Thu 420.000 đồng cuốc taxi 42.000 đồng: Nên cấm hành nghề tài xế “chặt chém"?

Với người vi phạm, có thể cấm hành nghề trong một khoảng thời gian nhất định đủ để họ thấy việc "chặt chém" ảnh hưởng to lớn đến “nồi cơm” như thế nào, thậm chí cấm hành nghề vĩnh viễn. Có như vậy mới răn đe được những người có ý định “chặt chém”

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tố tài xế taxi "ăn chặn" tiền của khách người Nhật Bản. Lái xe taxi bị tố lấy 420.000 đồng tiền cước taxi của 2 sinh viên người Nhật, trong khi đồng hồ chỉ hiển thị 42.000 đồng với đoạn đường từ một ngân hàng trên đường Trần Quang Khải (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) đến phố Lý Thường Kiệt (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm). Hiện công an quận Hoàn Kiếm đang chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra làm rõ.

Đây không phải là đầu xảy ra những vụ “chặt chém” du khách ngay ở Thủ đô, mà tình trạng này đã xảy ra trong một thời gian khá dài. Từ cách đây gần 10 năm, có trường hợp lái xe, xích lô chặt chém khách du lịch nước ngoài đến nỗi người đứng đầu ngành Du lịch phải đến tận nơi ở của du khách để xin lỗi. Hàng loạt các vụ “chặt chém” khách liên tiếp xảy ra ở Thủ đô, thậm chí sau chèo kéo khách không thành có lái xe của hãng taxi Hoàn Kiếm ở bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) đã dùng ô và thẳng tay hành hung 3 nữ khách…

Thu 420.000 đồng cuốc taxi 42.000 đồng: Nên cấm hành nghề tài xế “chặt chém? - Ảnh 1.

Du khách bức xúc trước hành vi “chặt chém” của lái xe taxi

Không chỉ du khách bị “chặt chém”, mà ngay những người sống ở Thủ đô đến mấy chục năm như tôi cũng từng nhiều lần bị “chặt chém”. Có lần trời mưa to, tôi gọi tắc xi đoạn từ cơ quan về nhà khoảng 4-5 km, bình thường hết 50.000-60.000 đồng nhưng đã bị tài xế chém đến 150.000 dù đồng hồ chỉ 60.000 đồng. Khi tôi thắc mắc thì tài xế rất tỉnh bơ rằng, trời mưa không phải tài xế nào cũng sẵn sàng chở khách, nên phải thông cảm, nếu không chở tôi thì họ chở người khác cũng giá như thế.

Hay lần khác, tôi cùng một đoàn khách nước ngoài đi một đoạn đường từ Bà Triệu đến Nguyễn Chí Thanh. Trên xe, tôi không dùng tiếng Việt để nói chuyện với khách nên gần nửa tiếng sau khi di chuyển, nhìn ra đường phố, tôi thấy tài xế vẫn loanh quanh mấy phố Phan Bội Châu, Lý Thương Kiệt. Khi tôi hỏi thì lái xe mới giật mình vì biết tôi là không phải là người nước ngoài, đành phân bua “muốn chở khách đi ngắm cảnh Hà Nội”. Cuối cùng, đoạn đường dài khoảng 4km mà tôi phải thanh toán số tiền của gần 20km theo kim đồng hồ.

Thật sự, đây là một thói quen rất xấu không chỉ của lái xe mà của nhiều người kinh doanh ở Hà Nội. Đôi khi họ bán hàng theo kiểu “nhìn mặt hét giá”, kể cả khách là người ở Hà Nội lâu năm nhưng nếu mặt có vẻ “lơ ngơ” là được người bán “chỉ định” ngay giá trên trời.

Những hành động này tuy chỉ là của một bộ phận nhỏ những lái xe, người kinh doanh ở Hà Nội nhưng đã khiến cho khách du lịch có cái nhìn méo mó, thiếu thiện cảm về môi trường du lịch ở Hà Nội. Và đây cũng là yếu tố mà du khách không muốn quay lại, hoặc có những phản hồi không tốt khiến những người có ý định đến Hà Nội tham quan, du lịch phải đắn đo, cân nhắc.

Điều đó cũng dễ thấy qua thực tế tại các điểm du lịch ở trong nước, nơi nào môi trường du lịch văn minh, thân thiện thì thu hút rất đông du khách và ngược lại. Điển hình như Đà Nẵng được mệnh danh là thiên đường du lịch, thành phố đáng sống quả không sai. Du khách đến đây rất đông không chỉ bởi phong cảnh mà một yếu tố không kém phần quan trọng là an ninh trật tự và con người Đà Nẵng. Ai đã đến Đà Nẵng đều chung cảm nhận người dân ở đây rất thân thiện, cởi mở, hiếm có hiện tượng chặt chém, chèo kéo du khách. Thậm chí, mỗi người dân, lái xe còn là một hướng dẫn viên du lịch khiến du khách khó lòng từ chối những điểm tài xế giới thiệu khám phá về quê hương của họ.

Ngay tại Thủ đô-trái tim của cả nước, càng không thể để những hình ảnh xấu xí, trong đó có việc chặt chém, khiến du khách ái ngại và không muốn quay trở lại. Nhất là lại trong thời điểm sau hơn 2 năm dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch, ngành Du lịch và các các cấp các ngành liên quan đang ra sức phục hồi nền du lịch thì càng không thể để hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” tiếp tục tái diễn.

Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để, một phần chưa có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Chỉ khi du khách bức xúc “tố” trên mạng xã hội thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, xử lý theo kiểu vụ việc, nên chưa tạo được sự răn đe.

Vậy nên, cần phải có những biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa để chấm dứt những hành động “chặt chém” phản cảm ngay giữa Thủ đô. Trước hết, với những người vi phạm, nên cấm họ hành nghề trong một khoảng thời gian nhất định đủ để thấy việc vi phạm ảnh hưởng to lớn đến “nồi cơm” của họ như thế nào, thậm chí cấm hành nghề vĩnh viễn. Có như vậy mới có thể răn đe những tài xế có ý định hoặc đã và đang “chặt chém” du khách nhưng chưa bị phát hiện, xử lý.

Cùng với đó, trên mỗi phương tiện hành nghề, bắt buộc phải ghi rõ số liên lạc của cơ quan công an, đơn vị giải quyết “nóng” việc chặt chém, để mỗi khi xảy ra sự việc, du khách có thể kết nối ngay được để giải quyết, không để họ bức xúc đưa lên mạng xã hội vừa lan truyền thông tin ảnh hưởng đến du lịch, vừa không “trỏ” được đến đúng địa chỉ có thể giải quyết bức xúc của du khách.

Và quan trọng hơn là việc tuyên truyền, giáo dục tài xế của mỗi hãng xe hoặc người được cấp phương tiện hành nghề về ý thức, trách nhiệm đối với du khách, với địa điểm hành nghề. Việc này chỉ đơn giản là phát triển du lịch, giữ chân du khách mà còn là gìn giữ, quảng bá hình ảnh, bộ mặt của đất nước và con người Việt Nam./.