Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong 2 ngày (từ ngày 12 đến ngày 13/12/2023).
Trong thời gian chuyến thăm đã có 36 văn bản thỏa thuận hợp tác được ký kết. Đáng chú ý trong đó có vấn đề tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc.
Cụ thể, hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng vào thời điểm phù hợp.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng được đầu tư hiện đại hoá
Ảnh minh họa: Ara
Đồng Đăng - Hà Nội là một trong hai tuyến đường sắt vừa được nhắc đến trong văn bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam.
Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng, là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).
Đây là ga liên vận quốc tế nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, có diện tích khoảng 56.000 m2, bao gồm khu trung tâm, quảng trường ga, phòng đợi, cung đường sắt, bãi hóa trường… với 10 đường sắt đều là khổ lồng (có thể chạy được tàu khổ 1.000mm và 1.435mm).
Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Ga Đồng Đăng về đến Ga liên vận quốc tế Gia Lâm (Hà Nội) có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.
Mặc dù có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc nhưng hạ tầng cửa khẩu Ga Đồng Đăng được đánh giá là đang xuống cấp, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Đồng Đăng trong tháng 1/2022 là 200 nghìn tấn nhưng do hạn chế về năng lực đường ga và kho bãi tại các ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng và Yên Viên nên thực tế chỉ vận chuyển được hơn 80 nghìn tấn.
Chính vì vậy, vấn đề cải tạo, nâng cấp hay xây mới tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng từng được đưa ra nhiều lần trước đó.
Cụ thể, vào đầu năm 2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất quy hoạch tuyến Hà Nội - Đồng Đăng là đường sắt tốc độ cao tại văn bản góp ý dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng.
Đầu năm 2022, đại diện tỉnh Lạng sơn đã tiếp tục kiến nghị triển khai nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng thành tuyến đường sắt tốc độ cao.
Tháng 1/2023, trong buổi thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ông Trần Văn Tuấn (Phó đoàn Bắc Giang) đề nghị bổ sung dự án đường sắt điện khí hóa tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn vào danh mục ưu tiên trong các dự án quan trọng quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng cần sớm ưu tiên nguồn lực xây đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn để giảm chi phí logistics, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc.
Phản hồi vấn đề này, đến tháng 3/2023, Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt, đến năm 2030 tiếp tục duy trì, cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, trong đó bao gồm tuyến Hà Nội - Lạng Sơn từ ga Hà Nội đến ga Đồng Đăng.
Đến năm 2050, cơ bản duy trì các tuyến đường sắt hiện có, từng bước đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách của địa phương.
Như vậy, về quy hoạch, tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, bao gồm ga Lạng Sơn, đã được định hướng duy trì, cải tạo nâng cấp, từng bước đầu tư để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
Về kế hoạch đầu tư ga Lạng Sơn, Bộ GTVT cho biết, Bộ phê duyệt Dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc nhằm nâng cao thị phần vận tải, khai thác hiệu quả đường sắt hiện có, trong đó bao gồm đầu tư xây mới nhà kho khu vực ga hàng hóa Lạng Sơn.
Tàu tại ga Lạng Sơn - Ảnh: Báo Lạng Sơn
Động thái mới nhất liên quan tuyến đường sắt này là vào tháng 9/2023 khi ông Tạ Duy Hiển, Phó Giám đốc Chi nhánh Ga Đồng Đăng cho biết trên VOV về việc Bộ GTVT đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục kho bãi hóa trường trong khu vực Ga Đồng Đăng. Dự kiến hoàn thiện cuối năm 2024, dự án sẽ giúp cải thiện hoạt động vận hành của ga cũng như nâng cao năng lực xuất nhập khẩu, thu hút doanh nghiệp.
Cụ thể, ga Đồng Đăng sẽ được làm lại toàn bộ mặt bằng bãi, cải tạo khá nhiều hạng mục, đầu tư mới thêm 2 đường để thực hiện xếp, dỡ hàng hóa và xây dựng kho bãi khoảng 1.000 m2. Bên cạnh đó, cải tạo lại toàn bộ hệ thống kho cũ, xây nhà điều hành... qua đó góp phần phục vụ đáng kể cho hoạt động xuất nhập khẩu tại đây.
Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng góp phần vào vận chuyển Việt Nam và quốc tế
Ngoài tuyến Đồng Đăng - Hà Nội thì tại buổi làm việc giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng đề cập đến vấn đề nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Cả 2 tuyến đường sắt này đều góp phần quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đây là một phần trong tuyến đường sắt mới Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh mà liên danh tư vấn mới lập quy hoạch phát triển giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050.
Toàn tuyến đường Lào Cai-Quảng Ninh khổ tiêu chuẩn 1.435mm, có tổng chiều dài hơn 441km (tổng chiều dài toàn tuyến phía Việt Nam khoảng 392km), vận tốc thiết kế tối đa 160 km/giờ, với 15 đôi tàu/ngày. Tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành đầu tư tuyến đường sắt phía Việt Nam, đường sắt khổ ray 1.435mm sẽ nối thông từ cảng Hải Phòng đi Trung Quốc và châu Âu, chạy tàu theo lộ trình: Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh - Thành Đô - Lan Châu - Horgos (đi châu Âu).
Liên quan tuyến đường sắt này, tháng 10/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT lập Quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái hoặc bổ sung vào Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do Cục Đường sắt Việt Nam đang triển khai.
Được biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 3 tuyến đường sắt, trong đó:
Tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến 101km, khổ đường 1.435mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030. Trong đó, đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long dài khoảng 37 km. Tại Quảng Ninh, điểm đầu tuyến này là ranh giới Hải Phòng - Quảng Ninh, điểm cuối là phường Việt Hưng, TP Hạ Long.
Tuyến Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến 150km, khổ đường 1.435mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Ảnh minh họa: Kinh tế độ thị
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, nếu tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái được triển khai sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hoá và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.
Tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái dài 150 km là phần kéo dài của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tuyến tại TP. Hạ Long).
Trao đổi trên VnExpress ngày 10/12, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết Trung Quốc và Việt Nam đang đẩy nhanh thực hiện dự án đường sắt Hà Khẩu, Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đã bước vào giai đoạn xây dựng báo cáo tiền khả thi.
Đại sứ Trung Quốc cũng khẳng định phía Trung Quốc sẵn sàng thông qua nguồn vốn vay ưu đãi giúp Việt Nam thực hiện nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội, cũng như đẩy nhanh quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng.
https://soha.vn/tiet-lo-dong-thai-moi-2-tuyen-duong-sat-toc-do-cao-co-tiem-nang-khung-ket-noi-viet-nam-trung-quoc-20231214002628351.htm