Chương trình Những ngày Hà Nội tại TP.HCM diễn ra 23-25/8 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM). Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Chương trình sẽ có nhiều triển lãm, hoạt động để người dân TP.HCM hiểu hơn về lịch sử Hà Nội xưa và nay. |
Nổi bật là hình ảnh Long Biên dài khoảng 50 m được đặt chính giữa khu trưng bày tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Mô hình này mô tả gần như đầy đủ các chi tiết của cầu Long Biên với lan can, trụ cầu, đường ray xe lửa bên trong... |
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do người Pháp xây dựng (1898-1902), đến nay đã có tuổi đời hơn 120 năm. Cây cầu này gắn liền với lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ của dân tộc, chứng kiến nhiều đổi thay của thủ đô Hà Nội. |
Cầu Long Biên thu hút khách du lịch bởi giá trị lịch sử gắn liền bao tháng năm phát triển của thủ đô và kiến trúc lâu đời với dáng vẻ bình dị, hoài cổ. |
Một điểm đến thu hút nhiều bạn trẻ là khu vực bảng tin của báo Hà Nội Mới. Đây là địa điểm ''sống ảo'' đậm chất Hà Nội. Nguyễn Mai Anh, một bạn trẻ ở Hà Nội, cho biết cô bất ngờ khi những công trình như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, bảng tin báo Hà Nội Mới được tái hiện một cách chỉn chu, chi tiết và khá sát với thực tế. |
Chợ Đồng Xuân cũng xuất hiện tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây là một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội và trong khu phố cổ. Chợ có lịch sử tồn tại hàng trăm năm, mang đậm nét cổ kính. |
Khuê Văn Các của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng của thủ đô Hà Nội được tái hiện nằm cạnh biểu tượng của TP.HCM, tòa nhà Bitexco. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng cho nét tinh hoa văn hóa, giáo dục Việt Nam, niềm tự hào của người dân Hà Nội. |
Tối 23/8, rất nhiều người dân TP.HCM đã có mặt tại đây để tham quan, check-in và mua sắm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của Hà Nội như nón lá làng Chuông, mây tre đan Phú Vinh, lụa Phùng Xá... |
Chị Hà Thị Thu Hương (trái) cho biết cảm giác đầu tiên khi tham gia chuỗi hoạt động tại phố đi bộ Nguyễn Huệ là sự choáng ngợp. "Chúng tôi đã chụp được khá nhiều ảnh đẹp, cảm giác chụp hình với các địa danh nổi tiếng của Hà Nội ngay giữa TP.HCM cũng khá thú vị", chị Hương cho biết. |
Một mô hình căn nhà đón tết Trung thu với đèn lồng ông sao, đầu lân, câu đối... mang đậm nét hoài cổ của miền Bắc. |
Nghệ nhân Phan Thị Thuận (Mỹ Đức, Hà Nội) biểu diễn kỹ thuật kéo lụa trên chiếc máy dệt lụa bằng gỗ truyền thống. Làng Phùng Xá, quê hương của nghệ nhân Thuận, cũng là làng nghề dệt lụa nức tiếng của miền Bắc. |
Sự kiện còn có khu vực ẩm thực với nhiều món ăn đặc trưng của Hà Nội như phở, nem chua rán, xôi xéo hay cả bia hơi Hà Nội. |
Ngoài hoạt động triển lãm ảnh, tư liệu, tái hiện địa danh nổi tiếng Hà Nội, sự kiện Những ngày Hà Nội tại TP.HCM còn có một số hoạt động khác như: Triển lãm, giới thiệu tinh hoa Đạo học Việt Nam, tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn; giao lưu nghệ thuật Giai điệu trẻ, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ; biểu diễn võ thuật và thể dục nghệ thuật, thi đấu giao hữu bóng rổ nam, nữ U23, tại nhà thi đấu Nguyễn Du; triển lãm Di sản Hoàng thành Thăng Long tại Bảo tàng TP.HCM... |
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch