Vì tin tưởng, nhiều người mất tiền tỷ vì sập bẫy lừa đảo

Giả mạo nhân viên ngân hàng để lừa đảo chuyển tiền, giả mạo cán bộ quân đội để lừa đảo chạy dự án... với những thủ đoạn tinh vi từ trực tiếp đến không gian mạng.

Vì tin tưởng, nhiều người mất tiền tỷ vì sập bẫy lừa đảo - VTV.VN

Giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo hàng nghìn người

Các đối tượng đều sử dụng chung một cách thức, mua các sim số điện thoại, mở tài khoản zalo, mua các tài khoản Facebook ảo, chạy quảng cáo, đăng bài trên các hội nhóm vay tiền trên mạng xã hội và chờ nạn nhân sập bẫy.

Các đối tượng chuẩn bị sẵn các mẫu hợp đồng tín dụng của ngân hàng gửi cho người dân khiến nạn nhân tin khoản vay của mình đã được phê duyệt và chuẩn bị giải ngân. Nhiều người tiếp tục chuyển tiền cho đối tượng.

Các đối tượng đóng nhiều vai, nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng, nhân viên thẩm định hồ sơ… với những kịch bản có sẵn để người dân chuyển tiền nhiều lần, số lượng lớn.

Đã có rất nhiều cảnh báo thời gian qua về những sự việc tương tự. Người dân khi có nhu cầu vay vốn nên liên hệ trực tiếp tới các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục theo đúng quy định.

Người dân tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân theo hướng dẫn của tư vấn viên hoặc của thông tin trên trang mạng xã hội mà chưa được kiểm chứng.

Vì tin tưởng, nhiều người mất tiền tỷ vì sập bẫy lừa đảo - Ảnh 1.

Lừa đảo trực tuyến tức là không gặp, không thấy mặt, vì tin mà chuyển tiền. Tuy nhiên, có cả những tình huống trực tiếp, nhóm đối tượng lừa đảo mới đây còn giả danh cán bộ Ban Nội chính Trung ương, cán bộ trong quân đội... để tạo dựng niềm tin sau đó thực hiện các hành vi lừa đảo, với lý do chạy việc chạy dự án. Những người bị hại nhẹ dạ cả tin mất từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.

Lừa đảo chạy việc, chạy dự án, chạy án

Một phụ nữ đã chuyển cho đối tượng gần 4 tỷ đồng, trong nhiều lần. Đối tượng liên tục hứa sẽ dùng số tiền này để xin giảm án tù cho 1 người thân của chị. Nạn nhân cho biết đối tượng thường xuyên giới thiệu mình có quen biết với nhiều cơ quan, cán bộ cấp Trung ương có thể nhờ được.

Một chủ doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang cũng trở thành nạn nhân của đối tượng trên. Anh đã chuyển cho đối tượng hơn 6 tỷ đồng để chạy 1 dự án tại khu dân cư phía Đông Nam, tỉnh Bắc Giang. Thế nhưng thực tế dự án này mới chỉ đang ở giai đoạn nghiên cứu.

Theo thông tin từ công an, đối tượng đã tạo ra vỏ bọc hoàn hảo để tiếp cận người dân, những người có nhu cầu. Những người dân tìm đến cũng là những người nhờ vả những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo điều tra ban đầu, đối tượng chính của đường dây này học hết lớp 12, sau đó đi nghĩa vụ quân sự hơn 1 năm.

Trở về địa phương, đối tượng đặt mua những bộ quân phục trong quân đội, gắn quân hàm thiếu tá giả, thành lập 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản để dễ dàng tiếp cận người dân.

Kết quả điều tra ban đầu của công an tỉnh Bắc Giang xác định, từ năm 2020 đến nay, đối tượng giả danh cán bộ thuộc đơn vị Tổng cục của Bộ Quốc phòng và Thanh tra Bộ Quốc phòng rồi giới thiệu mình được chuyển sang làm Phó Vụ trưởng ở Ban Nội chính Trung ương; đồng thời giả danh phó giám đốc 1 công ty để lừa đảo chiếm đoạt tiền của một số công ty, cá nhân.

Vì tin tưởng, nhiều người mất tiền tỷ vì sập bẫy lừa đảo - Ảnh 2.

Lừa đảo - đánh đúng vào yếu điểm của mỗi người dân. Đó có thể là người thân, là tiền bạc, là công danh sự nghiệp… nhưng cuối cùng vẫn là dựa vào sự thiếu cảnh giác, nhẹ dạ, và lòng tham của mỗi người. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các thủ đoạn lừa đảo các trở nên tinh vi hơn. Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức, cẩn trọng, bình tĩnh là những điều mà người dân cần làm. Ngoài ra, người dân cần phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ thủ đoạn, hành vi và tuyên truyền để mọi người cùng nắm được. Mỗi cá nhân đều là một mắt trong tấm lưới khổng lồ giăng bắt những kẻ lừa bịp.

Đại tá PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội là khách mời trong chương trình Vấn đề hôm nay sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.