CHỈ TRONG MỘT NĂM MÀ CHỒNG VÀ HAI CON GÁI CÙNG BỊ TÂM THẦN
Chúng tôi từ Hà Nội tìm về tổ dân phố 9, thị trấn Nưa của huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) theo lời cầu cứu từ một bà lão đã mấy chục năm đối diện với hoang mang, sợ hãi, buồn khổ.
Ở đây, nói là phố nhưng nhà không có số, ngõ cũng chẳng có tên nên tìm đường vào rất khó khăn, phải đi mấy quãng đồng.
Vòng vèo khá lâu và hỏi thăm nhiều người dân thì chúng tôi cũng tìm được đường vào nhà bà Hứa Thị Thanh (70 tuổi). Ngôi nhà cấp 4, cũ kỹ, lụp xụp nằm cuối một con ngõ cụt, nhỏ, hẹp.
Chúng tôi không hẹn trước, nên khi tới nơi phải chờ khá lâu thì bà Thanh mới từ phía sau vườn ra mở khóa cổng.
Ngôi nhà cấp 4, cũ kỹ, lụp xụp của mẹ con bà Thanh nằm cuối một con ngõ cụt, nhỏ, hẹp.
Hơn hai tháng, kể từ ngày chồng mất, bà Thanh vẫn sốc vì mọi thứ diễn ra quá nhanh. Rầu rĩ mời khách vào nhà, bà lão vừa đi vừa thì thầm như sợ ai nghe thấy:
"Bà cứ khóa cổng lại rồi ra sau nhà trốn vì sợ con gái, lúc nãy vừa bị ong đốt đau quá."
Trong ngôi nhà cấp 4 được làm theo kiểu cũ, có một căn phòng nhỏ hẹp, tối tăm kê vừa đủ chiếc giường là nơi bà Thanh nhốt Lê Thị Hiếu (SN 1981); ở gian chính giữa là nơi đặt bàn thờ người chồng đã mất cách đây hơn 50 ngày; dưới nền đất, Lê Thị Hòa (SN 1987) vừa lăn lóc hát, vừa nói chuyện vu vơ một mình.
"Nó (Hòa) thất thường lắm, lúc thì hát, lúc thì hét, lúc khóc, lúc cười, lúc thì đập phá đồ, lúc lại lên cơn đánh đập cả mẹ và chị luôn, chả khác gì phim chưởng. Bà sợ lắm, lúc đó cảm giác như không phải là con mình", bà Thanh kể rồi vội đưa tay lau nước mắt.
Lê Thị Hòa (SN 1987) vừa lăn lóc hát, vừa nói chuyện vu vơ một mình trước bàn thờ người cha vừa quá cố
Chúng tôi chủ động xin phép thắp nén nhang cho người đã khuất rồi mới ngồi hỏi chuyện.
Hiếu và Hòa là hai người con gái đang bị bệnh tâm thần của bà Thanh. Trước khi vào đây, chúng tôi đã được cảnh báo là Hòa "rất nguy hiểm" nên bản thân người viết khá rón rén. Thậm chí, ngồi nói chuyện vẫn phải hết sức cảnh giác, chủ động phòng thủ vì sợ Hòa có thể tấn công.
Người lớn ở vùng này, ai cũng biết bà Hứa Thị Thanh và chồng (vừa quá cố) là ông Lê Minh Thoại đều là cựu Thanh niên xung phong chống Mỹ. Hai người cưới nhau năm 1976 và sau đó sinh được 4 người con gái. Cả gia đình có tiếng là chăm chỉ làm ăn.
Thời điểm 1992 gia đình họ rời làng Mậu, xã Tân Ninh (nay là Thị trấn Nưa) đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Những năm tháng đó, trong khi nhiều gia đình còn phải ăn khoai, sắn trừ bữa thì gia đình ông Thoại, bà Thanh đã được xếp vào diện khá giả, trong tay có cả đàn bò và gần 5 hecta đất trồng keo, quế, lim, lát, tràm...
