2022 - Một năm “tam tai” của thị trường tiền điện tử

Kết thúc năm 2021 đầy hưng phấn, năm 2022, thị trường tiền ảo “đón chào” các cú shock đau khổ mang tên Fed, Hacker, Terra Luna và FTX.

Tháng 11/2021, Bitcoin đã trải qua thời kỳ hoàng kim của nó khi đăng đỉnh ở mức giá 69.000 USD. Sau một năm, con số này tụt xuống chỉ còn 16.800 USD và vẫn chạy loanh quanh mức kháng cự này, mất tổng cộng 70% giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Đồng Ethereum cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi giá rơi tự do từ 4800 USD vào cuối năm ngoái xuống còn 1200 USD vào cuối năm nay.

Hai đồng coin nổi tiếng nhất thị trường đều rơi vào cảnh lao đao đã vẽ nên một khung cảnh “mùa đông tiền số” đầy khốc liệt. Năm 2022 được coi là một năm mà các nhà đầu tư tiền ảo khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cơn ác mộng số 1 - Hacker

Nếu năm 2021, thị trường tiền số có Poly Network, thì 2022 có vụ hack của Axie Infinity, một kỳ lân công nghệ của Việt Nam.

Ngày 23/3, hacker đã lấy đi 173.600 Ether (ETH) và 25,5 triệu USDC tương đương 625 triệu USD vào thời kỳ đó từ mạng Ronin. Khối lượng mất cắp thậm chí nhiều hơn cả 611 triệu USD của vụ hack lớn nhất 2021, đưa vụ hack Ronin Network, mà theo công ty phân tích chuỗi khối Elloptic, trở thành vụ trộm tiền điện tử lớn thứ 2 được ghi nhận.

Ronin đã ngay lập tức làm việc với các cơ quan chức năng khác nhau trong đó có FBI để đưa tên tội phạm ra trước công lý và tìm cách đảm bảo cho số tiền của người dùng không bị thất thoát.

Vào tháng 4/2022, FBI đã quy kết vụ hack cho nhóm Lazarus, được kiểm soát bởi Tổng cục Trinh sát, cục tình báo chính của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, các nhà thực thi pháp luật chỉ thu về khoảng 30 triệu USD trong số tiền bị đánh cắp và Binance đóng băng thêm 5,8 triệu USD, còn lại phần lớn tài sản vẫn nằm trong sự kiểm soát của tin tặc.

Số người chơi của Axie Infinity tháng 12/2022 đã giảm còn 468.805 người, chỉ bằng 1/5 số người chơi vào đầu năm 2022.

Quay trở lại tháng 2/2022, thị trường tiền điện tử chào đón năm mới bằng vụ hack đầu tiên, Wormhole Bridge, với số tiền mất cắp lên đến 325 triệu USD.

Nối tiếp câu chuyện trên, trải dài suốt năm 2022 là những vụ hack có thể kể đến như Nomad Bright, Beanstalk Farms, Wintermute, Mango Markets, BNB Chains,…

Số tiền bị mất cắp trong năm 2022 được ghi nhận lên đến 3 tỷ USD, trong đó 90% các vụ hack đều nhắm đến nền tảng và giao thức Defi.

Cơn ác mộng số 2 – Terra Luna

Tháng 5/2022, các nhà đầu tư tiền số nắm giữ đồng Luna và stablecoin TerraUSD (UST) đã “trắng tay” chỉ sau vài đêm khi giá trị của đồng điện tử đã mất đi 99%.

Stablecoin là tiền điện tử mã hóa được đảm bảo tính ổn định khi được gắn với giá trị tài sản truyền thống, chẳng hạn như USD.

Ngày 13/5, Luna đã giảm xuống chỉ còn 0 USD, đánh dấu sự sụp đổ đáng kinh ngạc đối với một loại tiền điện tử có thời điểm giá trị hơn 100 USD.

Sự sụp đổ của liên doanh stablecoin gây tranh cãi – Terra, đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng trên thị trường tiền điện tử, đã xóa đi hàng tỷ USD chỉ trong một ngày.

Trước đợt sụt giảm, TerraUSD có vốn hóa thị trường hơn 18,5 tỷ USD và là đồng tiền lớn thứ 10 trong thị trường tiền số.

Do Kwon, người đồng sáng lập công ty đứng sau mã tiền điện tử, Terraform Labs, đã công bố kế hoạch phục hồi trong một loạt các tweet, cho biết công ty sẽ tìm kiếm thêm nguồn tài trợ bên ngoài và xây dựng lại TerraUSD để nó được thế chấp. Điều đó có nghĩa là đồng coin này sẽ được hỗ trở bởi các khoản vay dự trữ thay vì dựa vào một thuật toán để duy trì tỷ lệ cố định 1:1 với USD.

Trong báo cáo “Ổn định tài chính” 6 tháng một lần, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Lỳ đã cảnh báo rằng các stablecoin dễ bị nhà đầu tư bán tháo vì chúng được hỗ trợ bởi các tài sản có thể mất giá trị và kém thanh khoản trong thời điểm thị trường căng thẳng.

Tòa án Hàn Quốc đã thông báo phát lệnh bắt giữ người sáng lập Terraform, Do Kwon.

Cơn ác mộng số 3 - Cục Dự trữ Liên bang (Fed)

Nói đến căng thẳng thị trường, xuyên suốt năm 2022 là những cuộc họp nhằm tăng lãi suất của Fed.

Bitcoin đạt mức cao kỷ lục gần 69.000 USD vào tháng 11/2021, với thị trường tiền điện tử chạm mốc 3000 tỷ USD, được hỗ trở bởi các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ từ các quốc gia đang cố gắng ngăn chặn thiệt hại kinh tế từ phong tỏa do Covid gây ra.

Nhưng khi xã hội mở cửa trở lại, lạm phát gia tăng buộc các Ngân hàng Trung ương phải thắt chặt lãi suất và khiến các nhà đầu tư chạy trốn khỏi các tài sản có rủi ro cao hơn - cổ phiếu công nghệ và tiền điện tử.

Công nghệ - 2022 - Một năm “tam tai” của thị trường tiền điện tử Biến động giá Bitcoin khi Fed tăng lãi suất (Ảnh: TradingView)

Tính đến ngày 14/12 , Fed đã tăng lãi suất 7 lần đưa lãi suất FFR lên 4,5%/ năm.

Cơn ác mộng thứ 4 – FTX

Cuối năm 2022, thị trường tiền số cũng không yên bình khi xuất hiện sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền ảo FTX.

Từ ngày 2/11, CoinDesk đăng một bản báo cáo tài chính không mấy khỏe mạnh của Alameda Research, cho đến ngày 11/11, chỉ trong vòng 9 ngày, CEO Sam Bankman – Fried (SBF) của FTX đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Hoa Kỳ.

Đến ngày 12/12, SBF đã bị bắt giữ và phải đối mặt với án phạt lên đến 115 năm, trong đó bao gồm nhiều tội danh như rửa tiền và lừa đảo.

Công nghệ - 2022 - Một năm “tam tai” của thị trường tiền điện tử (Hình 2). CEO Sam Bankman-Fried phải đối mặt với 115 năm tù

Câu chuyện của FTX đã gây ra rất nhiều hệ lụy trong thị trường số, mà điển hình trong đó có thể kể đến là sự sợ hãi, nghi ngờ và không chắc chắn (FUD) tăng mạnh trong cộng đồng nhà đầu tư.

Tin tức về một vụ án hình sự tiềm tàng với sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance và những nghi ngờ về chất lượng kiểm toán báo cáo về nguồn tiền dự trữ của nó đã dần dần lan tràn, thẩm thấu trong cộng đồng nhà đầu tư. Do đó, ngày 13/12, khách hàng của Binance đã rút khoảng 1,9 tỷ USD, là một trong những giá trị lớn nhất trong những năm gần đây.

Một số dự đoán cho năm 2023 (theo CoinDesk)

Công nghệ - 2022 - Một năm “tam tai” của thị trường tiền điện tử (Hình 3). Dự báo thị trường tiền số 2023 (Ảnh: minh họa)

Theo hướng tích cực, Bitcoin có thể trở nên phổ biến hơn với chính phủ các nước.

Giám đốc chiến lược của Tổ chức Nhân quyền, Alex Gladstein, đã rất bất ngờ trước số lượng các doanh nhân, lãnh đạo chính phủ các nước đến tham gia một hội nghị Bitcoin ở Ghana.Tại đó ông đã gặp những người đến từ vùng nông thôn Cameroon, từ Cộng hòa Dân chủ Congo, từ Somalia hay thậm chí từ các vùng xung đột

Haseeb Qureshin, đối tác quản lý tại Dragonfly Capital đã đưa ra một dự đoán về các sàn giao dịch lớn. Ông cho rằng khi niềm tin của nhà đầu tư thấp đi thì những công ty đầu ngành sẽ có lợi thế. Coinbase, Binance hay Uniswap có thể sẽ dành được phần lớn thị phần, vì mọi người sẽ dành ít niềm tin hơn cho những sàn giao dịch nhỏ và yếu.

Bên cạnh đó, cũng có những dự đoán tiêu cực cho năm 2023.

Đây là năm được cho là những xung đột về quy định sẽ lên đến đỉnh điểm. Laura Shin, người dẫn chương trình podcast Unchained, cho hay “Sẽ có một quy định khắc nghiệt về tiền điện tử được đề xuất và một trận chiến hoành tráng của cộng đồng để chống lại những đe dọa tiêu cực”.

Bên cạnh đó, khủng hoảng vẫn sẽ tiếp tục kéo dài, khiến nhiều công ty phải rơi vào tình trạng phá sản.

Cas Piancey, người đồng dẫn chương trình podcast Crypto Critics’ Corner cho rằng lây lan từ sự sụp đổ của FTX vẫn chưa kết thúc. Các công ty sẽ chùn bước, các quỹ tín dụng sẽ sụp đổ, chủ yếu là do sự lây lan quá lớn và quá khó để mọi người có thể định lượng.

Ronin Network (RON) được biết đến là một nền tảng Ethereum liên kết với Sidechain được tùy chỉnh và thiết kế riêng cho việc mở rộng NFT Game. Dự án được xây dựng bởi nhóm Sky Mavis của Axie Infinity – tựa Game Blockchain đầy ấn tượng của Việt Nam, công bố vào tháng 06/2020.

Hương Mai ( Reuters, CNBC, CoinDesk, Seekingalpha, Euronews, Chainbulletin)