Chú trọng truy xuất nguồn gốc nông sản
Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã triển khai xây dựng Kế hoạch triển khai ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm trực tuyến trên thiết bị di động bằng mã phản hồi nhanh QR-Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh; lập danh sách các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã sản xuất các sản phẩm theo các tiêu chuẩn GAP trên địa bàn tỉnh tham gia ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc; công bố danh sách các DN, hợp tác xã tham gia ứng dụng tem điện tử, tuyên truyền và hướng dẫn truy cập ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cuối cùng là triển khai ứng dụng tem điện tử thông minh vào quản lý sản phẩm, kích hoạt thông tin cho sản phẩm, hướng dẫn DN, hợp tác xã cài đặt và sử dụng ứng dụng trên Smart phone… Thông qua tem được dán, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại di động hoặc các thiết bị thuận tiện khác là có thể truy xuất được nguồn gốc, biết rõ được sản phẩm mình mua xuất xứ từ đâu, chất lượng thế nào.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên, hiện trên toàn tỉnh hơn 20 nhà vườn đã dán tem truy xuất nguồn gốc cho hàng chục sản phẩm nông sản. Tất cả các sản phẩm này đều được cấp giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ và đều được các nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn, tiêu biểu như: Cam Quảng Châu, nhãn lồng Hồng Nam, chuối tiêu hồng Khoái Châu…
Là trang trại trồng cây có múi quy mô, diện tích lớn của huyện Phù Cừ, năm 2017, trang trại Bống Vàng đã chủ động đăng ký mã số, mã vạch và dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cam của trang trại. Theo đó, tem truy xuất nguồn gốc được gắn vào sản phẩm của trang trại khi bán ra thị trường, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã vạch ở mặt ngoài của tem sẽ rõ các nội dung gồm: Thời điểm xuống giống, quy trình chăm sóc và địa chỉ sản xuất.
Chị Bùi Thị Doan, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) cho biết: “Kể từ khi trên thị trường xuất hiện các sản phẩm có tem truy xuất, người mua hàng chúng tôi an tâm, bởi những sản phẩm nông sản, lương thực khi rõ nguồn gốc xuất xứ thì người mua sẽ hoàn toàn tin tưởng, không lo sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Tương tự, tại Sơn La, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai các bước hỗ trợ các DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; phấn đấu trong giai đoạn 2022 - 2025 có 100% sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các sản phẩm thuộc chương trình OCOP có sử dụng mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia.
Cùng với Hưng Yên, Sơn La, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản. Tại tỉnh Đắk Nông, địa phương cũng đang tập trung mở rộng phát triển nền tảng cấp, quản lý mã số vùng trồng. Tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản đối với các mặt hàng chủ lực, sản phẩm OCOP. Việc hỗ trợ các đơn vị thực hiện chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, cải tiến công nghệ sản xuất tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Đắk Nông đã tiếp nhận 86 hồ sơ vùng trồng (72 hồ sơ) và cơ sở đóng gói (14 hồ sơ). Ngành nông nghiệp đã thẩm định, kiểm tra và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã đối với 40 hồ sơ. Kết quả đã có 8 cơ sở được cấp mã số đang hoạt động, bao gồm: 5 mã vùng trồng, với diện tích 235 ha; 3 mã cơ sở đóng gói.
Công cụ bảo vệ hữu hiệu
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là công cụ quan trọng nhằm bảo vệ người tiêu dùng tránh sản phẩm giả mạo và đảm bảo được lợi thế cạnh tranh bình đẳng cho DN.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Việc quy định về tem truy xuất nguồn gốc là cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc quản lý sản phẩm. Mỗi tem truy xuất nguồn gốc có một mã xác thực duy nhất. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể nắm rõ được những thông tin cần thiết về sản phẩm trước khi chọn mua.
Riêng với DN, tem truy xuất nguồn gốc QR-code giúp chứng minh với khách về sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn…Qua đó, DN sẽ có được niềm tin của khách hàng, là yếu tố mà DN nào cũng mong muốn.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định: Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa không phải là hoạt động mới đối với các DN. Rất nhiều DN đã áp dụng bài bản các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế vào trong quy trình sản xuất sản phẩm. “Việc truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát được chất lượng, độ an toàn và cũng là công cụ cho DN khi gặp vấn đề lỗi sản phẩm đã cung cấp ra thị trường thì có cách thức truy vết, thu hồi sản phẩm” - ông Linh nói.
Còn theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, trong bối cảnh kinh tế thị trường, truy xuất nguồn gốc góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế số, giúp DN đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ cho DN.
Đánh giá cao những lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc, ông Phú cho rằng, không chỉ tăng thêm uy tín cho DN sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng trong nước mà việc này cũng có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Theo ông Phú, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trong hoạt động kinh doanh quốc tế ngày càng có vai trò quan trọng. “Tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bất thành văn với hàng hóa nhập khẩu và trở thành thói quen của người tiêu dùng” - ông Phú cho hay.