Anh phát hiện biến chủng đậu mùa khỉ mới
Theo Sky News, cơ quan an ninh y tế Vương quốc Anh, bệnh nhân mắc biến chủng đậu mùa khỉ mới đã được đưa vào khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Đại học Hoàng gia Liverpool. Các quan chức y tế xác nhận đây là biến chủng đậu mùa khỉ thứ hai được phát hiện ở Anh.
Cơ quan nói trên thông tin, bệnh nhân là người gần đây đã đi du lịch đến Tây Phi và được chẩn đoán mắc chủng bệnh đậu mùa khỉ khác với chủng đang lưu hành hiện nay. Các chuyên gia đang thực hiện thêm xét nghiệm để xác định xem biến chủng này đã từng xuất hiện ở Anh hay chưa.
Ngoài ca mới phát hiện, cơ quan y tế Anh nói chưa ghi nhận thêm ca nào khác mắc biến chủng mới ở nước này, tính đến 1/9.
Anh khuyến cáo bất cứ ai đi du lịch đến Tây và Trung Phi cần cảnh giác với các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm thân nhiệt cao, đau đầu, đau cơ và lưng, sưng hạch, rùng mình và kiệt sức. Các tổn thương và vết loét ở bộ phận sinh dục hoặc miệng cũng đã được xác định là triệu chứng của virus đậu mùa khỉ. Một số triệu chứng nghiêm trọng đến mức bệnh nhân phải nhập viện.
Bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở khoảng 70 quốc gia với hơn 50.000 người mắc bệnh. Một số trường hợp tử vong cũng đã được báo cáo.
Anh phát hiện biến chủng đậu mùa khỉ mới vài ngày sau thông tin nước này phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt 100.000 liều vắc-xin, vì cơ quan an ninh y tế chưa đánh giá đầy đủ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Anh hiện đang thí điểm kế hoạch phân phối lượng vaccine theo giai đoạn nhằm "kéo giãn" kho dự trữ.
Trước đó, bệnh đậu mùa khỉ có hai biến chủng chính là Clade I và Clade II, tương ứng được biết đến là biến chủng Lưu vực Congo và Tây Phi.
Clade II có hai chủng phụ, Clade IIa và Clade IIb. Clade IIb là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch bùng phát trên toàn thế giới trong năm 2022.
Theo The Telegraph, trong khi Clade II có tỷ lệ tử vong thấp là 1/100 thì Clade I có tỷ lệ tử vong cao hơn, 1/10. Biến chủng mới phát hiện có thể là nhánh phụ của chủng I hay II hoặc một nhánh khác biệt thứ ba.
Khan hiếm vắc-xin đậu mùa khỉ?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính sẽ cần 10 triệu liều vắc-xin để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất, với trọng tâm hiện nay là những người quan hệ đồng tính nam và tiếp xúc với người mắc bệnh.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch đậu mùa khỉ, giới chức y tế cho biết sự phụ thuộc vào nguồn vắc-xin khan hiếm và những hoài nghi về tác dụng của vắc-xin đang cản trở những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus đậu mùa khỉ trên toàn cầu, trong bối cảnh bệnh này lần đầu tiên lan ra hàng chục quốc gia.
Hiện chỉ có khoảng 1,5 triệu ống vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ của công ty Bavarian Nordic (Đan Mạch) đã được sử dụng hoặc đang được dự trữ tại 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, chiếm gần 90% tổng số ca nhiễm. Phần lớn số vắc-xin này đang ở Mỹ.
Con số này dựa trên thống kê của hãng tin Reuters từ các tuyên bố của chính phủ cho thấy mức độ thiếu hụt nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính sẽ cần 10 triệu liều vắc-xin để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất, với trọng tâm hiện nay là những người quan hệ đồng tính nam và tiếp xúc với người mắc bệnh.
Thống kê cho thấy hơn 40.000 người đã bị mắc đậu mùa khỉ trong năm nay. Khoảng 10% trong số này đã nhập viện với cơn đau nghiêm trọng và 12 người đã tử vong. WHO sau đó đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vì đậu mùa khỉ - mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.
Các chuyên gia đang quan ngại việc các nước giàu coi vắc-xin là tuyến phòng thủ đầu tiên, trong khi việc thay đổi hành vi, công tác xét nghiệm và truy vết tiếp xúc cũng đóng vai trò quan trọng. Số ca nhiễm mới tại Anh, Tây Ban Nha và Đức dường như đang ở mức ổn định. Các chuyên gia nhận định nguyên nhân là do sự thay đổi hành vi ở những nhóm có nguy cơ cao.
Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Ứng phó đại dịch Cornell (Mỹ) Jay Varma nêu rõ chiến lực kiểm soát đầu tiên chính là thay đổi về hành vi, theo đó yêu cầu những người có nguy cơ cao giảm các hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, như quan hệ tình dục với người lạ, thay vào đó, chuyển sang những hành vì giúp giảm nguy cơ như sử dụng bao cao su, kiểm tra cơ thể xem có các vết mẩn ngứa hay không trước khi quan hệ tình dục.
Một số nước, trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Tây Ban Nha đang triển khai thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của vắc-xin và hiện chưa rõ khi nào mới có kết quả.
Theo WHO, chỉ có 40% quốc gia bùng phát đậu mùa khỉ tiếp cận được với vắc-xin. Brazil và Peru, 2 trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất, chưa được tiếp cận sản phẩm này dù đàm phán vẫn đang diễn ra và dự kiến vắc-xin sẽ được bàn giao trong năm nay. WHO đang nỗ lực thiết lập một cơ chế phân phối công bằng, nhưng lại không tiếp cận được mặt hàng này.
Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ
Hiện nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe
Trúc Chi (t/h theo VTC News, Vietnam+)