Sếp Vietnam Airlines nói về tiền lương của phi công

TPO - Ông Tô Ngọc Giang - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, Đoàn trưởng Đoàn bay 919 - cho biết hãng đã điều chỉnh mức lương, chế độ hấp dẫn phi công trong bối cảnh các hãng bay trong nước cạnh tranh mạnh mẽ về thị trường lao động. 

Ngày 23/4, tại chương trình "Hành trình chinh phục bầu trời” nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và 65 năm ngày truyền thống của Đoàn Bay 919 thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (1/5/1959-1/5/2024), các diễn giả đưa ra bình luận về tình trạng thiếu hụt nhân sự trong ngành hàng không hiện nay.

Sau thời COVID-19, một bộ phận phi công đã chuyển đổi công việc, hoặc sang các hãng hàng không khác, gây ra xáo trộn đối với nguồn nhân lực. Ông Tô Ngọc Giang - Phó Tổng Giám đốc

Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Tô Ngọc Giang phát biểu về vấn đề giữ chân nguồn nhân lực.

Theo đại diện hãng bay, trước đây, sự cạnh tranh về thị trường lao động phi công trong nước không nhiều. Nhưng khi các hãng hàng không khác trong nước ra đời thì vấn đề này được Vietnam Airlines lưu ý, ban hành một loạt chính sách hết sức đúng đắn.

"Có hai vấn đề quyết định phi công có ở lại làm với Vietnam Airlines hay không là đãi ngộ và môi trường làm việc. Tổng công ty đã đưa ra một chính sách lương có sự thay đổi rất nhiều để giữ chân phi công. Đồng thời xây dựng thêm những chế độ đặc biệt như vé máy bay nội bộ riêng biệt. Bên cạnh đó là các chính sách về bảo hiểm y tế của phi công cũng như người thân của họ", ông Tô Ngọc Giang chia sẻ.

Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói rằng tạo môi trường làm việc tích cực là hết sức quan trọng để giữ người. Hãng bay liên tục tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, giải trí để các phi công được tiếp xúc với nhau, tăng cường tình đoàn kết, kết nối với tổng công ty, biết được ban điều hành doanh nghiệp đang làm gì. Qua lịch sử đoàn bay 919 rất hào hùng, phi công cũng có thể nhận thấy được vai trò của mình.

"Việc được thay mặt hãng hàng không quốc gia gửi lời chào với hành khách trên mỗi chuyến bay khiến các cơ trưởng hết sức tự hào", ông Tô Ngọc Giang nhận định.

Bên cạnh việc tìm cách giữ chân, Vietnam Airlines cũng đẩy mạnh đào tạo phi công trong nước để làm chủ nguồn nhân lực, không phụ thuộc vào lực lượng phi công từ bên ngoài. Doanh nghiệp luôn xác định ngoài trang thiết bị, con người luôn trở thành yếu tố quan trọng cho sức mạnh của tổ chức nên rất chú trọng đào tạo. Ngay từ đầu khi mới gia nhập đoàn bay, bên cạnh huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, phi công cũng được đào tạo về truyền thống của đoàn bay 919.

Sếp Vietnam Airlines nói về tiền lương của phi công ảnh 2
Vietnam Airlines chú trọng đào tạo phi công trong nước. Ảnh: VNA.

Những chính sách thay đổi thức thời của Vietnam Airlines được đánh giá giúp doanh nghiệp có được chiều sâu về nguồn nhân lực, trong bối cảnh đây là thách thức lớn nhất của doanh nghiệp.

Hồi tháng 2, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - từng đề cập việc doanh nghiệp bị thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong khoảng 2-3 năm trở lại đây; thiếu vật tư khí thải, các cơ sở bảo dưỡng, trang thiết bị phục vụ cho máy bay hay rất nhiều các sản phẩm khác.

Điển hình như đợt triệu hồi động cơ cho máy bay A321neo gần đây, Vietnam Airlines có 24 động cơ, tương ứng 12 máy bay phải được bảo dưỡng. Theo ông Lê Hồng Hà, đội bay của hãng hàng không có gần 60 máy bay thân hẹp Airbus A321, mất đi 12 chiếc cũng là một sự ảnh hưởng lớn.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, giai đoạn trước đại dịch COVID-19, năm 2018, tại Vietnam Airlines, tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 124 triệu đồng/người/tháng, lương của phi công nước ngoài là gần 250 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, tiền lương của phi công người Việt là hơn 135 triệu đồng/người/tháng, phi công nước ngoài hưởng 280 triệu đồng/người/tháng. Trong đại dịch COVID-19, năm 2021, lương phi công của người Việt trung bình là 89 triệu đồng/người/tháng, năm 2022 lên 91 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, nghị định 64/2023/NĐ-CP bổ sung quy định về thí điểm quản lý lao động, tiền lương cho phép Vietnam Airlines trả lương từ quỹ lương chung của đơn vị. Sau đó, nếu mức lương phi công người Việt vẫn thấp hơn phi công người nước ngoài cùng vị trí, hãng được bổ sung quỹ lương để trả thêm cho phi công người Việt. Việc bổ sung tiền lương cho phi công người Việt được thực hiện từ ngày đầu năm 2024.

Giai đoạn 2023-2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến lao động phi công Việt Nam là 865, 959 và 1.044 người, tương ứng tiền lương bình quân hằng năm của phi công Việt Nam lần lượt là 115,6, 128,0 và 134,8 triệu đồng/người/tháng (chưa bao gồm quỹ tiền lương bổ sung). Tiền lương bình quân của phi công nước ngoài làm việc cho Vietnam Airlines lần lượt là 268,4, 273,7, 279,2 triệu đồng (tăng theo cung cầu của thị trường).

Cách đây 65 năm, vào ngày quốc tế lao động 1/5/1959, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, Trung đoàn Không quân vận tải 919, đơn vị bay vận tải quân sự - hàng không dân dụng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) được thành lập. Đây cũng là đơn vị tiền thân của Đoàn Bay 919 thuộc Vietnam Airlines hiện nay.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã trực tiếp tham gia chiến đấu, đồng thời, thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Lực lượng phi công của Trung đoàn thường xuyên được bổ sung cho lực lượng phi công tiêm kích để trực tiếp chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.

Trung đoàn 919 đã lập những chiến công vang dội như đánh chìm và bắn hỏng hai tàu địch trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; chở phái đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán và ký Hiệp định Paris lịch sử; cứu trợ đồng bào lũ lụt trong trận vỡ đê sông Hồng năm 1971…

Vietnam Airlines muốn lấy thị phần, nhân sự từ Bamboo Airways
Japan Travel chính thức trở thành Đại lý cấp 1 tại Nhật Bản của Vietnam Airlines
Máy bay Vietnam Airlines từ Anh về TPHCM hạ cánh khẩn cấp ở Dubai
Máy bay Vietnam Airlines từ Anh về TPHCM hạ cánh khẩn cấp ở Dubai