Côn Đảo không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh mà còn đặc biệt thu hút với các hoạt động trải nghiệm mạo hiểm. |
Huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong tiềm thức của tôi là một hòn đảo hoang sơ, gắn liền với yếu tố thiên nhiên và du lịch tâm linh. Đây là địa điểm thích hợp cho những hoạt động nhẹ nhàng, chậm rãi, chữa lành đúng nghĩa. Song, chuyến đi đến đảo vào giữa tháng 5 vừa qua đã mở ra cho tôi một khía cảnh đầy mới mẻ của đảo, cụ thể là loại hình du lịch mạo hiểm.
Tôi là Lê Hồ Uy Di (32 tuổi, sống tại TP.HCM). Tôi hiện là một nhà sáng tạo nội dung số mảng du lịch. Có thể nói du lịch vừa là đam mê, sở thích cũng như là công việc của tôi. Thông qua những chuyến đi, tôi mong muốn có thể lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến cộng đồng rằng mọi nẻo đường bạn đặt chân đến đều là những nơi đáng được khám phá.
Hành trình đến Côn Đảo của tôi bắt đầu từ ngày 15/5 và kéo dài đến 19/5. Ban đầu, mục đích chính của chuyến đi là tham gia lấy chứng chỉ khóa lặn căn bản (open water). Tuy nhiên, tôi rất tò mò liệu mùa hè ở Côn Đảo có thật sự "tuyệt vời" và "chữa lành" như mọi thường truyền tai nhau? Tôi quyết định dấn thân hơn vào chuyến đi, năng nổ khám phá để tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Một mình ở Côn Đảo
Nếu tìm kiếm từ khóa "Côn Đảo" trên Google hay nền tảng Instagram, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy đa phần hoạt động gợi ý đều là ngắm hiện tượng thiên nhiên như bình minh, hoàng hôn hay check-in với máy bay tại bãi Đầm cạnh đường băng của sân bay Cỏ Ống (tên chính thức là Cảng hàng không Côn Đảo)... Vốn là người ưa trải nghiệm, tôi muốn chuyến đi của mình khác biệt và đáng nhớ hơn thế.
Ngày đầu tiên của tôi tại Côn Đảo khá êm đềm. Xuất phát từ cảng Cầu Đá, TP Vũng Tàu, tàu tôi cập cảng Bến Đầm, Côn Đảo vào buổi chiều trong xanh. Tôi lựa chọn một resort nằm trong Vườn quốc gia.
Cơ sở thuộc khu vực do nhà nước quản lý nên cách khai thác du lịch rất chặt chẽ. Do đó, tôi vừa nghỉ ngơi, vừa có thể tận hưởng nét hoang sơ, đặc biệt là thiên nhiên, thời tiết cũng như hệ sinh thái đa dạng của Côn Đảo.
Côn Đảo sở hữu nét đẹp hoang sơ, thiên nhiên ngập sắc xanh. |
Tôi khởi động ngày thứ hai bằng một chuyến trekking xuyên rừng. Tour khám phá này do chính resort tôi ở tổ chức. Cung đường khá ngắn, đi tầm một tiếng là đến nơi. Băng qua một đoạn ngắn của núi Chúa, điểm đến là một khu vực cho phép du khách có thể ngắm toàn cảnh bờ vịnh đông bắc Côn Đảo.
Từ đây, tôi có thể thu hết vào mắt những sắc xanh hoàn hảo nhất của thiên nhiên ví như sắc trời, sắc biển và rừng cây. Sau khi thưởng thức sự trong lành của đảo vào ban ngày, tôi dự định sẽ ngồi thuyền ngắm hoàng hôn và lặn khám phá rạn san hô ẩn đằng sau lớp nước trong lành.
Tuy nhiên, thời tiết tại Côn Đảo vốn thất thường. Hoạt động "săn" hoàng hôn từ đó bị bãi bỏ. Đây cũng là điểm du khách lưu ý khi ghé huyện đảo.
Huyện đảo thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu thích hợp cho hoạt động "chữa lành". |
Ngày thứ ba tôi bắt đầu tham gia buổi học lý thuyết về lặn biển đầu tiên. Điểm học nằm ngay cảng. Kết thúc buổi học, tôi ghé nghĩa trang Hàng Dương, viếng mộ anh hùng Võ Thị Sáu và các anh hùng chiến sĩ - một trong số hoạt động không thể thiếu khi đến Côn Đảo.
