Sáng 31-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận về tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong, cho biết sau 30 năm tái lập tỉnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận quyết tâm, chung sức xây dựng và phát triển tỉnh nhà một cách khá toàn diện trên tất cả các mặt, đạt được một số thành tựu quan trọng.
Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng dẫn đầu làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận. Ảnh Châu Tỉnh
Năm 2021, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của Bình Thuận tăng 2,77%; 6 tháng đầu năm 2022 (GRDP) tăng 6,44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 13.503 tit đồng.
Bình Thuận cũng đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các dự án, các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo triển khai. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội huy động năm 2021 đạt 40.195 tỉ đồng, chiếm 46,27% GRDP.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì tốc độ và kết quả phát triển của tỉnh trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm lực, lợi thế của tỉnh. Việc thu hút các dự án đầu tư vẫn còn hạn chế; liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập; tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép còn diễn biến phức tạp.
Tỉnh Bình Thuận đang là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Ảnh: Châu Tỉnh
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, ủng hộ tỉnh Bình Thuận sớm xây dựng dự án hồ chứa nước La Ngà 3 với mục tiêu cấp hơn 1.000 triệu m3 nước tưới cho khu vực phía Nam Bình Thuận và một phần diện tích của hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Về vấn đề phát triển năng lượng, Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý Bình Thuận chú ý phát triển năng lượng sạch để tham gia vào xu hướng giảm phát thải. "Bình Thuận đang là một trong những trung tâm năng lượng cả nước, có đủ loại hình điện năng nên cần quan tâm vấn đề kiểm soát khí thải theo cam kết của Việt Nam tại hội nghị Cop 26. Trong đó cần xây dựng lộ trình phát triển điện tái tạo, khuyến khích dùng sinh khối làm nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện để giảm phát thải" – Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Nhiều bộ, ngành cùng tham gia góp ý phát triển cho Bình Thuận tại hội nghị. Ảnh: Châu Tỉnh
Về dự án hồ chứa nước La Ngà 3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, cho rằng việc đầu tư dự án này không chỉ đầu tư cho Bình Thuận mà còn cho Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông Hiệp cho biết Bộ đang tích cực phối hợp cùng tỉnh giải quyết vướng mắc chồng lấn quy hoạch hồ thủy điện La Ngâu nằm trong lòng hồ La Ngà 3. Hiện đã có đề xuất đưa thủy điện La Ngâu ra khỏi quy hoạch điện VIII, và đang tính toán đền bù triển khai hồ La Ngà 3.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng tiềm năng, thế mạnh của Bình Thuận rất lớn nhưng chưa biến thành động lực để bứt phá. Theo Thủ tướng, với lợi thế vị trí địa lý là cửa ngỏ kết nối TP HCM, Đông Nam bộ với các tỉnh miền Trung, Bình Thuận phải nhanh chóng "mở cửa bầu trời" bằng việc đẩy nhanh tiến độ sân bay Phan Thiết, mở rộng các cảng biển để phát triển tương xứng với tiềm năng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bình Thuận sớm biến tiềm năng thành động lực để phát triển nhanh, xanh và bền vững. Ảnh: Châu Tỉnh
Nhấn mạnh việc phát triển nhanh phải gắn liền với phát triển xanh và bền vững, Thủ tướng chỉ ra cần phải làm tốt bài toàn quy hoạch. Các vị trí đất trung tâm, chiến lược cần phải ưu tiên thu hút phát triển kinh tế, sản xuất để tạo sinh kế cho người dân, tạo giá trị cho xã hội, chứ không ưu tiên cho bất động sản. "Tỉnh Bình Thuận phải lưu ý để phát triển xanh, nhanh và bền vững cần phải chú trọng 5 yếu tố, đó là: tổ chức lãnh, chỉ đạo điều hành thật tốt; phát triển hạ tầng chiến lược; đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp; chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường để phục vụ phát triển xanh, nhanh, bền vững" – Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần tại hội nghị.
Đặc biệt, nêu lại vấn đề nhiều nhiệm kỳ gần đây, tỉnh Bình Thuận xảy ra tình trạng cán bộ bị xử lý, kỷ luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Thuận phải tăng cường đoàn kết thống nhất, đoàn kết toàn diện để phát triển. Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh quan tâm nâng tỉ lệ tiêm vắc xin, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch; nghiên cứu mở rộng địa giới TP Phan Thiết, xử lí tốt vấn đề tro xỉ nhiệt điện, tăng tỷ trọng phát triển năng lượng tái tạo, phối hợp cùng các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc dự án hồ chứa nước La Ngà 3…