2023, Sở Tư pháp TP HCM báo cáo: đã có 11.722.338 hồ sơ hộ tịch của người dân được số hóa. Trong đó, 11.138.909 hồ sơ đăng ký trước ngày 1-1-2016 đủ điều kiện chuyển chính thức lưu trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp. Đến nay đã đồng bộ vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp đạt 97%. Từ tháng 6-2022, Sở Tư pháp TP HCM đã bắt đầu triển khai thực hiện cấp bản sao giấy tờ hộ tịch (trích lục kết hôn, bản sao giấy khai sinh, khai tử…) cho cá nhân không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu. Nghĩa là người dân có thể đến bất cứ UBND cấp phường, xã nào trong toàn thành phố để sao lục chứ không cần phải về đúng nơi thường trú như trước. Trước đây 1 năm, ngày 4-1-2022, Bộ Tư pháp đã ban hành mẫu giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh điện tử có mã QR.

Chuyển đổi số là một công việc liên tục và ngày càng phát triển theo tiến bộ công nghệ và yêu cầu của thực tế. Vì thế, cũng cần phải duy trì khâu kiểm tra, rà soát để bảo đảm cho chuyển đổi số luôn hoạt động và phát huy hết hiệu quả của nó.