Còn nhiều bất cập
Từ năm 2008, theo quy hoạch, Tp.HCM sẽ có 4 bãi đỗ xe ngầm tại các khu vực gồm: sân vận động Hoa Lư, công viên Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng, công viên Lê Văn Tám nhưng đến hiện nay, các dự án này vẫn chưa hoàn thành.
Nguyên nhân được xác định là do quá vướng mắc về thủ tục như đơn giá thuê đất, thủ tục cấp phép phòng cháy chữa cháy, bồi thường giải phóng mặt bằng và các nguyên nhân ảnh hưởng về kỹ thuật…
Trong đó, công trình duy nhất đã làm lễ động thổ là bãi đậu tại công viên Lê Văn Tám, nguồn vốn 110 triệu USD hiện nhưng đã dừng thực hiện.
Đối với 3 dự án còn lại, bãi đậu ở sân khấu Trống Đồng tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng với 700 chỗ đậu ô tô và 400 xe máy đã có nhà đầu tư nhưng vẫn chưa thể triển khai do gặp nhiều trở ngại, liên tục phải điều chỉnh, cập nhật theo quy hoạch.
Một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tp.HCM cho biết, các dự án bãi đậu xe ngầm trên đang tạm ngưng chưa biết khi nào sẽ triển khai. Do đó, Sở GTVT sẽ nghiên cứu để xây các bãi đậu xe lắp ghép cao tầng trong công viên hoặc vị trí dưới lòng đường đang thu phí hiện nay.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT Tp.HCM cho biết, đơn vị đang rà soát một số vị trí nghiên cứu xây nhà để xe thông minh, phục vụ nhu cầu dừng, đỗ xe trong thành phố. Một số vị trí khả thi được nhắm đến như khu vực công viên 23/9, công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn...
Theo ông Đường, các vị trí này đều nằm trong phạm vi đất cho giao thông. Nếu xây dựng phương án, kế hoạch khả thi, UBND Tp.HCM có thể chấp thuận triển khai trong thời gian tới.
“Ưu điểm của các bãi đậu xe này là có chi phí thấp hơn so với bãi đỗ xe ngầm đã được quy hoạch, không tốn quá nhiều diện tích, lắp đặt dễ dàng, nhanh chóng, có thể tăng số lượng vị trí đỗ bằng cách lắp ghép các block lại với nhau.
Ngoài ra, có thể di chuyển cả hệ thống sang một khu vực khác mà không mất quá nhiều công sức và thời gian”, ông Đường nói.
Cũng theo ông Đường, hiện có một nhà đầu tư đang đề xuất làm bãi đậu xe cao tầng lắp ghép tại đường Lê Lai, đoạn từ đường Phạm Hồng Thái đến đường Nguyễn Thị Nghĩa (vị trí đang cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí).
“Sở GTVT đang nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát một số vị trí khả thi, đáp ứng điều kiện để bố trí bãi đậu xe cao tầng lắp ghép, trong đó ưu tiên vị trí đất phục vụ giao thông, thuận lợi trong việc tiếp cận phương tiện giao thông công cộng, phù hợp với phương án tổ chức các phố đi bộ trong khu vực trung tâm Tp.HCM”, ông Đường cho hay.
Đáng chú ý, phương án xây bãi đậu xe cao tầng lắp ghép ở trung tâm Tp.HCM đã từng được các nhà đầu tư đề xuất năm 2017, sau khi một số bãi đậu tương tự do các doanh nghiệp thực hiện mang lại hiệu quả như công trình ở số 71 Chế Lan Viên, quận Tân Phú (sức chứa 2.800 ôtô, xe máy); đường Cô Giang, quận 1 (2.000 chỗ cho ôtô và xe máy); bãi đậu ở sân bay Tân Sơn Nhất (10.000 ôtô, xe máy, xe đạp).
Tuy nhiên, thời điểm đó, kế hoạch làm thêm các bãi đậu cao tầng ở trung tâm không được lãnh đạo Tp.HCM chấp thuận vì lo ngại ùn tắc gia tăng, làm giảm không gian công cộng của người dân.
Trước sự khan hiếm nơi đậu xe ở nội đô, năm 2018 Thành phố này chấp thuận cho ô tô đậu và triển khai thu phí ở hơn 20 tuyến đường các quận 1, quận 5, quận 10 nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu đậu xe ở trung tâm, chưa kể quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề.
Mấu chốt là bài toán chi phí
Nói về đề xuất của Sở GTVT Tp.HCM đang nghiên cứu, TS.Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Tp.HCM chỉ ra, Thành phố này đang nghiên cứu thu phí ô tô vào trung tâm để giảm ùn tắc. Nếu xây dựng thêm các bãi đậu xe ở trung tâm thì sẽ đi ngược với chủ trương này.
Bởi lẽ, có thêm chỗ đậu thì lượng ô tô đi vào trong trung tâm sẽ nhiều hơn, dẫn đến tình hình ùn tắc trong nội thành có nguy cơ nghiêm trọng hơn.
Thêm nữa, thời gian qua, Tp.HCM đã di dời các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe… tồn tại trên đất công viên, trả lại mặt bằng cho người dân sinh hoạt. Bây giờ nếu lại lấy đất công viên cho xây thêm các bãi đậu xe sẽ khiến người dân bức xúc.
Còn PGS.TS.Lê Huy Bá, chuyên gia giao thông cũng cho rằng, dự án xây bãi đậu xe cao tầng trong công viên là không khả thi.
“Hiện diện tích đất công viên trên đầu người quá thấp mà còn xây dựng bãi đậu xe nổi trong công viên nữa thì chiếm diện tích, chiếm dụng không gian vui chơi của người dân. Gọi là bãi đậu xe “thông minh” mà không thông minh vì nó lồ lộ, mất mỹ quan đô thị của Thành phố. Xây bãi ngầm còn phù hợp, vị trí xây bãi xe cũng phải ở trung tâm, để ở ngoại thành không có ý nghĩa gì”, ông Bá nói.
Trong khi đó, PGS.TS.Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) đánh giá, ưu điểm của bãi đậu xe nổi chi phí rẻ, xây dựng dễ dàng và thời gian nhanh hơn so với bãi xe ngầm nhưng lại chiếm dụng diện tích hơn.
Tuy nhiên, nếu làm bãi đậu xe nổi, ngoài việc chiếm dụng không gian, mỹ quan, thì các hoạt động ra vào lên xuống, gây vấn đề về môi trường, tổ chức giao thông xung đột, tạo áp lực giao thông trên mặt đất, hệ quả là giao thông sẽ ùn tắc hơn.
Do đó, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng, Tp.HCM vẫn nên cố gắng làm bãi đậu xe ngầm để có thể tận dụng không gian ngầm dưới mặt đất, xây dựng trung tâm thương mại…
Theo ông Tuấn, có 3 nguyên nhân chính khiến các dự án bãi đậu xe ngầm tại Tp.HCM loay hoay không triển khai được là chính sách xây dựng giá, việc thỏa thuận mô hình kinh doanh giữa chủ đầu tư với Tp.HCM và rủi ro về nhu cầu của người sử dụng.
“Xây dựng bãi đậu xe ngầm tốn chi phí gấp khoảng 3 lần bãi đậu xe thông thường. Trong khi đó, giá đỗ xe hiện nay do Tp.HCM ban hành và quản lý, nhà đầu tư không thể thay đổi. Mức giá quá thấp không đảm bảo nhà đầu tư có thể thu hồi vốn, chưa nói đến có lãi. Do đó, buộc các doanh nghiệp phải tính toán tận dụng không gian xây dựng các dịch vụ thương mại bên cạnh không gian đậu xe để bù chi phí”, chuyên gia này chỉ ra.
Vì thế, cũng theo ông Tuấn, Tp.HCM có thể tham khảo dự án bãi đậu xe ngầm ở công viên Thủ Lệ, Tp.Hà Nội khi công trình này cho khai thác một số hoạt động khác như nhà hàng, trung tâm thương mại, vừa cung cấp nhu cầu đỗ xe đồng thời giúp nhà đầu tư hoàn vốn nhanh hơn.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, hiện nay, số lượng xe ô tô do Tp.HCM quản lý ước tính 850.000 phương tiện, cùng hơn 7,8 triệu xe máy (tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021), chưa tính xe vãng lai từ nơi khác.
Mặc khác, hệ thống bến bãi ở Thành phố này hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200ha sau năm 2020, khiến nhu cầu đậu, giữ xe ngày càng bức bách, đặc biệt ở khu trung tâm.