Bị sa thải là việc có thể khiến nhiều người căng thẳng với vô vàng câu hỏi trong đầu. Bảo hiểm sức khỏe của tôi sẽ kéo dài bao lâu? Tôi đã tiết kiệm được bao nhiêu? Công ty nào đang tuyển dụng? Nhưng đối với những người vừa mới mất việc ở Thung lũng Silicon, một câu hỏi khác khiến họ đau đầu là họ sẽ nên đi nghỉ ở đâu?
Giữa làn sóng cắt giảm chi phí trong lĩnh vực công nghệ, hàng chục nghìn người đã và đang bị sa thải. Facebook đã sa thải 13% nhân viên, tương đương khoảng 11.000 người. Snap thì loại bỏ 25% nhân sự. Tại Twitter, sự kết hợp giữa sa thải hàng loạt và sa thải đột ngột dưới triều đại mới đầy hỗn loạn của Elon Musk đã khiến hơn 5.000 người thất nghiệp.
Tuy nhiên, sau một vài năm được trả lương cao ngất ngưởng, các khoản tiền thưởng thường xuyên và những lần thưởng bằng cổ phiếu hào phóng, cùng với vài tháng trợ cấp khi cho thôi việc, nhiều nhân viên công nghệ mới thất nghiệp đang coi tình trạng công việc hiện tại của họ không phải là một tình huống tuyệt vọng. Thay vào đó, nó là một cơ hội để họ có thể tận hưởng một kỳ nghỉ ở nước ngoài.
"Tôi thực sự không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với mình", một người vừa trở thành cựu nhân viên Twitter cho biết. "Tại sao không đi du lịch?"
Nếu bạn có tài chính thoải mái, thì bị sa thải là một cơ hội tốt để nghỉ ngơi.
Thông thường ở Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, người lao động nhận được rất ít hoặc không nhận được trợ cấp thôi việc vì điều đó không bắt buộc theo luật lao động liên bang. Dù được một số công ty cung cấp, trợ cấp thôi việc thường chỉ là một đến hai tuần lương cho mỗi năm mà một người đã làm việc tại đó. Nhưng theo Cục thống kê lao động Mỹ, hầu hết nhân viên tại các công ty công nghệ lớn lại không chỉ nằm trong số 10% người lao động được trả lương cao nhất ở nước này, mà họ còn nhận được nhiều tiền hơn so với hầu hết người lao động có thể mong đợi khi bị sa thải.
Facebook, năm ngoái đã đổi tên thành Meta, tương đối hào phóng với chế độ thôi việc cho những nhân viên bị sa thải, với 6 tháng lương, các khoản thanh toán bằng cổ phiếu và bảo hiểm đầy đủ. Một nhân viên cho biết khi đang trên đường đến Nhật Bản để nghỉ hè thì nhận được tin mình bị sa thải. Với hầu hết mọi người trong các ngành công nghiệp khác, họ có thể sẽ hủy chuyến đi đắt đỏ này, nhưng anh ấy cho biết vẫn giữ nguyên kế hoạch của mình.
Một nhân viên khác giấu tên nói rằng cô gần như ngay lập tức bắt đầu lên kế hoạch cho một chuyến đi xuyên quốc gia khi bị Facebook cho thôi việc.
"Bây giờ tôi được tự do", cô nói. Khi mới bắt đầu làm việc tại công ty Big Tech này, cô nói mình đã không biết rằng những giờ làm việc sẽ mệt mỏi như thế nào. Sau khi thường xuyên làm việc 18 giờ mỗi ngày, cô đang sử dụng sáu tháng tiền trợ cấp thôi việc như một cơ hội để nghỉ phép dài hạn.
Những công nhân kỹ thuật khác đã bị sa thải cũng cảm thấy tương tự. Mặc dù các nhân viên Twitter bị Musk sa thải hàng loạt trong đợt đầu vẫn chưa nhận được một tháng trợ cấp thôi việc, nhưng họ vẫn tiếp tục được trả lương bình thường trong ít nhất 60 ngày theo luật lao động của tiểu bang. Một cựu nhân viên Twitter đã đến Paris ngay sau khi bị sa thải. Một người khác nói mình sẽ sớm đến Tây Ban Nha.
Một cựu nhân viên Twitter khác cho biết các đồng nghiệp của mình đang tổ chức "tất cả các loại chuyến đi có thể". Trượt tuyết, đi biển, vòng quanh thế giới… là những lựa chọn đề xuất trong các tin nhắn gửi cho nhau của những người vừa bị sa thải khỏi Twitter. Sau đó, hàng tá phản hồi đã xuất hiện và mọi người bắt đầu lên lên kế hoạch cho các chuyến đi trượt tuyết và đi bộ đường dài ở Mỹ, cũng như các chuyến đi nước ngoài tới Châu Âu, Thái Lan, Ấn Độ và Nam Mỹ.
Một nhân viên tại Snap thì cho biết bản thân đã bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề bởi việc bị sa thải. Sau khi tức giận vì cách mọi người bị đối xử, người này cho biết đã tìm thấy niềm an ủi khi có thể thực hiện "một chuyến đi tự phát đến Ý". Tất nhiên, một phần là bởi đã nhận được bốn tháng lương khi thôi việc.
"Một lượng lớn rượu vang và mì ống sẽ chữa lành mọi thứ", cựu nhân viên này cho biết.
Tham khảo Business Insider