Khi mọi thứ tưởng chừng đang rất thuận lợi, tốt đẹp thì giông tố bắt đầu kéo đến rồi mang tất cả những gì họ có trở về số không. Chỉ trong năm 2001, Hiếu và Hòa cùng phát bệnh tâm thần, sau đó một thời gian ông Thoại cũng lên cơn thần kinh.
Hơn 2 năm trời vái tứ phương, hễ nghe ở đâu có thầy, có thuốc bà đều tìm đến. Kinh tế gia đình gần như kiệt quệ mà bệnh tình ba cha con ông Thoại không có dấu hiệu thuyên giảm.
Năm 2002 cả gia đình quyết định về quê, vay mượn 12 triệu, mua được căn nhà cấp 4 bỏ hoang để ở tạm. Nói là tạm nhưng cũng phải tận 2011 vợ chồng bà Thanh mới gắng gượng xây được căn nhà cấp 4 kiên cố hơn để ở như hiện tại.
Bà Lê Thị An, người hàng xóm (không khá giả gì nhưng những lúc cần đã luôn sẵn sàng chia gạo cho mấy mẹ con bà Thanh) đã cho chúng tôi biết thêm:
"Hai đứa con gái rõ xinh, ngày trước học giỏi lắm, không biết sao tự nhiên phát bệnh, dở dở, bất kể mùa đông hay mùa hè đều ra mấy cái ao làng để ngâm mình. Nhiều hôm bà Thanh nấu cơm xong mà bỏ ra ngoài là ở nhà chúng nó xới hết ra mấy cái lá nhỏ, bày đầy gầm giường rồi khấn vái."
Bà Thanh soi đèn, kiểm tra vết thương mà Hòa gây ra cho Hiếu.
Một số người dân ở đây thì tin rằng, hai cô con gái của bà Thanh bị bệnh từ những năm sống ở vùng núi là do gia đình đã đắc tội với người dân bản địa, rồi dẫn đến bị bùa ngải hãm hại.
Bà Thanh đã hơn 70 tuổi, bị suy tim độ 3, một mình ôm nỗi đau mất chồng, nỗi khổ tuổi già phải gồng gánh hai con tâm thần, và cả không ít áp lực từ những lời đồn ra đoán vào mang đầy màu sắc tâm linh.
"Giờ thì không ít người nói, bà ăn ở thế nào thì chồng con mới bị như thế...mà cũng đành chịu chú ạ. Bà không dám oán trách ai, không trách trời. Bà cũng đi cầu, khấn, đi xin khắp nơi rồi, mong cho các con tỉnh táo lại, mong cho chồng được sống lâu hơn, mà cũng không được."
Giấy tờ liên quan đến bệnh tật của 3 mẹ con bà Thanh.
‘MUỐN ĐƯA HAI CON GÁI RA BIỂN RỒI CÙNG CHẾT ĐỂ KHÔNG AI TÌM THẤY, ĐỂ KHỎI MẤT CÔNG LÀM ĐÁM MA’
Năm 2003 may mắn là tình hình sức khỏe của ông Thoại dần ổn định trở lại. Hai vợ chồng làm việc cật lực, lúc nào cũng lo chắt bóp để có tiền đưa hai con đi chữa trị. Nhưng bệnh các con chưa khỏi thì năm 2018, ông Thoại được phát hiện bị bệnh ung thư gan.
"Thà như ông ấy bị tâm thần rồi cứ sống vô lo nghĩ như các con, mà vẫn ở bên cạnh thì tôi còn được an ủi, đằng này, ông ấy bị ung thư chú ạ. Tôi đau đớn vô cùng, thấy tất cả như sụp đổ", bà Thanh kể lại trong nước mắt.
Dẫu bị bệnh rất nặng nhưng ông Thoại vẫn đều đặn vào rừng lấy nứa về đan giành, để mang ra chợ bán, kiếm từng đồng.
"Mấy đôi giành này là ông nhà tôi đan lúc còn sống, cũng chưa kịp đi bán thì ông ấy mất. Hàng ngày hai vợ chồng vào trong núi Nưa lấy nứa về đan giành để đem bán. Mỗi đôi được 22.000 đồng, cả nhà từ ăn uống, thuốc men đều trông vào đấy cả."
Bà Thanh chỉ cho chúng tôi gian bếp, nơi đang còn lại rất nhiều đôi giành mà ông Thoại chưa kịp đem đi bán.
"Ông ấy khổ đến chết cháu ạ. Bị bệnh nhưng chả nghỉ ngơi ngày nào, lúc thì đi làm ruộng, lúc thì đi đãi quặng thuê, lúc thì vào rừng lấy củi, lấy nứa... Giờ ông ấy mất cũng coi như được nghỉ ngơi, chỉ tội cho bà Thanh, sống không yên với hai đứa con gái hâm hâm dở dở", ông Lê Đình Thoang (hơn 70 tuổi) sống cùng ngõ cho biết.
Ông Lê Đình Thoang (hơn 70 tuổi) cùng vợ là bà Hiền vẫn sang "cứu" bà Thanh mỗi khi Hòa lên cơn.
Theo các giấy tờ bệnh án kết luận, bà Thanh đang bị suy tim độ 3, bên cạnh đó còn đa chấn thương do con gái gây ra.
Khi chúng tôi hỏi, động lực nào để bà cố gắng được đến nhường này? Và bà có thể chịu đựng mọi thứ đến khi nào? thì bà Thanh chỉ im lặng, nước mắt tự trào ra.
"Tôi chưa nói câu này với ai, mà chỉ giữ trong lòng thôi. Có những lúc tôi muốn đưa hai con ra biển rồi cùng chết, để không ai tìm thấy xác. Như vậy cũng không phải tốn tiền làm đám ma, khỏi phiền hà các con và làng xóm", cố kìm tiếng nấc, bà Thanh bộc bạch.
Bà Thanh khóc suốt cuộc nói chuyện. Còn Hoà thì cười nói và hát 1 mình liên tục. Hoà nằm ngay trước bàn thờ của ông Thoại. Hễ có khách đến thắp nhang bố thì Hoà thò tay, ngoắp trái cây cắn nhồm nhoàm.
Ông Lê Viết Hùng – Tổ trưởng tổ dân phố 9, thị trấn cho biết vấn đề nan giải nhất hiện tại của gia đình này là:
"Bà Thanh bị bệnh nặng, hai đứa con tâm thần thì phá phách đủ kiểu. Nhà chỉ có duy nhất một phòng nên phải chọn nhốt cô chị hoặc nhốt cô em. Nếu nhốt chung thì cô em sẽ đánh cô chị (có lúc Hòa dùng mảnh chai, dao rạch mặt Hiếu); còn nếu chỉ nhốt cô em thì cô chị bỏ nhà đi không tìm nổi; mà hiện tại, nếu không nhốt cô em lại thì sẽ rất nguy hiểm cho bà Thanh."
Căn phòng nhỏ, tối tắm này là nơi mà bà Thanh đem nhốt hay nói đúng hơn là "giấu" Hiếu đi để không bị Hòa hành hung, đánh đập.
Điều mong ước mãnh liệt cuối cùng của bà Thanh là, đưa được 2 con gái đi trị bệnh, hoặc nếu không nơi nào nhận thì mong được cộng đồng giúp đỡ xây 1 phòng kiên cố ra phía sau nhà để nhốt Hòa lại cho an tâm.
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ xin gửi về hoàn cảnh bà Hứa Thị Thanh ở tổ dân phố 9, thị trấn Nưa, Triệu Sơn, Thanh Hóa.
STK 3516205278011. Chủ tài khoản Hứa Thị Thanh. Ngân hàng Agribank CN thị trấn Nưa.
Số điện thoại bà Thanh: 0944847481
*Trong bài viết này, chúng tôi chủ động không đề cập đến hai người con gái đầu của bà Thanh vì họ có cuộc sống riêng và có nhiều điều rất tế nhị.