Đốn hạ cây xanh là bất khả kháng
Cuối tháng 4/2024, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo thiết kế, tuyến Metro số 2 có chiều dài hơn 11km với 10 nhà ga, trong đó có 9 ga ngầm và 1 ga trên cao.
Các nhà ga ngầm, đoạn đào hở, nhà ga trên cao của dự án tuyến Metro số 2 được bố trí dọc theo các tuyến đường từ khu vực chợ Bến Thành, đường Phạm Hồng Thái, Cách mạng Tháng 8, đường Trường Chinh, nằm trong các khu vực dân cư đông đúc…
Vì thế, bên trong phạm vi nhà ga và giáp ranh dự án có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi hiện hữu, trong đó có hệ thống cây xanh cần phải thực hiện di dời để có mặt bằng phục vụ thi công các công trình chính của dự án.
Theo thống kê, có tổng cộng 453 cây xanh, chủ yếu thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh phải di dời, đốn hạ để phục vụ công tác thi công tuyến Metro 2.
Trong đó, giai đoạn 1 sẽ di dời và đốn hạ 25 cây xanh (di dời 1 cây và đốn hạ 24 cây) để phục vụ thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án (cấp, thoát nước, điện, viễn thông…). Công tác này bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2024 đến tháng 7/2024.
Giai đoạn 2 sẽ di dời và đốn hạ 428 cây xanh phục vụ thi công các nhà ga ngầm (thi công đào hở), trong đó di dời 48 cây và đốn hạ 380 cây. Công tác này dự kiến thực hiện từ năm 2026 khi các nhà ga của dự án tuyến Metro 2 được chính thức được khởi công xây dựng.
Phương án di dời/bứng dưỡng hệ thống cây xanh hiện hữu đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và thực hiện theo đúng quy trình được Sở Xây dựng ban hành và hướng dẫn.
Cũng theo Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện di dời, đốn hạ cây xanh khi làm những công trình trong thành phố, trong đó có công trình xây dựng dự án tuyến Metro 2 là sự lựa chọn bất khả kháng.
Tuy nhiên, cần phải thực hiện để có mặt bằng thi công dự án, và sau khi thi công xong công trình dự án sẽ thực hiện tạo mảng xanh và trồng lại cây xanh theo thiết kế đồng bộ với công trình Metro 2.
Về phương án thay thế, tái bố trí mảng xanh, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ tái bố trí cây xanh, mảng xanh trong phạm vi ảnh hưởng của tuyến Metro 2 một cách khoa học, đồng bộ.
Việc tái tạo mảng xanh và trồng lại cây tại các vị trí nhà ga tuyến Metro 2 hiện đã được bố trí trong dự án CTF/Quỹ công nghệ sạch do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ và được Ban Quản lý dự án công trình giao thông làm chủ đầu tư.
Dự án bao gồm các hạng mục tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại các nhà ga tuyến Metro 2 cũng như tăng cường khả năng tiếp cận của người dân khi đưa dự án vào vận hành khai thác như cải tạo vỉa hè, trạm dừng xe buýt, bãi đậu xe, cầu/hầm bộ hành... đảm bảo đồng bộ với công trình Metro 2 sau khi được hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác.
Chú trọng giải pháp tái bố trí mảng xanh
Đánh giá về việc này, TS. Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc chặt cây xanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan đô thị, môi trường,... nhưng đây là việc buộc phải thực hiện, không có cách nào khác để xây dựng tuyến đường sắt đô thị Metro số 2.
Mặc dù vậy, TS.Võ Kim Cương góp ý Thành phố cần tìm cách bù đắp lại, có thể trồng lại những vị trí bị ảnh hưởng sau khi làm xong Metro số 2 hoặc tại khu vực lân cận. Bởi hiện nay cây xanh tại thành phố đang rất thiếu nên cần phải trồng lại sau khi chặt hạ.
“Khi làm công trình lớn, việc ảnh hưởng đến cây xanh là không thể tránh được. Vào thời điểm Metro số 2 hoàn thành cũng có thể sẽ tạo ra một cảnh quan khác đẹp hơn, tốt hơn. Vì vậy không nên e ngại ảnh hưởng về mặt cảnh quan đô thị”, chuyên gia nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Cương cũng chỉ ra, cơ quan chức năng cần có những giải pháp để thay thế những cây xanh bị chặt. Ví dụ, có thể làm các dàn dây leo để tạo ra mảng xanh hoặc làm các công trình xanh, mở công viên cây xanh cục bộ trong khu vực có cây xanh bị chặt.
“Việc phát triển đô thị ở nước ta mang tính tự phát kéo dài hàng chục năm nên việc cải tạo lại rất khó, cần quỹ đất lớn để trồng lại cây xanh nhưng hiện không còn và tốn rất nhiều chi phí. Vừa phát triển đường sắt đô thị, vừa đảm bảo cây xanh sẽ gặp khó khăn hơn trong hoàn cảnh hiện nay”, ông Cương nói.
Trong khi đó, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn – chuyên gia quy hoạch và kiến trúc đô thị chia sẻ: “Vấn đề chặt cây xanh để làm các công trình, trong đó có tuyến Metro vẫn thường xảy ra. Khi thực hiện tuyến Metro số 2 phải chặt hạ hơn 400 cây thì việc sau khi chặt, chủ đầu tư phải có kế hoạch trồng lại. Tức chặt chỗ này phải trồng lại chỗ khác, hai việc này phải đi kèm với nhau chứ không thể chỉ chặt mà không trồng lại”.
Chuyên gia này cũng cho biết, hiện nay cây xanh ở thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu rất nhiều, chỉ 0,5m2/người, trong khi tiêu chí phải tăng gấp 20 lần (10m2/người). Nếu xét đến yếu tố trên thì không thể chặt hơn 400 cây xanh đợt này. Tuy nhiên, việc xây dựng Metro cũng là quan trọng nên nếu cần thiết phải chặt thì chấp nhận.
“Nếu chúng ta lấy đi cây xanh thì phải trả lại cây xanh, để thành một quy trình. Nghĩa là chúng ta đang thiếu cây xanh thì phải giữ gìn cây xanh cũ và phải trồng thêm số lượng cây xanh mới. Vì vậy, cần phải dự trù ngân sách để trồng lại cây xanh với số lượng gấp đôi. Nếu chặt 400 cây thì phải trồng lại 800 cây. Vấn đề thuộc việc quản lý đô thị nên Thành phố cần có phương án tốt nhất", KTS. Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Tương tự, TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng Thành phố cần thêm nhiều hơn nữa cây xanh, bóng mát cho người dân.
Địa bàn Thành phố có sông, rạch rất nhiều, và có các mảng xanh ven sông nên có thể tận dụng, làm các tiện ích đi kèm thì chắc chắn sẽ thu hút thêm người dân đến công viên như công viên bến Bạch Đằng hay công viên bờ sông Thủ Thiêm.