Startup công nghệ lên ngôi

Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đòi hỏi nguồn vốn lớn, đây chính là rào cản lớn với các startup công nghệ.

Năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam ghi nhận số vốn đầu tư lên tới hơn 1,5 tỉ USD, cao nhất từ trước tới giờ. Trong đó có nhiều lĩnh vực phát triển nóng, thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ như công nghệ tài chính, game, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…

Nhận diện được tầm quan trọng của startup

Phát biểu tại chương trình Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest 2022), ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết cả nước có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó là hơn 200 không gian làm việc chung, 79 cơ sở ươm tạo, 29 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ nhằm hỗ trợ khởi nghiệp lâu dài. 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 về sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương, 39 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng bước đầu tìm hiểu, tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp với vai trò là nhà đầu tư tài chính, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp mở rộng thị trường, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành.

Startup công nghệ lên ngôi - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng của Helojob- Startup công nghệ về việc làm tại triển lãm Techfest 2022

Ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ, cho rằng ngày nay nhiều quốc gia xác định chiến lược và định hướng rõ ràng trong việc đầu tư phát triển, bùng nổ về công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như quá trình chuyển đổi mạnh mẽ trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ đáp ứng sự biến động nhanh chóng của thị trường. Việt Nam hiện có 4 "kỳ lân" công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis) đã khẳng định vị thế trong "tam giác vàng" khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.

Với bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội như hiện nay đòi hỏi những giải pháp sáng tạo và thoát khỏi những cách giải quyết khó khăn kiểu truyền thống, cần khuyến khích những người có năng lực và kiến thức công nghệ, tìm thấy sự hợp tác với những nhà lãnh đạo, những tài năng kinh doanh để xây dựng các mô hình sản phẩm, giải pháp công nghệ vừa đáp ứng kỹ thuật, vừa mang tính bền vững và hướng đến giá trị nhân văn cho cộng đồng, cho xã hội.

Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia cần phải xác định được vai trò dẫn dắt, tiên phong và tạo nền tảng một cách vững chắc hơn. Để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác.

Starup công nghệ cần vốn lớn

Ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Helojob, startup công nghệ về việc làm, chia sẻ, doanh nghiệp của ông đang trong giai đoạn chuyển đổi số toàn bộ thị trường xuất khẩu lao động trong nước, tương lai sẽ hướng ra thị trường toàn cầu.

Theo ông Việt, trước đây thông tin xuất khẩu lao động của doanh nghiệp không đa chiều, việc và người không đến được với nhau, trong khi chi phí trung gian rất tốn kém.

"Đó là khiếm khuyết của thị trường lao động nếu không áp dụng công nghệ"- ông Việt nhấn mạnh nhưng cũng lo lắng, vì đây là giai đoạn khởi đầu nên doanh nghiệp rất cần vốn để phát triển sản phẩm, cho nên mong muốn thông qua Techfest 2022 sẽ tìm được những nhà đầu tư có nguồn lực về tài chính hoặc sức mạnh về công nghệ.

Tương tự, ông Phạm Anh Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ tài chính bất động sản Tulip (FINA), nhấn mạnh doanh nghiệp không thể phát triển chỉ nhờ việc học tập chăm chỉ mà còn cần sự hỗ trợ cấp thiết về hành lang pháp lý, vốn đầu tư về hạ tầng công nghệ cao, cơ hội quảng cáo, bán hàng ra thị trường, cố vấn chuyên môn.

"Chúng ta không thể chờ đợi mà cần có một kế hoạch tổng thể, chi tiết, khả thi với sự phối hợp chung tay hành động của toàn bộ các thành tố trong hệ sinh thái như cơ quan nhà nước, các tổ chức hỗ trợ, các vườn ươm, các chương trình tăng tốc... và chính bản thân các doanh nghiệp" – ông Khôi nói.

Ông Vũ Thành Công, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Nessar, khẳng định nguồn lực tài chính là vô cùng bức thiết hiện nay. Như tại doanh nghiệp của ông, để đầu tư, xây dựng một hệ thống giám sát an toàn thông tin đầy đủ và hiệu quả thì rất cần nhiều nguồn lực về chi phí đầu tư, nhân sự vận hành và đặc biệt là công nghệ áp dụng triển khai mà không phải đơn vị, doanh nghiệp nào cũng có khả năng thực hiện được.

Nhấn mạnh về kinh nghiệm triển khai của thế giới, bà Phan Hoàng Lan - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (CEI) thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết thay vì chỉ tập trung vào nguồn lực bên trong thì đổi mới sáng tạo mở được hiểu là sự tham gia của nguồn lực bên ngoài, bao gồm các startup, viện nghiên cứu, trường đại học vào giải quyết bài toán cho chính doanh nghiệp.

Cụ thể, mô hình doanh nghiệp - công ty khởi nghiệp thường được thể hiện thông qua việc các tập đoàn mua các sản phẩm, dịch vụ của startup, tiếp cận các giải pháp, công nghệ đa dạng với chi phí tiết kiệm. Điểm yếu của mô hình này là có những giải pháp của startup chưa thực sự được chứng minh, không đủ để nhân rộng hoặc thiếu bảo mật thông tin.

Ông Martin Kim, Giám đốc Shinhan Future Lab, cũng nhấn mạnh các đơn vị nên hỗ trợ kỹ năng, kinh nghiệm và vốn cho các startup để họ thêm tự tin và có thể thực hiện chuyển từ ý thức sang hành động. "Hiện nay, Việt Nam đã có sự xuất hiện của hơn 3000 startup ở hầu hết các lĩnh vực công nghệ và kinh doanh, là cơ sở để các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kết nối và tận dụng nguồn lực sáng tạo từ bên ngoài này" – ông Martin Kim gợi ý.