Thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua chuyển đổi số

Chuyển đổi số đã và đang là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại, có mặt trong mọi lĩnh vực đời sống, xã hội.

Với tinh thần khoa học và công nghệ là một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số trong lĩnh vực này chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua chuyển đổi số - Ảnh 1.

Hoạt động giám sát được thực hiện chi tiết thông qua kết nối cơ sở dữ liệu từ các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông… tại Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Phước. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN

Làm rõ nội hàm chuyển đổi số

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, chuyển đổi số là hoạt động đổi mới sáng tạo của một tổ chức, doanh nghiệp. Chuyển đổi số có nội hàm cốt lõi là ứng dụng công nghệ số, có thể nhận diện rõ hơn khi chia thành 3 cấp độ cụ thể: Số hóa (chuyển dữ liệu Analog sang dạng số); ứng dụng công nghệ số (quá trình ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để đơn giản hóa, tối ưu hóa, tăng hiệu quả của các hoạt động, chưa thay đổi thực sự mô hình kinh doanh, hoặc tạo ra doanh nghiệp mới); chuyển đổi số (quy trình, cách thức hoạt động mới; sản phẩm, dịch vụ mới; mô hình kinh doanh mới; loại hình doanh nghiệp mới).

Trong công tác chuyển đổi số, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh chuyển đổi số công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; thực hiện cải cách hành chính đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Kế hoạch chuyển đổi số của bộ, ngành.

Cổng Thông tin điện tử của Bộ được đưa vào vận hành từ đầu năm 2017 với hàng chục triệu lượt truy cập, trung bình 1 triệu lượt xem/tháng, nhiều năm được xếp thứ hạng cao trong các cổng thông tin bộ, ngành. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống giám sát quốc gia về Chính phủ số, đáp ứng đầy đủ 18 tiêu chí chức năng theo quy định và các yêu cầu của Chính phủ trong việc triển khai thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Hệ thống một cửa điện tử đã kết nối với Cổng dịch vụ công của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng và Cổng dịch vụ công quốc gia; đáp ứng đầy đủ các quy định và tích hợp báo cáo số liệu; báo cáo tiến độ công khai trên Cổng dịch vụ công của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, tích hợp tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa; tiếp nhận và xử lý hồ sơ nộp trực tuyến từ Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thực tế, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện chính sách, thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế, trong đó có Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Sở hữu trí tuệ… Một số nỗ lực khác là việc thành lập, triển khai Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC); Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub)…, Những trung tâm này đều nhằm hỗ trợ nền tảng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đóng góp cho mục tiêu quốc gia số

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua chuyển đổi số - Ảnh 2.

Tỉnh Kiên Giang chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ, tiên phong các công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả các lĩnh vực, quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển “Chuyển đổi số” giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia tại Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.

Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép: Vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện khoa học công nghệ tại một số quốc gia phát triển...

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong nền kinh tế như: Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Đây là những chính sách quan trọng trong tiến trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn carbon thấp nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là nơi có khả năng ứng dụng nhanh nhất các kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn mang lại giá trị gia tăng và đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định được nội hàm của chuyển đổi số, quản lý nhà nước về chuyển đổi số; đưa ra các vấn đề cần giải quyết để có kế hoạch, chiến lược cụ thể triển khai hoạt động chuyển đổi số, trong đó chú trọng người dân và doanh nghiệp.