Kịch nói là loại hình nghệ thuật có xuất xứ phương Tây, du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19. Ngày nhỏ, tôi biết đến và tiếp xúc với những vở kịch qua đĩa DVD. Thời điểm đó, ước mơ lớn nhất của tôi là được ngồi dưới sân khấu và có thể tận mắt quan sát biểu cảm của các diễn viên.
Bây giờ, khi vở kịch yêu thích ngày bé của mình trở lại sau thời gian tạm hoãn vì dịch Covid-19, tôi lập tức tìm cách mua vé. Cảm giác chân thật là điều khiến tôi ấn tượng nhất trong lần đầu tiên xem kịch.
"Săn vé"
Lượng người muốn xem đông, số ghế có hạn nên tôi khá vất vả để có được một cặp vé. Tương tự như lần diễn "hụt" trước, lần này vé vẫn được bán online nhưng với số lượng ít hơn.
Tôi đã từng thành công khi "săn" được vé ở vị trí khá lý tưởng ở lần trước nên cảm thấy khá tự tin. Cẩn thận hơn, tôi chuẩn bị sẵn cả laptop và điện thoại để mua vé.
Vé được mở bán lúc 19h ngày 18/5 nhưng từ 18h30 tôi đã truy cập vào trang bán vé. Tôi đoán lần này lượng khán giả đông hơn nên chưa đến giờ hẹn website đã sập. Sau hơn 30 phút liên tục F5 nhưng vẫn không có gì thay đổi, tôi gần như sụp đổ.
Khi đường truyền ổn định trở lại cũng là lúc tôi thấy trên màn hình số ghế được đặt nhiều hơn. Chật vật gần cả tiếng, tôi cũng "săn" được 2 vé ở hàng ghế thường, ngồi khá xa sân khấu. Một điều an ủi là tôi mua được ngay suất diễn thứ hai, diễn ra vào ngày 2/7 lúc 16h.
Có tổng cộng 3 hạng mức vé. Vé VIP có giá 270.000 đồng, vé thường có giá 220.000 đồng và vé trên lầu có giá 170.000 đồng. Thông tin vé sẽ được gửi về email ngay sau khi thanh toán thành công.
Mẹo "săn vé":
Cá nhân tôi thấy việc đặt vé trên điện thoại sẽ thuận tiện hơn.Bạn nên đăng nhập và nạp tiền vào ví điện tử từ trước để tiết kiệm thời gian.Một số trường hợp sẽ gặp lỗi khi thanh toán, bạn có thể tranh thủ thời gian hệ thống "nhả vé" để đặt mua.Trải nghiệm thực tế, mãn nhãn
Tôi chủ động đến trước giờ diễn 30 phút để tận hưởng không khí nhà hát trong lần đầu tiên xem kịch. Đến nơi, tôi khá bất ngờ vì khu vực sảnh chờ đã chật kín khán giả, ai nấy đều rất háo hức. Tuy là chương trình dành cho thiếu nhi nhưng chủ yếu là người trẻ đến xem.
Vở diễn của tôi được tổ chức ở Nhà hát Bến Thành, ngay trung tâm thành phố nên khá thuận lợi cho việc di chuyển. Khán giả cũng không cần tìm chỗ gửi xe vì bên trong khu vực hầm xe khá rộng, không xảy ra tình trạng quá tải.
Vé online và vé giấy sẽ đi hai lối khác nhau. Tôi mua vé online nên đi lối bên trái. Thủ tục kiểm tra vé diễn ra nhanh chóng. Bạn chỉ cần xuất trình mã QR của vé để nhân viên quét là được hướng dẫn đến chỗ ngồi.
Bên trong rạp sạch sẽ, mát mẻ, lối thiết kế tương tự như những nhà hát khác. Ghế ngồi còn khá mới và được đánh số rõ ràng nên tôi không mất nhiều thời gian tìm chỗ dù là lần đầu đến đây.
Vở kịch tương đối dài nhưng tôi cảm thấy khá thoải mái. Bạn sẽ có 10 phút giải lao giữa hai phần để đi vệ sinh hoặc ăn nhẹ. Bên ngoài sảnh chờ có quầy bánh ngọt và nước uống. Tôi có thử ăn một chiếc bánh ngọt, hương vị và giá thành đều ổn.
Đúng 16h, rạp tắt đèn và ekip bắt đầu giới thiệu về vở diễn. Không có phần quảng cáo như phim rạp nên vở kịch diễn ra đúng như dự tính. Nếu bạn đến trễ, có thể bỏ lỡ một vài chi tiết và vô tình làm ảnh hưởng đến cảm xúc của khán giả cũng như diễn viên.
Cảm giác rất thật là điều tôi cảm nhận rõ nhất trong lần đầu tiên đi xem kịch. Không hiếm lần tôi giật mình khi thấy diễn viên đi lên từ phía hàng ghế khán giả hay cùng đồng thanh trả lời câu hỏi tương tác mà họ đưa ra.
Không những vậy, bạn còn có thể quan sát rõ từng đường nét, biểu cảm trên khuôn mặt của nhân vật. Chỉ khi đi xem kịch nói, bạn mới được trải nghiệm những màn tương tác đầy thú vị này.
Đôi khi, với cùng một nội dung nhưng có suất, diễn viên thêm thắt vài yếu tố thời sự, mảng miếng mới mẻ nên cùng là một vở nhưng khán giả sẽ có cảm nhận khác nhau.
Bên cạnh đó, ánh sáng của sân khấu kịch cũng rất quan trọng. Sau mỗi phân cảnh, ánh đèn sẽ tắt dần. Đây là thời điểm để hậu đài chuyển cảnh và bài trí lại sân khấu. Khi ánh đèn bật sáng trở lại cũng là lúc chuyển sang một phân cảnh khác.
Đặc biệt, kịch nói không sử dụng hiệu ứng hay kỹ xảo cầu kỳ. Chính vì vậy, đạo cụ và trang phục diễn sẽ được đầu tư chỉn chu và kỹ càng hơn để đem lại những cảm xúc thật nhất cho khán giả.
Đan xen giữa những tình huống hài hước, miếng hài mới mẻ thì vở kịch lần này còn lồng ghép thêm một số thông điệp rất nhân văn. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều khán giả khác trong rạp không ngừng dành những tràng pháo tay cho cách diễn chuyên nghiệp của các diễn viên.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy phần âm thanh trong rạp chưa thật sự tốt. Đôi lúc, thoại của diễn viên bị mất tiếng hay đôi khi âm lượng lại quá to. Bên cạnh đó, do ngồi khá xa sân khấu, tôi chỉ thấy được cử chỉ, điệu bộ và giọng nói chứ không thể xem kỹ biểu cảm của từng diễn viên.
Hơn 2 tiếng hoàn toàn bỏ quên chiếc điện thoại để tập trung theo dõi nội dung vở diễn khiến tôi cảm thấy nhẹ nhàng và thư giãn hơn sau một tuần làm việc căng thẳng.