Sơn La là địa phương có số lượng người H'Mông chiếm hơn 15% dân số toàn tỉnh. Chính bởi vậy đặc sắc trong phong tục, lối sống sinh hoạt của người H'Mông nơi đây được thể hiện một cách rõ nét. Người đồng bào
Không gian trải nghiệm nghề làm giấy thủ công truyền thống tại nhà anh Tráng A Của.
Giấy thường được làm lúc nông nhàn đặc biệt là vào dịp Tết. Giấy chỉ làm vào mùa khô ráo, trời có nắng để phơi được giấy. Nghề làm giấy không yêu cầu kỹ thuật cao và chủ yếu là do người phụ nữ đảm nhiệm.
Giấy truyền thống của người dân tộc H'Mông thường được làm từ 3 nguyên liệu chính là vỏ cây dướng, tre non và rơm. Tất cả những nguyên liệu này đều sẵn có trong tự nhiên nơi đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống.
Mỗi chất liệu sẽ tạo ra loại giấy có đặc điểm khác nhau khi thành phẩm. Giấy rơm thường có màu vàng nhạt, có độ xốp cao, dai, mịn; giấy tre có màu trắng ngà, trên mặt nổi rõ những sợi tơ tre, bóng, mỏng, dai; giấy dướng thường có màu trắng ngà, thô, dai, dày. Giấy của người dân tộc H'Mông ở Sơn La không phải để viết mà chủ yếu làm giấy cúng nên không cần độ mịn, trắng cao.
Du khách thích thú trải nghiệm làm tranh giấy thủ công tại khuôn viên gia đình anh Của. |
Đến với Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La) trong một ngày nắng đẹp, chúng tôi được tận tay trải nghiệm nghề làm tranh giấy truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa H'Mông tại gia đình anh Tráng A Của.
Anh Của cho biết ngay từ nhỏ anh đã được học làm giấy từ bà và mẹ cho nên đến bây giờ việc làm giấy đối với anh đã rất thành thạo. Ngoài việc làm giấy bán cho bà con có nhu cầu, anh còn mở thêm không gian trải nghiệm tại gia cho du khách khi đến Vân Hồ có cơ hội được trải nghiệm nghề truyền thống này.
Dụng cụ làm tranh giấy cũng rất đơn giản, có thể tự chế ra để dùng. Dụng cụ cơ bản nhất là một cái khuôn để tráng giấy, khuôn được làm bằng vải căng trên một cái khung bằng tre hoặc bằng gỗ, mặt khuôn bằng vải bông, có độ thoáng, kích cỡ tùy thuộc vào ý định của gia đình chủ, thường khuôn sẽ có kích thước khoảng 60x120 cm. Ngoài ra còn có một nồi nấu chất liệu giấy, một cục kê và thanh gỗ để đập giấy, một chậu đựng nước pha bột giấy.
Sau khi hoàn thành đổ bột thì khuôn tranh giấy sẽ được đem ra phơi nắng. Theo kinh nghiệm của người làm giấy thì đến khi nào mặt vải lưới khô thì giấy cũng khô. Công đoạn này mất khoảng 2 tiếng chờ. |
Theo kinh nghiệm, anh Tráng A Của cho biết, để làm giấy chuẩn H'Mông thì phải trải qua 6 bước chính, bước khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất chính là bước ninh tre. Riêng công đoạn này sẽ tốn đến 10 tiếng đồng hồ, tuy nhiên gia đình anh luôn chuẩn bị sẵn các vật liệu để du khách có thể trải nghiệm luôn khi cần. Để công đoạn nấu được nhanh hơn thì trong quá trình nấu thỉnh thoảng người trông sẽ thêm tro bếp vào nồi để tre nhanh nhừ, tro cũng đóng vai trò như một chất tẩy, làm trắng.
Anh Tráng A Của chia sẻ, thời gian đầu khi mở lớp học làm tranh giấy chưa có mấy người biết đến nên ít người đến tham gia trải nghiệm. Nhận thấy việc cứ ngồi chờ khách tìm đến chẳng bằng việc mình tự tìm du khách, anh Của đã liên kết với những homestay trên địa bàn xã Vân Hồ, in giấy quảng cáo cho du khách biết đến trải nghiệm làm giấy truyền thống bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Những sản phẩm tranh giấy độc đáo được hoàn thành. |
Tranh giấy để nghiêng 45 độ, hướng về phía ánh sáng mặt trời sẽ làm nổi bật những bông hoa cài lên |
Nhờ tích cực quảng bá, số lượng khách đến trải nghiệm nghề làm giấy truyền thống tại gia đình anh Của ngày càng tăng. Anh Của cho biết có những hôm gia đình anh đón đến 4-5 đoàn khách tham gia trải nghiệm lớp học làm tranh giấy và ai cũng tỏ ra thích thú.
Những nhóm du khách có nhu cầu trải nghiệm lớp học làm tranh giấy sẽ thông báo trước để gia đình anh chuẩn bị trước và trực tiếp hướng dẫn.
Sau khi tranh giấy khô, du khách có thể đem về để làm kỷ niệm. |
Trải nghiệm quy trình làm tranh giấy truyền thống không chỉ thu hút khách du lịch trong nước mà nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến và tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm.
Anh Tráng A Của dự định tiếp tục duy trì lớp học làm giấy vừa để thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh con người, những nét đẹp, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, vừa giữ gìn truyền thống dân tộc cho thế hệ sau để càng nhiều người biết hơn về nghề làm tranh giấy của người H'Mông tại Sơn La.