Thương nhân Trung Quốc vỡ mộng 'doanh thu triệu USD' trên TikTok shop

Bỏ cả nghìn USD đi học bán hàng trên TikTok Shop với hy vọng đạt hàng triệu USD doanh thu, nhiều thương nhân vỡ mộng.

Thương nhân Trung Quốc vỡ mộng 'doanh thu triệu USD' trên TikTok shop - Ảnh 1.

Khi TikTok đẩy mạnh mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình trên toàn cầu, ứng dụng video ngắn này đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhóm người bán: Các thương nhân Trung Quốc.

TikTok đang hy vọng những nhà cung cấp như vậy sẽ mở rộng dịch vụ bán lẻ trực tuyến giúp cho họ. Tuy nhiên, do xuất phát điểm của ứng dụng này vốn là một thiên đường cho những điệu nhảy hấp dẫn và video hát nhép đã khiến ngay cả những người bán hàng có kinh nghiệm, vốn quen với việc bán lẻ trên các nền tảng mua sắm truyền thống như Amazon.com trở nên bối rối.

Lina Pan, một thương gia Trung Quốc 46 tuổi sống ở Triều Châu, miền nam Trung Quốc, đã bán hộp đựng xà phòng và chai dầu gội thông qua một cửa hàng do cô thành lập trên TikTok. Cô đã trả 4.300 USD để tham gia một lớp học kéo dài bảy giờ, trong đó người hướng dẫn hứa sẽ tiết lộ bí mật để “kiếm được hàng triệu USD” trên TikTok.

Sau khóa học, cô bắt đầu đăng video chia sẻ các mẹo vặt gia đình, chẳng hạn như sử dụng Coca-Cola để loại bỏ vết bẩn khỏi bồn cầu và chảo rán cũng như các cách cắt dứa tiện lợi.

Tuy nhiên, “hàng triệu USD” doanh thu như được hứa hẹn đã không thành hiện thực.

Pan đã đóng cửa cửa hàng của mình sau 5 tháng cố gắng. Cô cho biết: “Bán hàng trên TikTok không dễ dàng như tôi nghĩ”.

Vào tháng 9, TikTok đã mở rộng dịch vụ thương mại điện tử TikTok Shop cho tất cả 150 triệu người dùng ở Mỹ, thị trường lớn nhất của ứng dụng, sau khi thử nghiệm dịch vụ này với một số người dùng chọn lọc trong nhiều tháng. Vào tháng 8, TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, đã bắt đầu cho phép người bán ở Trung Quốc mở cửa hàng trên ứng dụng này tại thị trường Mỹ.

Họ cũng đang thử nghiệm một mô hình kinh doanh mới là bán sản phẩm thay mặt cho các nhà cung cấp Trung Quốc, một mô hình tương tự như chương trình “Sold by Amazon” của Amazon, khiến họ phải cạnh tranh với các nền tảng mua sắm phổ biến như Shein và Temu.

Các giám đốc điều hành của ByteDance đặt cược rằng mua sắm trực tuyến, được thúc đẩy bởi thuật toán mạnh mẽ của TikTok, sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới của công ty, nhằm tăng gấp bốn lần giao dịch toàn cầu trên TikTok lên 20 tỷ USD trong năm nay từ mức dưới 5 tỷ USD vào năm ngoái.

Để thu hẹp khoảng cách văn hóa, TikTok đã chia sẻ các bản ghi nhớ với các thương nhân Trung Quốc giải thích về lối sống và thói quen của khách hàng ở Mỹ và các thị trường khác, đồng thời cung cấp các lớp học miễn phí để hỗ trợ các nhà cung cấp tham gia.

Bên ngoài công ty, một ngành công nghiệp nhỏ gồm các đại lý bên thứ ba đã mọc lên như nấm ở Trung Quốc, đề nghị giúp các thương nhân như Pan bắt đầu và thành công trong việc bán hàng trên ứng dụng. TikTok không có sẵn ở Trung Quốc và người bán Trung Quốc phải sử dụng các công cụ phần mềm che giấu địa chỉ IP của họ để truy cập vào nền tảng này.