8h30 sáng ngày thứ tư, tôi chính thức thực hành lặn, tích lũy số giờ lặn để được cấp chứng chỉ. Tôi may mắn được lặn tại khu vực có một chiếc tàu đắm. Thời tiết ngày hôm đó khá đẹp. Biển trong đến nỗi tôi có thể nhìn thấy đáy sâu 4-5 m. Sau khi lặn xong, tôi quay về bờ, thu dọn đồ đạc. 13h tôi có mặt tại cảng Bến Đầm quay về TP.HCM. Giá cho một khóa học lặn của tôi là 13 triệu đồng/người.
Ngắm xác tàu đắm
Có thể nói trải nghiệm lặn ngắm xác tàu đắm và đi tàu cao tốc là điều xuất hiện ngay trong đầu nếu ai đó bất chợt hỏi tôi về hành trình tại Côn Đảo.
Việt Nam có nhiều điểm học lặn thú vị và đẹp như Nha Trang, Phú Quốc. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mỗi một điểm đến sẽ để lại dấu ấn khác biệt. Trải nghiệm lặn cận xác tàu ở Côn Đảo củng cố quan điểm này.
Tôi luôn rất xúc động trước những gì liên quan đến quá khứ và lịch sử. Vào thời điểm thực hành lặn, tôi không nhận ra con tàu dưới lớp nước là xác tàu đắm mà chỉ nghĩ đơn thuần là một tàu đánh cá vô danh không may kẹt lại dưới đại dương. Mãi khi về đến TP.HCM, phía tổ chức lặn cho biết đó là xác một chiếc tàu chiến, thậm chí còn có ghi chép lịch sử.
Trải nghiệm lặn ngắm xác tàu chiến. |
Con tàu có tên là LCM-8 của Mỹ. Sau một con thịnh nộ từ thiên nhiên khi xưa, LCM-8 nằm lại tại vùng biển Côn Đảo. Ngày nay, vật thể này trở thành một điểm lặn thám hiểm xác tàu đắm (wreck dive) hấp dẫn cho những ai đam mê mạo hiểm, muốn khám phá đại dương.
Bên cạnh cơ hội ngắm LCM-8, tôi được trải nghiệm tàu cao tốc mới TP.HCM - Côn Đảo ở lượt về. Tuy đã lỡ mất lượt đi, nhưng tôi vẫn quyết định chọn ngồi tàu 5 tiếng, tìm kiếm điểm hay ho ở phương tiện này.
Theo tôi, tàu có 4 điểm cộng:
▸ Tàu rời bến rất đúng giờ. Chuyến tàu hôm đó tôi đi không quá đông khách. Hàng ghế trước và sau trống nhiều chỗ.
▸ Ghế của tàu Phú Quốc Express khá thoải mái. Khoang tàu rộng, ghế còn rất mới, có thể thoải mái ngã ra sau mà không phiền đến hành khách xung quanh.
▸ Tàu có bán thức ăn như mì gói, trái cây.
▸ Toilet cũng rất sạch sẽ.
Tuy nhiên, tàu vẫn còn một số điểm đáng lưu ý, đặc biệt là vấn đề đi lại của du khách sau khi kết thúc hải trình tại TP.HCM.
Cảng Hiệp Phước có lẽ xa gấp đôi khi tôi di chuyển từ nhà (quận 8) đến sân bay Tân Sơn Nhất. Điều này không phải là vấn đề nếu khu vực có thể bắt xe công nghệ. Nhưng tôi không thể bắt được một chiếc taxi nào khác để đa dạng về chi phí ngoài một dàn xe ôtô của một ứng dụng gọi xe.
Tàu cập cảng vào khoảng 18h nhưng 2 tiếng sau tôi mới về đến nhà với giá cước là 400.000 đồng. Con số này gần bằng một nửa vé tàu cao tốc đi Côn Đảo và ngược lại.
Du khách lớn tuổi hoặc thể lực yếu nên chọn phương tiện tàu bay để tiết kiệm thời gian và đảm bảo sức khỏe.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch