Thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua mạng được các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông thường xuyên cảnh báo, về những phương thức thủ đoạn tinh vi của đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn sập bẫy lừa đảo qua mạng và hệ quả là “tiền mất tật mang”.
Vụ việc của chị N.T.T. huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông là một ví dụ. Giữa tháng 8/2023, chị N.T.T. nhận được một lời mời kết bạn và tin nhắn từ một tài khoản mang tên Tiến Linh. Sau đó, đối tượng giới thiệu 1 đường link và nói sẽ tạo điều kiện để chị T. tăng thêm thu nhập. Đối tượng này hướng dẫn chị N.T.T. đăng ký tài khoản và sẽ được hưởng lợi nhuận hằng ngày, với lãi suất 5%. Tiền gốc và tiền lãi thì 3 tháng sẽ được nhận lại hoàn toàn.
Tin tưởng, chị N.T.T. làm theo hướng dẫn và đăng ký tài khoản bằng số điện thoại cá nhân đồng thời nộp tiền. Từ ngày 12/9 đến ngày 16/10, chị T. đã chuyển tổng cộng 13 lần vào số tài khoản được cung cấp trên đường link với tổng số tiền hơn 2,4 tỉ đồng.
Ngày 16/10, chị T. tiến hành rút tiền nhưng không được, đường link trên cũng không truy cập được. Tài khoản facebook “Tiến Linh” cũng chặn liên lạc với chị. Lúc này, chị T. biết mình đã bị lừa đảo nên làm đơn trình báo cơ quan công an.
Trước đó, tháng 7/2023, ông Trần Văn D. (SN 1968, ngụ ấp Bàu Vừng, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0898127... của một người phụ nữ xưng là nhân viên của Trung tâm tổ chức sự kiện Google Việt Nam.
Người phụ nữ này thông báo: "Chú đã được trúng thưởng giải nhất là 1 chiếc điện thoại của hãng Apple đời mới nhất iPhone 14 Pro, trị giá 27.999.000 đồng. Việc quay số là ngẫu nhiên dựa trên số điện thoại di động thuê bao của khách". Sau đó, người phụ nữ này yêu cầu ông D. chuẩn bị 2.799.000 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân để gửi trả cho Trung tâm khi nhận thưởng".
Khi ông D. trả tiền, nhận bưu kiện và mở gói quà ra xem thì tá hỏa khi bên trong bưu kiện không phải là chiếc iPhone 14 Pro mà là 1 chiếc điện thoại đã cũ và không mở nguồn được. Biết mình đã bị lừa, ông D. đến Công an huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) trình báo.
Cũng vào đầu tháng 8/2023, Công an TP. Hà Nội bắt giữ 8 đối tượng, trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn tặng quà là điện thoại iPhone 14 Pro Max, với số tiền các bị hại bị lừa từ 200 nghìn đến 6 triệu đồng…
Có thể thấy, dù cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo, tuy nhiên không ít người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, nhiều trường hợp vì hám lợi cộng với thiếu hiểu biết về pháp luật, nên đã thực hiện các giao dịch ngân hàng qua mạng (internet banking) với đối tượng lạ và sập bẫy lừa đảo.
Đáng nói, giữa thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, người dân dễ dàng sở hữu thiết bị công nghệ (smart phone, laptop, ipad…), nhưng việc chưa am hiểu nhiều về kiến thức công nghệ đã dẫn đến việc dễ bị đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, loại tội phạm công nghệ cao thường dùng thủ đoạn tinh vi, đa dạng về phương thức và đánh trúng vào tâm lý của bị hại.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến ở nước ta tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 38% so với 6 tháng cuối năm 2022. Con số này cho thấy, tình trạng lừa đảo trực tuyến đang có diễn biến phức tạp và cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra những giải pháp tối ưu.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân khi sử dụng mạng xã hội cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Theo đó, người dân không nên kết bạn với người không quen biết, không nghe điện thoại khi thấy số điện thoại có đầu số lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài 0099, 0055...nếu nghe điện thoại của người lạ thì không được làm theo hướng dẫn.
Đồng thời, không truy cập vào các đường link do người lạ cung cấp. Không cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng,… cho bất kỳ ai, khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Không chuyển tiền, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai. Cùng với đó, cần gọi điện thoại xác nhận nếu người đó là người thân, bạn bè nhằm tránh trường hợp người thân, bạn bè bị ăn cắp tài khoản. Khi thấy có biểu hiện nghi vấn, người dân cần đến báo ngay cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý.