Năm nay, ngành công nghiệp công nghệ số đã tăng trưởng gần 10% so năm ngoái, với tổng doanh thu khoảng 148 tỷ USD (tương đương khoảng 3,5 triệu tỷ đồng). Hiện cả nước đã có hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng gần 10% so với năm 2021. Đặc biệt, hơn 60% số doanh nghiệp này đã chuyển trọng tâm từ gia công sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm, mang lại giá trị Việt cao hơn.
Làm thế nào để các doanh nghiệp công nghệ số trở thành động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số bằng những sản phẩm Make in Việt Nam? Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần làm gì, để tạo nên các nền tảng số Make in Việt Nam, tạo thành Hệ sinh thái chuyển đổi số cho người Việt?
Với chiến lược chuyển đổi từ gia công, lắp rắp, sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng “Make in Viet Nam”, các doanh nghiệp công nghệ số ở nước ta đang tạo nên nhiều nền tảng số phục vụ người sử dụng trong quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số, tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm phù hợp với người Việt. Khi gần 100 triệu dân, 9 triệu hộ nông dân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khoảng 800.000 doanh nghiệp, khoảng 70.000 nhà máy sản xuất, 44.000 trường học, 14.000 cơ sở y tế và khoảng 3.000 doanh nghiệp vận tải… được sử dụng những sản phẩm công nghệ số phù hợp trong cuộc sống hàng ngày, thì chuyển đổi số mới đạt các mục tiêu đề ra.
Chính phủ đã đặt mục tiêu là đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP. Điều này cũng sẽ là thách thức không nhỏ của tất cả các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số - khi là những đơn vị chủ lực sáng tạo nên các nền tảng số Make in Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA) - nhấn mạnh: "Chúng ta cần có sự hợp lực của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ban, ngành và địa phương; nhưng sẽ cần một sự tham gia đặc biệt của cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ thông tin và phần mềm tại Việt Nam, để cùng chung tay thúc đẩy chuyển đổi số.
Thế thì cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta sẽ làm gì? Thứ nhất là chúng ta sẽ nỗ lực để phát triển các nền tảng cho những giải pháp chuyển đổi số có chất lượng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tiếp theo là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu thật nhanh các công nghệ mà trong chuyển đổi số sẽ áp dụng, như trí tuệ nhân tạo, như học máy, như blockchain, thì chúng ta phải tập trung đầu tư vào đó. Điểm thứ ba là chúng ta sẽ tập trung nguồn lực, để hợp lực cùng nhau chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc".
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần chủ động tiên phong trong nghiên cứu, sáng tạo, làm chủ công nghệ. Khi chuyển đổi số dựa trên nền tảng của công nghệ số, dữ liệu số cùng các sản phẩm số do các doanh nghiệp số phát triển, thì sẽ đem tới nhiều giá trị mới, hiệu quả hơn. Để thực hiện được như vậy, các chuyên gia công nghệ cho rằng, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần nhìn nhận các thách thức và tìm cách vượt qua , để giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết: "Hạ tầng số theo chúng tôi phải là bệ phóng cho chuyển đổi số. Có thể nói rằng là trong kinh tế số, thì điện toán đám mây là một trong những hạ tầng cơ sở vô cùng quan trọng.
Chúng tôi cho rằng là nguồn lực - nhân lực số có yếu tố quyết định và vô cùng quan trọng bên cạnh hạ tầng kỹ thuật số cho việc phát triển kinh tế số và chuyển đổi số. Nâng cao năng lực về kỹ năng số và thúc đẩy việc ứng dụng dịch vụ số cũng như chuyển đổi số là điều cực kỳ quan trọng, để chúng ta có thể để trở thành một quốc gia cung cấp được dịch vụ số cho khu vực. Thế thì chúng ta cần đầu tư và xây dựng nguồn lực - nhân lực số".
Nhân lực số sẽ là yếu tố then chốt trong bất cứ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ số càng cần tập trung đầu tư phát triển nguồn lực này. Các sản phẩm công nghệ số có chất lượng, có khả năng tích hợp vào các ngành, các lĩnh vực khác nhau, tạo nên Hệ sinh thái sản phẩm số của người Việt cũng chính là trọng trách của 70.000 doanh nghiệp công nghệ số hiện nay.
Cùng với môi trường chính sách thuận lợi, các doanh nghiệp công nghệ số cũng cần chủ động thực hiện các "nhiệm vụ" Make in Việt Nam như chia sẻ của ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.
Theo ông Hy: "Chúng tôi cũng đã tham gia và xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, hay Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Cơ sở dữ liệu về công chức, viên chức và các Hệ thống thông tin nền tảng của nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đặc biệt tôi cũng muốn nhấn mạnh, có lẽ là bây giờ giải quyết thủ tục hành chính công của chúng ta đang ở một phiên bản thứ 2. Ở đây, chúng ta đã ban hành về chữ ký số cá nhân của người dân. Để tăng tốc thì các doanh nghiệp bây giờ đang cung cấp làm sao để phổ biến chữ ký số cá nhân đến người dân trưởng thành của Việt Nam.
Đây là một mục tiêu rất quan trọng. Đặc biệt chúng ta phải số hóa cái kho lưu trữ hồ sơ, thủ tục, cá nhân và người dân có thể sử dụng lại. Chúng ta muốn làm được 100% các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 chẳng hạn, thì phải thực hiện số hóa các giấy tờ hồ sơ".
Từ năm 2019 đến nay, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số được tổ chức thường niên đã đưa cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sang một giai đoạn mới: Đó là Make in Việt Nam, tức là thiết kế, sáng tạo và sản xuất các sản phẩm công nghệ số bởi chính người Việt. Nhiều sản phẩm Make in Việt Nam không chỉ thể hiện vai trò đảm nhận trọng trách chuyển đổi số quốc gia, mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Đến nay đã có hơn 1.400 sản phẩm số Make in Việt Nam đã được nhiều quốc gia sử dụng. Việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài không chỉ là mục tiêu định hướng của nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, mà đây còn là sự khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu của các sản phẩm, giải pháp phần mềm Make in Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp công nghệ số cũng rất mong muốn có thêm nhiều cơ hội kết nối, hợp tác tạo thành cộng đồng doanh nghiệp số mạnh mẽ, cùng vươn ra toàn cầu.
Ông Võ Đức Thọ - Tổng Giám đốc Công ty Hanet Technology cho biết: "Chúng tôi cũng được Bộ thông tin Truyền thông hỗ trợ trong thời gian vừa qua, để sản xuất tại Việt Nam, hợp tác với nhà máy Meiko của Nhật Bản tại Việt Nam. Chúng tôi có ước mơ năm 2023 sẽ đưa những sản phẩm trí tuệ Việt Nam này ra thị trường quốc tế. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ thêm, để cho những sản phẩm trí tuệ Việt Nam bay xa hơn".
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi số, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoạch định chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục cập nhật thông tin số liệu về các nền tảng số trên trang web MakeinVietNam.mic.gov.vn.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: "Để đồng hành cùng cộng đồng trong hành trình chuyển đổi số, thì Bộ Thông tin và Truyền thông đến nay đã hoàn thành thiết lập "Cổng thông tin điện tử về Chuyển đổi số quốc gia" tại địa chỉ dx.gov.vn. Đây là nơi cung cấp thông tin hỗ trợ người dân doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số. Trên Cổng thì có rất nhiều chuyên gia khác nhau. Đầu tiên là chuyên trang về "Cẩm nang số" dành cho tất cả mọi người.
Cơ quan Nhà nước thì có thể tìm thấy thông tin hữu ích dành cho mình tại địa chỉ tech.mic.gov.vn. Doanh nghiệp có thể tìm thấy những thông tin hữu ích tại chuyên trang smedx.mic.gov.vn. Chuyên trang giới thiệu về các nền tảng phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, ví dụ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, mở các tài khoản thanh toán trực tuyến, hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm dịch vụ số… Người dân thì có thể truy cập chuyên trang này tại địa chỉ congdanso.mic. gov.vn"./.