Phía sau luận án tiến sĩ về áo ngực nhận 7/7 phiếu tán thành

Sáng 12-10, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về áo ngực. Trước đó đề tài luận án này đã tạo nhiều tò mò và hoài nghi về tính thực tiễn trên mạng xã hội.

Phía sau luận án tiến sĩ về áo ngực nhận 7/7 phiếu tán thành - Ảnh 1.

Nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung nhận hoa của đại diện Viện dệt may - da giày và thời trang, Trường đại học Bách khoa Hà Nội sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ thành công - Ảnh: NGUYÊN BẢO

5 năm chinh phục "đề tài lạ" với Việt Nam

Trong lễ bảo vệ luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung chia sẻ những ngày đầu thực hiện đề tài này vô cùng khó khăn, có nhiều lần muốn bỏ cuộc vì dữ liệu rất lớn và yêu cầu rất cao, "nhưng sau đó thầy trò quyết tâm làm theo hướng này vì tính ứng dụng của nó rất lớn. Chúng ta không thể cứ đi mượn mãi những chiếc áo ngực có số đo của người nước ngoài vào người Việt".

Giải thích vì sao chọn lứa tuổi từ 18 đến 25 để thử nghiệm, nghiên cứu sinh Hồng Nhung cho biết đây là nhóm đối tượng đã trưởng thành, ngực phát triển đầy đủ, chưa bị biến đổi nhiều về hình dạng ngực như nhóm phụ nữ đã mang thai và cho con bú nên sẽ có những số đo chuẩn nhất.

PGS.TS Nguyễn Thị Lệ là một trong hai giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung thực hiện đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực".

Bà Lệ cho biết người đầu tiên cởi trần cho nghiên cứu sinh quét 3D chính là giảng viên hướng dẫn Nguyễn Nhật Trinh, người thứ hai gắn cảm biến đầy người trong phòng tối chính là bà Lệ, "làm chuột bạch cho đến khi nào nó tốt, ổn định thì mới đến đối tượng đo thật sự".

Bà Lệ tâm sự đã có rất nhiều ngày phòng thí nghiệm C10 phải "đóng kín cửa cài trong" để có thể đo các bạn nữ sinh cài đầy cảm biến từ sáng đến tối.

Làm thế nào để gần 500 nữ sinh bằng lòng cởi áo cho mình quét ngực trần trong một điều kiện kinh phí mà nghiên cứu sinh phải tự chủ, tự nghiên cứu chế tạo hai hệ thống đo (hệ thống đo áp lực và hệ thống scan 3D) là vô cùng khó khăn.

Để áp dụng được cách xử lý những dữ liệu hiện đại, cả giảng viên hướng dẫn và nghiên cứu sinh đã phải làm việc vất vả gần hai năm, từ làm cốt, xử lý và sau đó test kết quả gửi đi hội nghị, phản biện và chỉnh sửa, cuối cùng mới được đăng bài báo quốc tế đầu tiên.

"Thực ra chúng tôi đã sớm lường được kết quả của ngày hôm nay, đề tài được coi là "không bình thường" ở Việt Nam, chính vì vậy mà thầy cô hướng dẫn đã "ép" Nhung hoàn toàn phải cố gắng để công bố quốc tế và cũng không phải tự nhiên mà công bố được tới bốn bài báo quốc tế.

Dữ liệu nhân trắc và dữ liệu về áp lực của Nhung là không dễ gì mà có được, để đánh giá độ tiện nghi những bạn sinh viên phải ngồi trong phòng thí nghiệm từ sáng đến chiều 8 tiếng và đánh giá trong 6 thời điểm, chưa nói đến đo áp lực vì đo áp lực phải đo riêng", bà Lệ nói.

Bà Lệ cho biết thêm nếu đề tài này giảng viên hướng dẫn không phải là phụ nữ thì không thể làm được vì quá nhạy cảm ở Việt Nam. Dữ liệu quét 3D cũng đã được cắt hết những chi tiết riêng tư, để không lộ danh tính của người tham gia đo, may mắn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ sinh viên.

"Đến giờ phút này, cả thầy và trò đã rất cố gắng, kết quả luận án tiến sĩ nhận được 7/7 phiếu tán thành không phải chỉ "trái ngọt" mà ba năm nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung tập trung nghiên cứu, mà nghiên cứu sinh này đã làm cật lực cả hai năm trước đó", bà Lệ chia sẻ thêm.

Phía sau luận án tiến sĩ về áo ngực nhận 7/7 phiếu tán thành - Ảnh 2.

Nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung (giữa) chụp ảnh cùng hai người hướng dẫn là PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Luận án tiến sĩ về áo ngực là cơ sở khoa học để phát triển các nghiên cứu khác

PGS.TS Trần Minh Nam - Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, thành viên hội đồng thẩm định - đánh giá cao luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung. Ông chia sẻ thời gian qua trên mạng xã hội có những quan điểm "cái áo ngực nghiên cứu làm gì?" khi chưa đọc hết nội dung luận án nên họ không thể trả lời câu hỏi tại sao được.

"Nghiên cứu luận án tiến sĩ này chính là cơ sở khoa học để phát triển các nghiên cứu khác. Ví dụ, bệnh ung thư vú nguyên nhân từ nhiều tác động, trong đó có tác động từ áp lực áo ngực và ngành y sẽ tiếp tục nghiên cứu về chuyện này", ông Nam nhấn mạnh.

Tham dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, ông Nguyễn Đình Minh, phó trưởng bộ môn kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ Trường đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ nhờ mạng xã hội mà sinh viên và giảng viên nhà trường mới biết đến đề tài nghiên cứu tiến sĩ này, ngay sau đó bộ môn đã cử ông tới buổi bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài áo ngực để tham dự, tìm hiểu.

"Các thầy cô bộ môn đánh giá đây là một đề tài rất có giá trị về mặt nhân trắc và đo nhân trắc trên con người hiện nay. Chỉ số nhân trắc ở nữ sinh Việt Nam hầu như rất thiếu và đặc biệt với vòng ngực, chưa có một nghiên cứu nào cụ thể và với số lượng lớn như thế.

Việc quét 3D này có thêm một ý nghĩa nữa, chúng tôi có thể sử dụng số liệu này cho những nghiên cứu khác cần có số liệu cụ thể như vậy để phục vụ nghiên cứu khoa học".

7/7 phiếu tán thành, 3 phiếu đánh giá xếp loại xuất sắc

Đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" đạt kết quả 7/7 phiếu tán thành, trong đó có 3 phiếu xếp loại xuất sắc.

Hội đồng ra quyết nghị về ý nghĩa khoa học, luận án tiến sĩ này đã thiết lập được phương án đo trực tiếp áp lực của áo ngực nữ trên cơ sở thiết bị đo áp lực đã thiết kế, đáp ứng yêu cầu thực nghiệm, góp phần xây dựng cơ sở khoa học để thiết lập thiết bị đo áp lực trang phục bó sát người...

Về ý nghĩa thực tiễn của đề tài, thiết kế chế tạo được hệ thống đo tự động áp lực áo ngực... góp phần xây dựng cơ sở để cải thiện độ tiện nghi áp lực của áo ngực...

Kết luận, hội đồng nhận định luận án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bố cục, nội dung, hình thức của một luận án tiến sĩ.

Hội đồng đề nghị Trường đại học Bách khoa Hà Nội công nhận và cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung.