Trong 5 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển đạt 162.400 lượt, chiếm 2,1% tổng lượng khách inbound, tăng 220% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Trong khi đó, ngày 2/6, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đón chuyến tàu biển quốc tế với hơn 2.200 khách lần đầu tiên trở lại sau 25 năm.
Những ghi nhận nêu trên là tín hiệu khởi sắc cho thị trường du lịch đường biển sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc mở cửa du lịch trở lại, các hãng tàu liên tục tái lập và tăng cường tuyến đến Singapore, Malaysia và Hong Kong (Trung Quốc), trong đó Việt Nam cũng là điểm đến không thể thiếu trên hành trình.
Sôi động
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, đại diện Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết trong 6 tháng đầu năm, đơn vị phục vụ hơn 60.000 lượt khách du lịch tàu biển quốc tế, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Mảng du lịch tàu biển quốc tế là thế mạnh của đơn vị này, chiếm gần 50% tổng lượng khách quốc tế họ đang phục vụ.
Khi vào Việt Nam, các hãng du lịch tàu biển thường chọn các tuyến theo hải trình Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, TP.HCM và gần đây là sự trở lại của tuyến Côn Đảo. Dù trong hải trình dài 8-9 ngày hay định tuyến 4-5 ngày, khách du lịch tàu biển vẫn luôn có đặc điểm đi với số lượng đông, thời gian tham quan ngắn, trung bình từ 4-8 tiếng.
Cũng theo Saigontourist, trong những năm gần đây, đối tượng khách du lịch tàu biển có sự thay đổi trên nhiều phương diện. Từ sau Covid-19, khách đặc biệt chú trọng đến dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, tinh thần, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, kết hợp gia tăng hàm lượng giá trị văn hóa, trải nghiệm tại địa phương.
LƯỢNG DU KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM BẰNG ĐƯỜNG BIỂN QUA MỘT SỐ NĂM | |||||||
Nguồn: Tổng cục Thống kê. | |||||||
Nhãn | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | 5 tháng đầu năm 2024 | |
Du khách quốc tế đến từ đường biển | Lượt khách | 264000 | 144700 | 90700 | 855 | 126100 | 162400 |
Còn ông Phạm Hà, chủ tịch kiêm CEO của Lux Group, cho biết hoạt động du lịch bằng tàu biển và du thuyền ngày càng trở nên sôi động.
"Khách tàu biển không chỉ vui chơi trên bờ, họ còn thuê những du thuyền nhỏ để khám phá cảnh quan, trải nghiệm thêm nhiều hoạt động khi ghé thăm Việt Nam", ông nói.
Trước kia, du khách chủ yếu đến từ các quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức... phần lớn là khách lớn tuổi, có mức chi tiêu cao. Hiện đối tượng khách ngày càng đa dạng quốc tịch, xuất hiện nhiều khách đến từ thị trường châu Á, trẻ hoá về độ tuổi.
Bà Võ Thị Vân, Trưởng Ban quản lý Khu Du lịch Côn Đảo, cho biết: "Sau đại dịch, Côn Đảo đón nhiều tàu du lịch quốc tế ghé tham quan, chủ yếu đến từ châu Âu. Tuy nhiên, 25 năm rồi huyện đảo mới đón chiếc tàu du lịch có số lượng hành khách lớn như Resorts World One cập bến hồi đầu tháng 6, khách tàu này lại đến từ châu Á".
Bà cho rằng đây là tín hiệu tích cực cho du lịch Côn Đảo và du lịch tàu biển Việt Nam.
Thách thức
Mặc dù ghi nhận lượng khách du lịch đường biển ấn tượng, song với ông Hà từ Lux Group, thị trường du lịch du lịch trên biển của Việt Nam chưa phát triển xứng tầm với tiềm lực. Trong đó, cơ sở hạ tầng và dịch vụ cảng biển chưa phát triển là hạn chế lớn nhất.
Cụ thể, tuy sở hữu nhiều vũng vịnh nước sâu, nước ta lại chưa có cảng chuyên về du lịch biển, chỉ Hạ Long là có cầu cảng khách quốc tế. Cầu cảng quốc tế Phú Quốc đang được xây dựng, nhưng dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Các hãng du lịch tàu biển thường chọn các tuyến theo hải trình Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, TP.HCM và gần đây là sự trở lại của tuyến Côn Đảo. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Do điều kiện về hạ tầng chưa tốt, khi đến một số điểm như Côn Đảo, tàu phải neo đậu ngoài phao, du khách sẽ được vận chuyển thêm một chặng bằng du thuyền, tender để lên bờ. Việc này gây khó khăn cho trẻ nhỏ, người lớn tuổi và du khách có hạn chế về vận động.
Tại một số cảng, khách du lịch phải đi bộ khá xa mới đến được khu vực xe đưa đón tham quan, đôi lúc tàu cập cảng phải nhường vị trí cho tàu chở hàng, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách.
Bên cạnh đó, việc tổ chức nhập cảnh tàu và khách du lịch mất khá nhiều thời gian cùng những thủ tục hành chính phức tạp gây khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành khi đón khách tàu biển. Những chuyến tàu du lịch chở theo hàng trăm đến hàng nghìn khách đa quốc tịch, thế nhưng chính sách visa của Việt Nam vẫn chưa linh hoạt, chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore.
"Mỗi tỉnh cần có cơ quan đầu mối một cửa cho hoạt động cấp phép và tổ chức tour biển đảo mới. Cần đơn giản hóa thủ tục tổ chức tour biển đảo, mở nút thắt visa để đón thêm nhiều khách quốc tế đến Việt Nam", ông Hà đề xuất.
Bên cạnh đó, vị này cho rằng Việt Nam cần xây dựng kết nối liên vịnh để khách du lịch tàu biển có thể gia tăng trải nghiệm, ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Còn đối với Saigontourist, những chiếc tàu du lịch chở theo hàng trăm đến hàng nghìn khách đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn nhưng chỉ lưu lại vài giờ đồng hồ, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
"Hiện năng lực đón khách du lịch tại một các địa phương vẫn còn hạn chế, nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ cùng lúc 2-3 tàu (mỗi tàu từ 2.000-4.000 khách) đến địa phương trong một ngày. Chúng tôi phải điều nhân sự hướng dẫn ra các điểm để phục vụ làm tăng chi phí tour", đại diện đơn vị chia sẻ.
Du thuyền cao cấp khám phá vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là một sản phẩm du lịch đường thuỷ nổi bật, thu hút đông đảo khách quốc tế. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Ngoài ra, cũng theo Saigontourist, để thu hút khách du lịch tàu biển, các địa phương cần nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, cả trên và dưới mặt nước thay vì chỉ tập trung vào các hoạt động du lịch loanh quanh ven bờ. Trong đó, những ưu đãi, khuyến khích các hãng tàu lưu đêm và đưa khách lên bờ nghỉ đêm thông qua các chương trình kích cầu như tặng vé tham quan, các suất trải nghiệm… là việc làm có thể cân nhắc.
Đơn vị này đề xuất thành lập Hội du lịch tàu biển nhằm tạo ra sự kết nối, chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các đơn vị lữ hành và doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ liên quan đến du lịch tàu biển để có thể đưa ra những đề xuất gửi đến các cơ quan quản lý có liên quan, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển, thu hút du lịch tàu biển quốc tế đến với Việt Nam trong tương lai.
Đồng tình, tiến sĩ Justin Matthew Pang, giảng viên cấp cao - Phó chủ nhiệm bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng việc nâng cao kỹ năng của đội ngũ nhân viên phục vụ và phát triển cơ sở hạ tầng như phòng chờ, bến đỗ là điều mà du lịch tàu biển cần phải cải thiện để nâng cao sức hút.
"Việt Nam cần tạo ra giá trị thương hiệu và trải nghiệm đặc biệt, đáng nhớ thông qua việc cung cấp các tour du lịch trên đất liền và quy trình rời tàu hiệu quả hơn, tìm đến những cảng phát triển để học hỏi và làm tốt hơn", ông nói với Tri Thức - Znews.
Đáng chú ý, theo tiến sĩ Pang, nhiệm vụ truyền thông và xác định tệp khách chính cũng là một hoạt động cần được chú trọng.
"70% khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 là từ châu Á và nhiều người đến từ các quốc gia này rất đam mê du lịch tàu biển. Vì vậy Việt Nam nên quảng bá du lịch tàu biển đến nhiều quốc gia châu Á hơn, đặc biệt là các thị trường đang phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Ấn Độ", ông cho hay.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.