Quảng Nam: GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng gần 13,2% so với cùng kỳ

Qua 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển khởi sắc, tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực…

Những con số ấn tượng trong 9 tháng đầu năm

Ngày 5/10, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì buổi họp báo thông báo tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022.

Ông Quang cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tính quý III/2022 tăng cao ở mức 18,7%; GRDP 9 tháng năm 2022 tăng gần 13,2% so với cùng kỳ, xếp vị thứ 8/63 tỉnh, thành phố cả nước; 2/5 trong Khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung; 4/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 tăng trên 10%, cao hơn so với năm 2021 (5,04%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao đầu năm (7,5-8%).

Sự kiện - Quảng Nam: GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng gần 13,2% so với cùng kỳ

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Quảng Nam ước tính quý III/2022 tăng cao.

Quy mô nền kinh tế 9 tháng năm 2022 đạt hơn 83 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành).

Cơ cấu GRDP 9 tháng năm 2022, khu vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng 14,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 34,7%; khu vực dịch vụ chiếm 32,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 17,7%.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam cấp mới 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 28,94 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 194 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD và cấp mới 51 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 8368,98 tỷ đồng, nâng tổng số dự án trong nước còn hiệu lực là 964 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 242 nghìn tỷ đồng.

Tập đoàn Ô tô Trường Hải nộp ngân sách "khủng"

Vị Phó Chủ tịch tỉnh tiết lộ, tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện đến cuối tháng 9/2022 là 22.128 tỷ đồng, đạt 93% dự toán, tăng 47% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt hơn 17.259 tỷ đồng, đạt 91% dự toán, tăng 31% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách chủ yếu ở khu vực công thương, ngoài quốc doanh từ Tập đoàn Ô tô Trường Hải và các doanh nghiệp thủy điện với tổng doanh thu đạt 11.734 tỷ đồng, chiếm gần 70% thu nội địa, đạt 97% dự toán, tăng 51% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hơn 4.824 nghìn tỷ đồng, đạt 103% dự toán, tăng 268% so với cùng kỳ.

Sự kiện - Quảng Nam: GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng gần 13,2% so với cùng kỳ (Hình 2).

Ông Nguyễn Hồng Quang tại buổi họp báo. 

Tổng chi ngân sách địa phương 13.510 tỷ đồng, đạt 57% dự toán năm, tăng 2% so với cùng kỳ; trong đó, chi thường xuyên 7.612 tỷ đồng, đạt 59% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ; chi đầu tư phát triển 5.896 tỷ đồng, đạt 129% dự toán.

Đến 30/9, tổng nguồn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 74.803 tỷ đồng, tăng 11,65% so với đầu năm và tăng 14,75% so với cùng kỳ năm trước; trong cơ cấu nguồn vốn huy động, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư có mức tăng trưởng ổn định, đạt 56.239 tỷ đồng, tăng 9,46% so với đầu năm và tăng 11,26% so với cùng kỳ.

Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 91.895 tỷ đồng, tăng 10,23% so với đầu năm và tăng 12,97% so với cùng kỳ năm trước; tổng nợ xấu trên địa bàn là 855,32 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,93% tổng dư nợ, tăng 122,44% so với đầu năm, tăng 43,29% so với cùng.

Sự kiện - Quảng Nam: GRDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng gần 13,2% so với cùng kỳ (Hình 3).

Khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh Quảng Nam.

Ông Quang nhận định, qua 9 tháng năm 2022, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển khởi sắc, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực; khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng trưởng khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại, đặc biệt hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng khá so với cùng kỳ; khu vực xây dựng tăng trưởng, tuy còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết bất lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế mặc dù nguồn thu ngân sách Nhà nước tăng, nhưng đối với nguồn thu từ tiền sử dụng đất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguồn thu từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa đạt tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu; tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra; tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn còn chậm; dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế tuy nhiên với những biến thể mới dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường...