Giai đoạn này "rất khó khăn”
Mới đây, phát biểu cuối phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với tư cách Trưởng ban soạn thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề cập đến khó khăn trong tổ chức bộ máy của Bộ.
Trước đó, khi cho ý kiến về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), các ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều băn khoăn về nhiều nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung. Một số chính sách mới Ban soạn thảo được đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng hơn.
"Trước đây khi làm Tổng Kiểm toán nhà nước, 5 năm tôi chỉ sửa một bộ luật đã thấy rất vất vả, nhưng sang đây là 13 bộ luật, chưa kể là thông tư, nghị định, liên tục phải đọc, phải tổ chức hội nghị, nghiên cứu, tiếp thu", ông Phớc chia sẻ.
Nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế rất vất vả, người đứng đầu ngành tài chính nêu thực tế "bộ máy hiện nay rất khó khăn, một số anh em xin nghỉ việc nhiều, kể cả vụ phó cũng xin nghỉ việc, trưởng phòng cũng xin nghỉ việc, tôi phải gặp và động viên suốt".
Bộ trưởng kể, ngay chiều 18/9, ông cũng phải gặp một trưởng phòng của Cục Quản lý giá để tìm cách giữ vị này lại. Ông đã nói với nữ trưởng phòng này là "em đã làm ở Bộ Tài chính 20 năm rồi, có 2 bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ rồi, giỏi tiếng Anh, bây giờ em bỏ việc thì em làm gì?". Và câu trả lời của cô ấy là "em không làm gì, em chỉ nghỉ thôi".
"Tôi hỏi là nếu cô ở lại tôi có thể chuyển cô sang bộ phận khác ít rủi ro hơn, nhàn hơn thì cô ấy bảo nếu anh nói thế thì hóa ra em phản bội anh em, bây giờ Cục khó khăn em lại chuyển đi cục khác, em chỉ xin về thôi".
Nhấn thêm một lần là giai đoạn này "rất khó khăn", song Bộ trưởng Phớc vẫn khẳng định sẽ hết sức nỗ lực để hoàn thành được nhiệm vụ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao, Quốc hội giao cho. Cũng liên quan đến nguồn nhân lực khu vực công, giai đoạn này, có lẽ không chỉ riêng Bộ Tài chính gặp khó.
Trong tham luận gửi tới Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022 vừa diễn ra, Bộ Y tế đánh giá, hiện nay nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế cho biết báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 01/01/2021 - 30/6/2022 trên cả nước cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác).
Trong số này có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Phân tích của Bộ Y tế cho thấy trong 8.810 nhân viên y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các tỉnh, thành phố xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập có 2.795 bác sĩ, 2.640 điều dưỡng, 499 kỹ thuật y, 270 hộ sinh, 544 dược sĩ và 2.050 nhân viên khác.
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: Tp.HCM (2.035), Tp.Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (368), An Giang (297), Long An (266), Tp.Đà Nẵng (248), Tp.Cần Thơ (238), Đồng Tháp (204).
"Nhân lực y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập tập trung chủ yếu ở các cơ sở y tế thuộc tuyến tỉnh, thành phố (4.477/8.810) và ít hơn ở tuyến huyện và tuyến xã; có ở tất cả các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng", Bộ Y tế cho biết.
Cũng theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có 870 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, trong số đó có 299 bác sĩ, 234 điều dưỡng, 52 kỹ thuật y, hộ sinh 6, dược sĩ 49 và 230 viên chức khác.
Một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao là các đơn vị đóng trên địa bàn Tp.HCMvà các thành phố lớn như: Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (134 người), Bệnh viện Thống Nhất (86 người), Bệnh viện TW Huế (63 người), Bệnh viện Bạch Mai (60 người), Bệnh viện Đa khoa TW Quảng Nam (59 người), Bệnh viện Chợ Rẫy (48 người).
Cũng tại báo cáo này, Bộ Y tế cho biết thêm, đối với công chức cơ quan Bộ Y tế: Tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022, Bộ Y tế có 19 công chức nghỉ thôi việc theo nguyện vọng. Bác sĩ ra trường làm ở đơn vị y tế công lập, thu nhập chỉ gần 4,9 triệu; trong khi ngoài công lập cao gấp từ 3-6 lần.
Bộ Y tế nêu 4 lý do dẫn đến việc gần 9700 nhân viên y tế xin thôi việc
Về lý do dẫn đến việc 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế công lập, theo Bộ Y tế có 4 nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do áp lực công việc cao. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như Tp.HCM và một số tỉnh phía Nam.
“Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế”, Bộ Y tế cho hay.
Thứ hai, do thu nhập thấp. Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Bộ Y tế cũng cho rằng do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng bị giảm đi, dẫn đến thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh, thâm chí nhiều đơn vị được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên không có kinh phí để chi trả lương nên đã chậm chi trả lương cho nhân viên y tế.
“Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc, tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn”, Bộ Y tế nhận định.
Thứ ba, do áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thời gian qua dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng.
“Thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường, kể cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn”, báo cáo của Bộ Y tế nêu.
Thứ tư, do áp lực của xã hội, gia đình và người thân. Các cán bộ, viên chức y tế cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn mặc ở, lo lắng các chi phí về điện nước, học hành ngày càng cao do sự gia tăng giá cả nên khi mức thu nhập đối với nhân viên y tế công lập thấp trong khi công việc lại quá tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng...
Cần thêm những “thỏi nam châm” để “giữ chân” người tài
Trước “làn sóng” dịch chuyển bác sĩ từ y tế công lập sang tư nhân đang diễn ra trên cả nước, cuối tháng 5/2022, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam đã tập hợp các kiến nghị của cán bộ, công nhân, viên chức ngành y tế để gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong đó có kiến nghị chính sách viện phí phải được tính đúng, tính đủ chi phí để đảm bảo duy trì hoạt động của các bệnh viện, trong đó có chi phí đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế. Công đoàn ngành Y tế Việt Nam kiến nghị lương khởi điểm của bác sỹ tương đương bậc 2 là 2,67. Bộ Y tế cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập…
Trên các diễn đàn hiện nay, câu chuyện bác sĩ bỏ bệnh viện công, chuyển đến bệnh viện tư cũng như tâm tư của người trong cuộc đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Các kiến nghị, nguyện vọng gửi đến các cấp, ngành, cơ quan liên quan đã được tiếp nhận, từng bước điều chỉnh. Những tín hiệu tích cực này cần được thông tin, tuyên truyền tới đội ngũ y, bác sỹ trong hệ thống y tế công lập. Về phía ngành y tế và từng đơn vị, cần tiếp tục định hướng về những lợi thế của hệ thống y tế công (môi trường tốt để học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn), khơi dậy trách nhiệm xã hội, sự cống hiến của lương y đối với công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân để trước mắt là “hạ nhiệt” sự dịch chuyển, xa hơn là tạo sự phục hồi nhân lực.
Mới đây, trong cuộc gặp gỡ với các nhân viên y tế do Tp.HCM tổ chức, chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã không cầm được nước mắt khi nhắc tới thu nhập của nhân viên y tế hiện nay. Khi trải lòng về thu nhập của nhân viên trong ngành y tế, bà Tuyết bày tỏ, đối với mức lương bác sĩ trẻ mới ra trường chỉ được 7,8 triệu đồng/tháng. Mức lương này rất khó để sống ở Tp.HCM. Với mức lương này, nhân viên y tế có thể gắn bó với nghề trong vòng 1 tháng, 1 năm hoặc 5 năm nhưng 10 năm, 20 năm là điều không thể.
Nhận định về chế độ lương, thu nhập của nhân viên y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Thị Hồng Lan đánh giá, cán bộ nhân viên y tế còn nhiều khó khăn trong vấn đề thu nhập. Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã và đang thực hiện một số giải pháp để góp phần ổn định, phục hồi nguồn nhân lực y tế công lập, trong đó xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như đề xuất: Tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%. Cũng như chế độ phụ cấp chống dịch (phụ cấp thường trực chống dịch và phụ cấp trực tiếp chống dịch Covid-19).
BS Trần Trung Kiên - Giám đốc Sở Y tế Nam Định cho rằng, điều đầu tiên cần làm là động viên anh em cố gắng công tác trong thời điểm khó khăn như hiện nay, đồng thời tập trung giải quyết cho nhân viên y tế về mặt chính sách, chế độ để các y, bác sĩ có thể yên tâm làm việc, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Đối với tỉnh Nam Định, chúng tôi cũng có những chính sách lương, thưởng và ưu tiên cho những y, bác sĩ tham gia chống dịch, HĐND tỉnh đã thông qua. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh cũng đang cố gắng xây dựng kế hoạch tuyển dụng kèm theo những ưu đãi để thu hút các y, bác sĩ chuyên ngành về địa phương làm việc nhằm mục đích nhanh chóng ổn định tình hình”, ông Kiên nói.
BS Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, để thu hút nguồn nhân lực, ngành y tế tỉnh đang triển khai chính sách riêng, đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.
Cụ thể, người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú được hỗ trợ trực tiếp 600 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I (500 triệu đồng); bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt tốt nghiệp loại giỏi trở lên (450 triệu đồng), tốt nghiệp loại khá (420 triệu đồng) và tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá (400 triệu đồng). Người có trình độ cử nhân, kỹ sư chuyên ngành bảo trì trang thiết bị y tế hoặc vật lý kỹ thuật y sinh (chuyên ngành bảo trì thiết bị y tế) được hỗ trợ 50 triệu đồng. Ngoài ra, người có chuyên môn về y tế khi được thu hút về Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương được hưởng chế độ thu hút: tiến sĩ - giảng viên chính (600 triệu đồng); tiến sĩ (550 triệu đồng); bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú (500 triệu đồng); thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I (450 triệu đồng).
Theo Bộ Y tế, nhân viên y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc ở tất cả chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng, chủ yếu chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập làm việc.
M.Vy (t/h)