Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn thăm Việt Nam trước khi hết nhiệm kỳ

(NLĐO)- Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry cho biết Tổng thống Joe Biden rất muốn đến thăm Việt Nam.

Sáng 5-9, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã có cuộc gặp hẹp với báo chí tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn thăm Việt Nam trước khi hết nhiệm kỳ - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP HCM tiếp Đặc phái viên Tổng thống Mỹ John Kerry - Ảnh: Anh Thư

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc gặp liệu có phải chuyến thăm Việt Nam lần này là một trong những bước chuẩn bị để Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam trong năm tới, Đặc phái viên Kerry cho biết ông chưa nghe được kế hoạch cụ thể nào.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu cho biết Tổng thống Joe Biden hiện phải tập trung xử lý những vấn đề nóng trên thế giới. "Nhưng tôi biết là Tổng thống rất muốn đến (Việt Nam - PV). Tôi tin rằng ông ấy sẽ làm điều đó trước khi kết thúc nhiệm kỳ"- ông Kerry nói.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, Đặc phái viên Kerry cho biết ông trong chuyến thăm lần này, ông sẽ chia sẻ với các lãnh đạo của Việt Nam và thống nhất những cách thức mà hai bên có thể hợp tác với nhau nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 2 đến 6-9.

Ông Kerry thăm TP HCM từ ngày 2-9 tới 4-9 và Hà Nội từ 4-9 tới 6-9. Trong chuyến thăm, ông Kerry gặp gỡ các quan chức chính phủ, đại diện tổ chức và lãnh đạo doanh nghiệp nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trong các hành động giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch.

Ngày 4-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi tiếp ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, đến thăm và làm việc. Sáng cùng ngày, ông Kerry đã có chuyến đi ngắn trên sông Sài Gòn cùng một số chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Ông đặc biệt quan tâm đến những kịch bản liên quan tới mực nước biển tăng cao: Điều gì sẽ xảy ra với vùng đồng bằng sông Mê Kông? Điều gì sẽ xảy ra với sông Sài Gòn?

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP HCM luôn nỗ lực tập trung thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu - đầu tư cho năng lượng xanh. Dự án hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi năng lượng đã được TP HCM phê duyệt từ năm 2020 và trong thời gian tới sẽ cố gắng tạo ra những thay đổi sớm nhất có thể.

Ông Kerry cũng đã thăm tỉnh Bến Tre, thấy rằng khu vực này đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nước biển dâng, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân. Ông Kerry cho biết Mỹ có thể giúp Việt Nam về tài chính, về chuyển giao công nghệ và vấn đề nhân lực, trong khi Việt Nam cần phải tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trước đó, ông Kerry thăm Hy Lạp trong 2 ngày 28-8 và 29-8 nhằm thảo luận với các quan chức chính phủ nước này về nỗ lực giảm phát thải toàn cầu, phi carbon hóa hoạt động vận tải tàu biển... Ông Kerry thăm Bali, Indonesia từ 30-8 tới 1-9 để tham dự Hội nghị Bộ trưởng khí hậu và môi trường G20, nơi ông gặp gỡ các quan chức chính phủ nhằm gia tăng hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nhấn mạnh tác động khí hậu tích cực của Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ.

Chuyến công du của ông Kerry là cơ hội để Mỹ tham gia các cuộc thảo luận về hợp tác khí hậu trước thềm hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập từ 6-11 tới 18-11.

Đây là lần thứ 2 trong năm nay Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Biến đổi Khí hậu John Kerry thăm Việt Nam.