Một số cơ quan tính phí tới 20.000 USD để tham gia các chuyến thăm các nhà máy ở các trung tâm sản xuất nổi tiếng của Trung Quốc và tham dự các buổi kết nối để có cơ hội gặp riêng với các cố vấn.

Bất chấp kinh nghiệm phong phú của Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới, các doanh nghiệp nhận thấy rằng việc bán hàng trên TikTok không đơn giản như vậy.

Học cách điều hướng hoạt động tiếp thị trên mạng xã hội, chọn đúng sản phẩm và tránh những sai lầm về văn hóa đều là một phần những thách thức mà các thương gia Trung Quốc phải đối mặt. Một số nhà cung cấp cũng cho biết lợi nhuận của họ đang bị siết chặt do mong muốn cạnh tranh với các nền tảng giá rẻ Shein và Temu trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến của TikTok.

Yang Guan, một nhà sản xuất khăn tắm và giẻ lau sàn, đã thuê một cựu nhân viên bán hàng tại chợ Phố Tơ lụa ở Bắc Kinh – một khu mua sắm nổi tiếng phục vụ khách du lịch nước ngoài – để bán sản phẩm của mình thông qua phát trực tiếp trên TikTok. Anh rất ấn tượng trước khả năng nói tiếng Anh của cô.

Sau nhiều tháng cố gắng, doanh thu từ kênh này rất yếu. Doanh nhân này cho biết, nhân viên bán hàng của anh quá truyền thống, giới thiệu sản phẩm giống như một mẩu quảng cáo thông tin.

Yang cho biết: “Người tiêu dùng trên TikTok muốn được giải trí. Một điệu nhảy K-pop có nhiều khả năng sẽ giữ họ ở lại phòng phát trực tiếp hơn”.

Liu Yiwei, người điều hành một đại lý gồm 14 người có ảnh hưởng về phong cách sống giúp các nhà cung cấp Trung Quốc bán hàng trong nước thông qua thị trường trực tuyến của Tập đoàn Alibaba, Alibaba và bên ngoài nước thông qua TikTok,cho biết, người mua hàng ở Trung Quốc đã quen với việc phát trực tiếp cho thương mại điện tử.

Tuy nhiên, trên TikTok, những người có ảnh hưởng của anh ấy cần kể một câu chuyện cười hoặc đưa ra một thông tin thú vị về cuộc sống ở Trung Quốc, bất cứ điều gì để khiến buổi phát trực tiếp trở nên thú vị hơn.

“Bạn phải đối xử với họ như những người bạn sống ở xa”, Liu nói.

TikTok đã chia sẻ các bản ghi nhớ với các nhà cung cấp Trung Quốc, hướng dẫn họ cách tận dụng những ngày lễ mua sắm truyền thống của Mỹ. Theo tài liệu mà The Wall Street Journal có được, Halloween được coi là “lễ hội yêu thích của trẻ em” và các nhà cung cấp được khuyến khích bán các sản phẩm, tóc giả và kẹo có chủ đề bí ngô.

TikTok nói với người bán rằng Thứ Sáu Đen là “ngày lễ mua sắm điên rồ nhất đối với người Mỹ”, hãy nghĩ đến việc người mua tích trữ trước Giáng sinh và các đợt giảm giá lớn. Theo bản ghi nhớ, họ đã khuyến nghị các nhà cung cấp bán các sản phẩm như lông mi giả và robot hút bụi.

TikTok cho biết họ đã đào tạo các nhà cung cấp về sở thích và nhu cầu của người dùng, đồng thời đưa ra các hướng dẫn để đảm bảo họ tuân thủ các quy định của địa phương.

“Rất nhiều quy tắc mới cần phải học”, Xiao càu nhàu. Dẫu vậy, với kinh nghiệm 5 năm bán hàng trên Amazon, anh kỳ vọng mình sẽ tránh khỏi điều này: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đây có thể là vấn đề”.

Nguồn: WSJ