Sau vụ cháy cơ sở karaoke An Phú, ở Tp.Thuận An làm 32 người chết, công an các địa phương trong tỉnh Bình Dương đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện như karaoke, bar, massage…
Kiểm tra tới đâu vi phạm tới đó
Tính đến ngày 14/9, Công an các địa phương ở Bình Dương đã kiểm tra trên 300 cơ sở kinh doanh karaoke, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn, massage... Kết quả phát hiện 144 trường hợp vi phạm và lập biên bản đề nghị xử phạt hành chính với số tiền gần 3 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 35 cơ sở vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy chữa cháy.
Theo lực lượng công an, các vi phạm chủ yếu liên quan đến lắp đặt bảng quảng cáo che kín mặt tiền, ban-công của quán; lối thoát hiểm hạn chế; thiết bị phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo an toàn... Nếu xảy ra cháy nổ thì các cơ sở không thể chủ động chữa cháy tại chỗ; việc tự thoát hiểm và cứu hộ cũng gặp nhiều khó khăn.
Qua kiểm tra, nhiều cơ sở vi phạm bị lập biên bản xử phạt, nhiều nơi bị đình chỉ hoạt động. Tại Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nhiều cơ sở karaoke, massage đã bị lập biên bản xử phạt hành chính, hoặc bị tạm ngưng hoạt động. Điển hình, cơ sở karaoke, massage Thiên Tình Nghĩa, ở Quốc lộ 13, phường Phú Hòa. Cơ sở này chưa xuất trình được hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy; không thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở; chưa xây dựng phương án chữa cháy, cứu hộ; không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định; hệ thống cấp nước chữa cháy, đèn chiếu sáng khi có sự cố đều không hoạt động.
Được biết, cơ sở này hoạt động hơn 10 năm, lượng khách khá đông và chủ yếu là người nước ngoài nhưng điều kiện cơ bản để đáp ứng quy định về phòng cháy chữa cháy ở đây không đảm bảo.
Tương tự, tại Thuận An, tính đến ngày 13/9, Công an thành phố đã kiểm tra 21 điểm kinh doanh karaoke, 1 quán cà phê nhạc sống. Tất cả 22 cơ sở đều vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, bị lập biên bản xử phạt hành chính, tạm đình chỉ hoạt động 11 cơ sở.
Kiểm tra đột xuất 17 quán karaoke, massage, lực lượng chức năng huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương lập biên bản 5 cơ sở vi phạm. Các sai phạm tập trung vào các lỗi như: không lắp đặt đèn chiếu sáng khi có sự cố; chưa có phương án cứu nạn cứu hộ; chưa trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy theo quy định…
Ông Nguyễn Thanh Điệp, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, nhận biết tình hình địa bàn tỉnh còn nhiều phức tạp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với đó, rà soát lại tất cả hệ thống văn bản chỉ đạo trên lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, nhất là việc triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng công an xây dựng kế hoạch tổ chức tổng kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự. Trước mắt, tập trung đối với các cơ sở kinh doanh karaoke để phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nếu cơ sở không đủ yếu tố an toàn về phòng cháy, chữa cháy thì phải cho tạm ngừng hoạt động.
Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương cũng tiếp tục chỉ đạo thực hiện chuyên đề kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhất là ở các khu dân cư có mật độ đông, khu chợ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Về công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình kinh doanh karaoke trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương nhận định, loại hình này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, là nơi các đối tượng sử dụng ma túy thường tìm đến, dễ xảy ra mâu thuẫn phát sinh dẫn đến hành vi cố ý gây thương tích, giết người, dễ xảy ra nguy cơ về cháy, nổ...
Do đó, thời gian tới, cần nghiên cứu, xem xét tổng thể về các loại hình giải trí, trong đó có karaoke để quản lý chặt chẽ hơn; đồng thời không khuyến khích phát triển đối với loại hình giải trí này trên địa bàn.
Để không xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương yêu cầu lực lượng công an tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót; xử lý nghiêm vi phạm của các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh ngành nghề có điều kiện; tăng cường tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn phòng cháy chữa cháy trong nhân dân.
Chính quyền địa phương cần có trách nhiệm
Quay trở lại vụ cháy nghiêm trọng tại Bình Dương vừa qua, Đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy cho rằng: Hầu hết các trường hợp hỏa hoạn xảy ra với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều để lại những hậu quả hết sức đau lòng. “Nguy cơ cháy nổ đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này rất cao bởi cả hai yếu tố chính là chất cháy và nguồn nhiệt”, Đại tá Xiêm nhận định.
Cụ thể, theo vị chuyên gia này, chất cháy tại các quán karaoke hiện nay đều có tải trọng rất lớn, bao gồm gỗ, xốp, lớp phủ trang trí vật liệu bằng nhựa. Đây đều là những chất dễ bắt lửa; đồng thời tỏa ra lượng khí lớn và rất độc hại cho sức khỏe con người.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi trước đây, yếu tố tác động nguy hiểm nhất trong một vụ hỏa hoạn đầu tiên là khói. Bên trong đó có những loại khí cực độc mà chỉ cần 10-30mlg/m3 đã rất đáng sợ, có khả năng gây mất cảm giác, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh con người. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh karaoke để phục vụ kinh doanh đều làm hệ thống cách âm rất kín, bịt mọi lỗ thông ra bên ngoài bằng các vật liệu dễ cháy. Hầu hết các vụ hỏa hoạn, phần lớn các nạn nhân tử vong do ngạt khi hút phải khói”, Đại tá Xiêm phân tích.
Bên cạnh đó, ngay cả trong trường hợp “lạc quan nhất” khi khói không có nhiều chất độc hại thì riêng việc hít phải khí nóng cũng đã ảnh hưởng và có nguy cơ bỏng, cháy hết hệ hô hấp.
Trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, trong tháng tới Ủy ban Quốc phòng - An ninh sẽ họp cho ý kiến vào báo của Chính phủ, Bộ Công an về công tác phòng cháy chữa cháy theo Nghị quyết giám sát phòng cháy, chữa cháy năm 2019. Đây là nội dung sẽ được rất nhiều người quan tâm với thực trạng cháy nổ trong thời gian vừa qua, nhất là mấy tháng gần đây số lượng tăng, thiệt hại rất lớn về con người, tài sản.
Theo ông Trịnh Xuân An, có nhiều vụ cháy gây hậu quả rất lớn về người, đa phần là vướng, không kiểm tra kỹ điều kiện về thoát hiểm. Nhiều quán karaoke xây dựng theo dạng nhà lồng, khung, chỉ có một lối ra - vào. Việc này trái quy định, dẫn đến không thể cứu nổi khi xảy ra cháy. Tuy nhiên, những sai phạm này chỉ được phát hiện khi xảy ra cháy, cho thấy khâu quản lý của cơ quan Nhà nước, ý thức tuân thủ của người dân, đặc biệt các cơ sở kinh doanh đôi khi bất cẩn, thiếu ý thức trách nhiệm.
Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy phải sát sao hơn nữa việc kiểm tra cấp phép, kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn và xử lý nghiêm vi phạm. Khâu quản lý, rà soát của cơ sở phòng cháy chữa cháy phải siết lại. Biết rằng lực lượng chức năng phòng cháy chữa cháy rất vất vả nhưng nếu không làm tốt khâu phòng thì sẽ để xảy ra hậu quả rất lớn. “Nếu làm tốt rà soát, kiểm tra thường xuyên, ai sai phạm phải xử lý nghiêm thì sẽ hạn chế tối đa hậu quả”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trước khi cấp phép, cơ quan phòng cháy chữa cháy phải cấp giấy chứng nhận, chứ không phải tự nhiên cấp giấy phép cho hoạt động. Thế nhưng, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm khi cấp giấy phép kinh doanh nhưng lại không có hậu kiểm. Với những dịch vụ kinh doanh có điều kiện, anh cấp giấy phép nhưng cũng cần phải có hậu kiểm, có sự phối hợp liên ngành để kiểm tra. Nhưng đằng này, anh thường chỉ xem xét và cấp giấy phép khi cơ sở kinh doanh đó đủ tiêu chí, tiêu chuẩn. Còn sau đó đi vào hoạt động, có đảm bảo an toàn không, việc kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ có thể lại bị xem nhẹ.
Ngoài trách nhiệm của chủ cơ sở, lực lượng phòng cháy chữa cháy, cơ quan điện lực, cần quy rõ trách nhiệm cơ quan cấp phép. Đây là vấn đề cần phải làm rõ, xử lý thích đáng để phòng ngừa, răn đe. Cán bộ chính quyền địa phương cần có trách nhiệm, để không lơ là, chủ quan trong phòng chống cháy nổ không chỉ với cơ sở kinh doanh karaoke mà còn ở tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, nhà ở...
M.Vy(t/h)