Lễ hội Katê của người Chăm tại Bình Thuận diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch, tức khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 theo Dương lịch. Đây là lễ hội có từ xa xưa của những người Chăm theo đạo Bàlamôn. Dịp Katê, mọi người cùng nhau tổ chức lễ hội để tưởng nhớ các vị thần, tổ tiên, đồng thời cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…
Cộng đồng người Chăm tham dự nghi lễ rước y trang nữ thần Pô Sah Inư
Các chức sắc chuẩn bị mâm lễ bên trong tháp chính
Từ năm 2005 đến nay, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được UBND tỉnh Bình Thuận phục dựng thành lễ hội truyền thống tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, TP Phan Thiết). Hàng năm, vào dịp này, đồng bào dân tộc Chăm từ khắp nơi trong tỉnh tụ họp dưới chân tháp Pô Sah Inư để tham gia nghi lễ rước y trang nữ thần Pô Sah Inư, tắm bệ thờ Linga – Yoni, tham gia vào các phần hội truyền thống như làm bánh gừng, đi cà kheo, đội nước…
Hai bạn trẻ người Chăm đốt trầm tại lễ rước y trang nữ thần Pô Sah Inư
Thiếu nữ Chăm tạo dáng dưới chân tháp cổ Pô Sah Inư
Tỉnh Bình Thuận hiện có gần 40.000 người Chăm sinh sống rải rác từ các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh… Bên cạnh tạo điều kiện cho cộng đồng người Chăm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội Katê trên tháp Pô Sah Inư còn thu hút đông đảo người dân và du khách đến đây để theo dõi lễ hội cũng như nghiên cứu, thưởng thức văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm.
Các thiếu nữ Chăm múa hát dưới chân tháp Pô Sah Inư
Tiếng kèn Saranai réo rắt tại lễ hội Katê
Lễ hội Katê được bắt đầu bằng phần hội từ đền, tháp và cuối cùng là các hoạt động vui chơi, đón Tết tại nhà
Dịp Katê năm nay, tỉnh Bình Thuận thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố và trao quyết định đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
UBND tỉnh Bình Thuận trao chứng nhận đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia