Các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước chủ động đi đầu, làm nòng cốt trong áp dụng và thực hiện chuyển đổi số. Các cơ quan chính quyền thành phố cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Từ cuối năm 2020, Cảng Đà Nẵng triển khai phần mềm cảng điện tử ePort (electronic Port) và trở thành một trong những cảng điện tử đầu tiên của cả nước. Cảng Đà Nẵng là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số với việc triển khai lệnh giao hàng điện tử; thông quan hải quan điện tử; hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch không tiếp xúc, không cần đến cảng.
Phần mềm cảng điện tử (ePORT) ứng dụng những công nghệ tiên tiến của thế giới như: sử dụng robot trong nhiều công đoạn để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu sai sót do thao tác thủ công; ứng dụng thuật toán nhận dạng mã container của Hungary, tự động nhận biết số container nhập xuất tàu và tại cổng cảng... Với phần mềm cảng điện tử (ePort) và cổng container tự động, quy trình tác nghiệp của cảng Đà Nẵng đã trở nên hiệu quả hơn và tiết kiệm đến 90% chi phí vận hành.
Cảng Đà Nẵng là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số với mô hình cổng container thông minh
Ông Nguyễn Thanh Tâm, lái xe 43C-09039 nhận xét: “Trước đây, do vướng mắc nhiều thủ tục giấy tờ dưới cổng khi đi ra, đi vào gây ùn tắc. Bây giờ hệ thống điện tử nhanh lắm trong vòng chỉ có một phút là xong, rất tiện, hàng hoá giao cho khách hàng và chủ hàng đúng thời gian".
Không chỉ doanh nghiệp lớn ở Đà Nẵng sớm tiếp cận với chuyển đổi số mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở Đà Nẵng cũng ý thức rằng, chuyển đổi số là “sống còn” của doanh nghiệp, là xu thế tất yếu.
Hiện, Đà Nẵng đã có khoảng 2.500 doanh nghiệp chuyển đổi số, tăng gần 300 doanh nghiệp so với năm ngoái. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã triển khai Công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá để xác định hiện trạng hay mức độ sẵn sàng chuyển đổi số.
Qua tổng hợp kết quả tự đánh giá của 100 doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử thành phố, hầu hết điểm đánh giá của các doanh nghiệp ở mức trên trung bình, ở giai đoạn “Đang phát triển”. Tức là doanh nghiệp đã nhận thức và nắm bắt được sự cần thiết, chiến lược chuyển đổi số trong chiến lược kinh doanh, bước đầu số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh. Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, hiện có hơn 83% số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sử dụng hợp đồng điện tử, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.
Tuy vậy, hầu hết các doanh nghiệp ở Đà Nẵng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn nhân lực về chuyển đổi số còn yếu, nguồn lực về tài chính, công nghệ hạn hẹp. Vì vậy, thành phố đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Chính quyền thành phố hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số.
Các Sở, ban ngành kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Thành phố còn tổ chức các hoạt động văn phòng chuyển đổi số thành phố; Tư vấn các giải pháp hỗ trợ chuyển đối số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; Kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số.
Mới đây, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị về "Chuyển đổi số và các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp và nhà máy sản xuất". Hội thảo này thu hút sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ông Vương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Estec, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số cho biết, khi thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp sản xuất có đầy đủ các thông tin theo thời gian thực từ các khâu sản xuất đến các phòng, ban hỗ trợ cho sản xuất đến cấp điều hành và cấp Tổng Giám đốc. Từ đó, lãnh đạo của doanh nghiệp hoặc lãnh đạo của Nhà máy có thể đưa ra quyết định kịp thời, các bộ phận sản xuất đáp ứng nhanh các yêu cầu đặt ra.
Theo ông Vương Ngọc Hoàng, doanh nghiệp có thể chọn lựa việc chuyển đổi số từ những điều rất cơ bản. Ví dụ số hoá văn phòng, thực hiện việc chữ ký số, chuyển đổi toàn bộ văn bản giấy tờ sang số cho đến việc chuyển đổi số các lĩnh vực về sản xuất.
Ông Hoàng cũng cho biết thêm: “Chúng tôi giới thiệu, tư vấn các giải pháp cho doanh nghiệp có thể hình dung đánh giá, từ đó có thể lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số. Thứ hai là chúng tôi có thể triển khai các hệ thống đó và chuyển giao công nghệ hướng dẫn sử dụng cũng như là phát triển liên tục các giải pháp đó đối với các doanh nghiệp chuyển đổi số thì doanh nghiệp vượt qua được khó khăn về nguồn nhân lực hiện tại".
Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng được giao là cơ quan đầu mối triển khai đề án, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá được tình hình ứng dụng công nghệ chuyển đổi số hiện nay là ở mức nào, lĩnh vực nào mạnh, điểm nào yếu để có kế hoạch tổng thể về triển khai đổi mới công nghệ chuyển đổi số cho đơn vị mình.
"Sở cũng thông qua các sở ngành thông qua Ban quản lý khu công nghệ cao cũng hỗ trợ các doanh nghiệp thụ hưởng một số chính sách cụ thể của thành phố cũng như giới thiệu những giải pháp ứng dụng phù hợp với doanh nghiệp để mà triển khai cho đơn vị mình. Sở cũng chia sẻ lại những ứng dụng dùng chung những cơ sở dữ liệu những thông tin mà chính quyền có chính xác để cho doanh nghiệp tiếp nhận thông tin có thể là đáng giá thị trường, đưa ra chiến lược sản xuất kinh doanh của mình phù hợp hơn" - ông Thạch chia sẻ.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức hội nghị chuyển đổi số
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng khẳng định, đơn vị bám sát Đề án Chuyển đổi số để thực hiện hằng năm, từng giai đoạn. Ban Quản lý cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, giải pháp, tiếp cận và chuyển giao công nghệ.
Theo ông Vũ Quang Hùng, hiện nay các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đã bắt đầu nhận thức Chuyển đổi số để phát triển là nhiệm vụ sống còn của các doanh nghiệp nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn nhân lực, nguồn vốn, kết nối hệ sinh thái hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số.
“Về phía Ban Quản lý sẽ tìm kiếm các giải pháp kết nối, xây dựng chính sách hỗ trợ từ thành phố, từ doanh nghiệp, từ các trường đại học, viện nghiên cứu để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất" - ông Hùng cho biết thêm.
Chuyển đổi số là bước chuyển tất yếu nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từng bước nâng cao lợi thế cạnh tranh. Thành phố Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là nhu cầu cấp thiết, mang lại lợi ích nhiều hơn so với rủi ro, bất lợi và trở thành nhiệm vụ ''sống còn'' của doanh nghiệp./.