Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập với mục tiêu kết nối các chuyên gia khoa học-công nghệ Việt Nam hàng đầu trên thế giới với các nhu cầu thực tiễn trong nước nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập nhờ sự thúc đẩy ngay sau chuyến thăm làm việc tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5/2022.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thành lập mạng lưới trí thức, tài năng Việt Nam cách đây 5 năm, chỉ mới quy tụ được 100 nhân tài công nghệ. Đến nay, mạng lưới đã mở rộng tới 2.000 người ở 8 địa điểm khắp thế giới, trong đó có 2 mạng lưới tại Hoa Kỳ (bờ Đông và bờ Tây), gồm các nhân tài công nghệ, tài chính, luật, quản trị và các lĩnh vực quan trọng khác.
Theo Bộ trưởng, thống kê của World Bank cho thấy, đến nay chỉ có 12 nước vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Để làm được điều này, Việt Nam phải tận dụng được các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.
Bộ trưởng nhận định, hiện nay, thế giới đang trải qua giai đoạn điều chỉnh rất lớn, mang lại rất nhiều thách thức và cũng đi kèm rất nhiều cơ hội. Đây là lý do để thúc đẩy thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và thiết lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Phương châm là đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên (đuổi kịp ở một số lĩnh vực, tiến cùng ở một số lĩnh vực và vượt lên ở một số lĩnh vực).
Bộ trưởng cho biết sau cuộc làm việc cùng ngày, ông Cường Đỗ - một thành viên của mạng lưới, nguyên Giám đốc Chiến lược toàn cầu của Samsung, đã nhận lời làm cố vấn chiến lược cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trong lĩnh vực bán dẫn và y tế.
Tại cuộc làm việc, các thành viên của mạng lưới đã chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất các ý tưởng, chương trình và kế hoạch để mở rộng mạng lưới, huy động mạnh mẽ hơn nguồn lực từ mạng lưới, thắt chặt mối quan hệ của cộng đồng trí thức tại Hoa Kỳ với quê nhà Việt Nam, cũng như đưa ra các gợi ý chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, các ngành mới nổi.
Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta tự hào là đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện sau những thăng trầm và đột phá trong quan hệ song phương, vượt qua những khó khăn, cản trở lớn để gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, biến thù thành bạn, đưa quan hệ hai nước trở thành một hình mẫu trong trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.
Thủ tướng ấn tượng với các ý kiến tại cuộc gặp đều toát lên tinh thần tự lực, tự cường và trong tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Hoa Kỳ cũng khẳng định ủng hộ một Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".
Nhắc lại các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030 và 2045, Thủ tướng cho rằng để đạt được mục tiêu này cần có sự nỗ lực, cố gắng, đóng góp của mỗi người, kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông ta là "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
Theo Thủ tướng, người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều có điểm chung, đều là con Lạc cháu Hồng, mang trái tim Việt Nam, dòng máu Việt Nam, dù ở đâu cũng hướng về Việt Nam và trong bối cảnh hiện nay thì dù ở đâu cũng có thể giúp được đất nước.
Thủ tướng cũng chia sẻ về những những yếu tố nền tảng trong bảo vệ và phát triển đất nước, những định hướng lớn và những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội, phát triển văn hóa, đối ngoại và hội nhập. Thủ tướng nhấn mạnh rằng phải luôn trong trạng thái đổi mới sáng tạo, bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp.
Đánh giá cao việc thiết lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được nhiều người hưởng ứng, Thủ tướng cho rằng để mạng lưới lớn mạnh không ngừng, điều quan trọng là phải "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên, các bên tham gia. Đổi mới sáng tạo phải gắn với thực tiễn và phải mang lại hiệu quả cao hơn, cân đong đo đếm được. Đổi mới sáng tạo là xu thế toàn cầu, do đó phải phát huy đoàn kết quốc tế, đoàn kết trong nước để tạo ra sức mạnh.
Thủ tướng đề nghị các hoạt động đổi mới sáng tạo của mạng lưới cần tập trung thúc đẩy các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và lĩnh vực hạ tầng (gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), lĩnh vực giáo dục-đào tạo; đổi mới sáng tạo không chỉ trong phát triển kinh tế-xã hội mà cả trong sự nghiệp phát triển văn hóa, bao gồm cả công nghiệp văn hóa.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn ủng hộ, tạo thuận lợi cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo, xây dựng Quỹ đổi mới sáng tạo, hướng tới xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; mong muốn các thành viên trong mạng lưới tiếp tục đoàn kết, tạo động lực, truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo cho những người xung quanh, cống hiến cho quê hương, đất nước.