CTO VNG Nguyễn Lê Thành: "Việt Nam có nhiều lợi thế trong kỉ nguyên AI"

Chi phí điện năng thấp, hạ tầng trung tâm dữ liệu mạnh mẽ và nguồn nhân lực giỏi là những điểm sáng để Việt Nam vươn lên trong kỉ nguyên AI. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.

Trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Quỹ Golden Gate Ventures tổ chức ngày 30/10/2023, AI (trí tuệ nhân tạo) được xem là một ngành tiêu điểm để đầu tư nguồn lực và chuyển đổi toàn diện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

"Quay trở về thời điểm 14, 15 năm trước, bạn chắc chắn không thể tưởng tượng được ứng dụng TikTok, Snapchat hay Zalo sẽ tồn tại. Chúng ta đang ở một giai đoạn chuyển giao đầy thú vị khi những nền tảng như PyTorch, chat GPT… luôn được nâng cấp và cải thiện hằng ngày và cũng có nhiều lập trình viên chọn phát triển ứng dụng dựa trên những nền tảng này, họ cũng không ngừng cải thiện sản phẩm của mình. Vì vậy, AI chắc chắn là một cuộc cách mạng", ông Bryan Pelz, Nhà sáng lập, CEO của Bootloader chia sẻ tại sự kiện.

Trong phiên thảo luận "Việt Nam trong kỉ nguyên AI", ông Nguyễn Lê Thành, Phó Tổng Giám đốc Công nghệ, chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển công nghệ cho VNG và vận hành mảng kinh doanh chiến lược VNG Digital Business, nhấn mạnh Việt Nam có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực này. "Như mọi người cũng biết, hạ tầng, năng lượng và trung tâm dữ liệu là những yếu tố then chốt. Chúng ta cần điện năng để khởi chạy mô hình đúng không? Và Việt Nam là một trong những quốc gia có giá điện rẻ nhất hiện nay nếu so sánh với các nước trong khu vực, thí dụ như Singapore. Đây là một lợi thế lớn để phát triển công nghệ AI và thế hệ GPU tiếp theo ngay tại Việt Nam, cũng như tiềm năng cho kinh doanh Trung tâm dữ liệu để vận hành những hệ thống AI khổng lồ".

CTO VNG Nguyễn Lê Thành: Việt Nam có nhiều lợi thế trong kỉ nguyên AI - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lê Thành, Phó Tổng Giám đốc Công nghệ, VNG

Nguồn nhân lực giỏi với chi phí hợp lý cũng là một lợi thế lớn để Việt Nam cạnh tranh trên thị trường. Ông Nguyễn Lê Thành chia sẻ: "Mấu chốt để AI phát triển tốt ở Việt Nam nằm ở chỗ chúng ta có rất nhiều kỹ sư giỏi, nhiều phần mềm và đặc biệt hơn là chi phí nhân công của chúng ta cũng rất hợp lý".

Cùng quan điểm trên, ông Rick Nguyễn, Đồng sáng lập ExtendMe.AI cho biết, "Người Việt Nam rất giỏi toán học. Để làm tốt về trí tuệ nhân tạo, bạn cần có kiến thức toán học khá tốt. Đồng thời, chi phí khi tôi làm việc với kỹ sư Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia như Hoa Kỳ, Costa Rica. Vì vậy, có rất nhiều cơ hội cho Việt Nam để tham gia vào lĩnh vực này".

Đặt trong bối cảnh thế giới, ông Bryan Pelz cho rằng, AI khi ở giai đoạn sơ khai đòi hỏi rất nhiều dữ liệu và năng lực xử lý, nhưng ở thời điểm hiện tại, việc phát triển ứng dụng đang ngày càng ít tốn kém và nhanh hơn; như Facebook (Meta) đang giới thiệu mô hình mã nguồn mở càng khiến ứng dụng trở nên rẻ một cách khó tin. Đây cũng là cơ hội để mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với các xu hướng mới như Generative AI, theo ông Nguyễn Lê Thành, chi phí huấn luyện cũng như tham chiếu về mô hình ngôn ngữ của AI nói chung vẫn còn rất đắt đỏ. "Dù vậy, như anh Bryan nói, việc phát triển ứng dụng sẽ ngày càng rẻ theo thời gian. Về mặt nền tảng, các doanh nghiệp non trẻ có thể tái sử dụng những mô hình được thiết kế sẵn và phát triển ứng dụng trên những nền tảng đó. Và suy cho cùng, những ứng dụng AI thật sự đang hỗ trợ doanh nghiệp vận hành kinh doanh rất hiệu quả". 

"Tôi nghĩ thị trường Việt Nam tới đây sẽ xuất hiện rất nhiều các ứng dụng AI, đặc biệt là trong các lĩnh vực tiềm năng như y tế và chăm sóc sức khỏe. Tôi cũng mong rằng các nhà khởi nghiệp sẽ tập trung vào mảng AI ứng dụng nhiều hơn để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, giúp tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh", ông Nguyễn Lê Thành kết luận.