Đặc phái viên Tổng thống Mỹ John Kerry sắp thăm Việt Nam

(NLĐO)- Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 của Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry trong năm nay.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry sẽ thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 2 đến 6-9.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kerry sẽ thăm TP HCM từ ngày 2-9 tới 4-9 và Hà Nội từ 4-9 tới 6-9. Ông Kerry sẽ gặp gỡ các quan chức chính phủ, đại diện tổ chức và lãnh đạo doanh nghiệp nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trong các hành động giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch.

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ John Kerry sắp thăm Việt Nam - Ảnh 1.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 2-2022 - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

Trước đó, ông Kerry thăm Hy Lạp trong 2 ngày 28-8 và 29-8 nhằm thảo luận với các quan chức chính phủ nước này về nỗ lực giảm phát thải toàn cầu, phi carbon hóa hoạt động vận tải tàu biển... Ông Kerry cũng sẽ thăm Bali, Indonesia từ 30-8 tới 1-9 để tham dự Hội nghị bộ trưởng khí hậu và môi trường G20, nơi ông sẽ gặp gỡ các quan chức chính phủ nhằm gia tăng hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nhấn mạnh tác động khí hậu tích cực của Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ.

Chuyến công du của ông Kerry sẽ là cơ hội để Mỹ tham gia các cuộc thảo luận về hợp tác khí hậu trước thềm hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập từ 6-11 tới 18-11.

Đây là lần thứ 2 trong năm nay Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Biến đổi Khí hậu John Kerry thăm Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 22 đến 25-2, Đặc phái viên John Kerry đã đến thăm Hà Nội và TP HCM nhằm tăng cường sự hợp tác của Mỹ-Việt Nam trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng sạch. Ông Kerry đã gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao khác để thảo luận về cách thức Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch. Ông Kerry cũng đã gặp gỡ các chuyên gia Việt Nam làm việc trong lĩnh vực chống lại biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân và lĩnh vực giáo dục, và các cựu chiến binh.

Trong các cuộc gặp, Đặc phái viên Kerry đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về tính cấp bách của việc thúc đẩy các nỗ lực quốc gia và toàn cầu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và tăng cường nỗ lực thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Cả hai nước đều chia sẻ quan điểm rằng những năm 2020 là thập kỷ quyết định đối với hành động vì khí hậu, như đã khẳng định tại COP26, và hai nước có ý định hành động nhanh chóng để thực hiện các chính sách giảm phát thải khí nhà kính từ các lĩnh vực, đặc biệt bằng cách đẩy nhanh đáng kể việc triển khai năng lượng tái tạo. 

Đặc phái viên Kerry hoan nghênh các cam kết của Việt Nam nhằm đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050 và loại bỏ dần việc tiêu thụ than vào năm 2040, đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu này.

Đặc phái viên Kerry hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam phê duyệt dự án năng lượng sạch mới tiêu biểu trị giá 36 triệu USD của USAID, Chương trình Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II (V-LEEP II) được Phó Tổng thống Kamala Harris công bố trong chuyến thăm Việt Nam tháng 8-2021. V-LEEP II sẽ hoạt động để thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng sạch, an toàn và theo xu hướng thị trường.

Hai bên dự định tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm:

Điều chỉnh Quy hoạch Phát triển Điện-8 của Việt Nam và Đóng góp do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam vào năm 2022 phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và loại bỏ dần dần điện than của Việt Nam;

Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả việc tiếp tục thăm dò và hiện thực hóa tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam;

Mở rộng và củng cố hệ thống truyền tải điện của Việt Nam, bao gồm cả hệ thống lưu trữ điện;

Tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng;

Xử lý khí thải mêtan từ dầu và khí đốt, chất thải và nông nghiệp;

Giảm phát thải giao thông thông qua điện khí hóa và các chiến lược khác;

Loại bỏ nạn phá rừng, hỗ trợ các giải pháp dựa vào thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học;

Cải thiện chính sách và môi trường pháp lý, bao gồm đẩy nhanh việc phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển của nước ngoài và huy động tài chính khí hậu; và

Xây dựng khả năng chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long.