Tiềm năng phát triển của ngành thiết kế ứng dụng di động tại Việt Nam

Bắt kịp xu hướng công nghệ, các đơn vị phát triển ứng dụng di động phản ứng nhanh với thay đổi của người dùng, ngành phát triển ứng dụng có nhiều cơ hội bứt phá xa hơn.

Việc truy cập vào những kho ứng dụng, tìm kiếm những ứng dụng mong muốn hoặc những ứng dụng mới để khám phá... là hoạt động tương tác không còn xa lạ đối với người dùng điện thoại thông minh trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Từ các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ cho đến các hoạt động phi lợi nhuận đều xây dựng và phát triển những ứng dụng độc đáo cho riêng mình. Do đó, trong những năm gần đây, lập trình và thiết kế ứng dụng di động đã trở thành một lĩnh vực, xu hướng công nghệ phát triển rầm rộ, thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận của người dùng cũng như chiến lược marketing của các doanh nghiệp.

Application (gọi tắt là app) là những ứng dụng được tạo ra và chạy trên những thiết bị di động phổ biến như điện thoại thông minh, máy tính bảng... Hiện nay, có 2 hệ điều hành phổ biến dành cho người dùng smartphone là Android và iOS, tương ứng với đó là 2 kho ứng dụng di động khổng lồ, không ngừng được cập nhật là CH Play và App Store.

Tiềm năng phát triển của ngành thiết kế ứng dụng di động tại Việt Nam - Ảnh 1.

Các ứng dụng di động được thiết kế và phát triển trong hầu hết mọi lĩnh vực

Nếu truy cập vào hai kho ứng dụng này, người dùng có thể tìm thấy rất nhiều ứng dụng di động trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ ngân hàng, giao dịch, mua sắm, sức khỏe, đánh giá chất lượng không khí, cho đến các ứng dụng học tập, giải trí, trò chơi trực tuyến... với số lượng người dùng không ngừng tăng lên.

Sự ra đời của các ứng dụng di động giúp kết nối thương mại, kích thích tiêu dùng trực tuyến, tăng tương tác xã hội và cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ trên môi trường số.

Theo các công bố mới đây, phát triển ứng dụng di động có tiềm năng trở thành trụ cột của ngành phần mềm Việt Nam. Báo cáo của DataAI & AppMagic cho biết, đến tháng 7 năm nay, với 4,2 tỷ lượt tải của các ứng dụng phát hành bởi các nhà phát triển trong nước thì Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 4 toàn cầu về lượt tải ứng dụng trên CH Play của Google.

Tốc độ tăng trưởng của ngành ứng dụng di động tại Việt Nam cũng tăng nhanh gấp 2,5 lần so với tốc độ trung bình của các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam hiện có 7 ứng dụng với số lượng người dùng trên 10 triệu người và 11 ứng dụng có từ 5 - 10 triệu người dùng.

Tiềm năng phát triển của ngành thiết kế ứng dụng di động tại Việt Nam - Ảnh 2.

7 ứng dụng tại Việt Nam duy trì số lượng tài khoản đang hoạt động trên 10 triệu

Việt Nam cũng có 4 nhà phát triển ứng dụng lọt vào bảng xếp hạng top 50 công ty toàn cầu, có nhiều ứng dụng mới vượt mốc 100.000 lượt tải xuống năm 2022. Việt Nam đã và đang nổi lên như một trung tâm dành cho các nhà phát triển ứng dụng hàng đầu.

Năm 2022, doanh thu từ tính năng mua trực tiếp các ứng dụng do Việt Nam phát triển đã tăng 20%. Dư địa để phát triển ứng dụng di động không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước. Những ứng dụng Việt thành công trên toàn cầu đã đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của người dùng quốc tế.

Nhu cầu cao, thị trường lớn là những thuận lợi để ngành thiết kế ứng dụng di động lớn mạnh. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự phát triển của hạ tầng viễn thông, sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự, sự hỗ trợ của chính sách chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia, sự phát triển của lĩnh vực này ngày càng rộng mở thì việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học sẽ giúp các nhà phát triển tạo ra những ứng dụng thông minh hơn và được cá nhân hóa hơn. Internet vạn vật cũng sẽ tạo điều kiện để những ứng dụng được tích hợp với các thiết bị thông minh như thiết bị đeo, thiết bị gia dụng, đặc biệt bộ công cụ phát triển phần mềm di động đang được xây dựng theo hướng tiện lợi hơn.