Quy định mới về quản lý, bổ nhiệm cán bộ

Theo Quy định số 80 của Bộ Chính trị, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn trong 12-60 tháng

Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký Quy định số 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (Quy định 80).

Bộ Chính trị chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để bầu lãnh đạo cấp cao

Đáng chú ý, Quy định 80 nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị trong việc trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Bộ Chính trị chịu trách nhiệm kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bộ Chính trị cũng quyết định phân công công tác đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết). Phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Quy định mới về quản lý, bổ nhiệm cán bộ - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì một phiên họp của Bộ Chính trị Ảnh: TTXVN

Bộ Chính trị quyết định đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh cán bộ. Lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội trong việc giới thiệu nhân sự, phê chuẩn, miễn nhiệm hoặc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Quy định 80 cũng nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của Ban Bí thư. Theo đó, quyết định đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức danh cán bộ.

Quyết định kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo ủy quyền của Bộ Chính trị. Định kỳ báo cáo Bộ Chính trị những vấn đề về công tác cán bộ và cán bộ do Ban Bí thư quản lý.

Đề nghị bổ nhiệm lần đầu phải đủ tuổi công tác trọn 1 nhiệm kỳ

Một nội dung khác của Quy định 80 là trách nhiệm của Thường trực Ban Bí thư. Cụ thể, Thường trực Ban Bí thư chủ trì cùng Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả bầu cử và quyết định chuẩn y ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các chức danh bầu bổ sung của các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Quy định 80 cũng quy định trách nhiệm và quyền hạn của các cấp ủy trực thuộc Trung ương. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhân sự tại chỗ ứng cử các chức danh bí thư, phó bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND; nhân sự chỉ định bổ sung ủy viên ban chấp hành, giới thiệu bầu ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy.

Về nguồn nhân sự tại chỗ, quy trình nhân sự gồm 5 bước và đối với nhân sự điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ nguồn cán bộ ở nơi khác gồm 3 bước.

Một nội dung quan trọng khác của Quy định 80 là tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn. Cụ thể, cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đối với Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương quy định cụ thể cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Phải có hồ sơ, lý lịch cá nhân, bản kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh. Độ tuổi: Cán bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý (cao hơn) lần đầu phải đủ tuổi để công tác trọn 1 nhiệm kỳ. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật): 12 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật cách chức. 

Thời gian biệt phái 3 năm

Quy định 80 cũng quy định khi cần thiết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định điều động, biệt phái cán bộ từ nơi khác về đảm nhận các chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Thời gian biệt phái nhiều nhất là 3 năm; khi hết thời gian biệt phái thì cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nơi cử cán bộ đi biệt phái đánh giá, nhận xét và xem xét, quyết định việc kết thúc hoặc gia hạn thời gian biệt phái đối với cán bộ. Quy trình biệt phái gồm 3 bước.

Bước 1, trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận cán bộ biệt phái; bước 2, gặp cán bộ để trao đổi về chủ trương biệt phái và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể; bước 3, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.